Rộ mốt “mua của người chán bán cho người cần” trên mạng
Hình thức nhà kho ký gửi online ngày càng nở rộ vì tiện lợi và nhanh gọn.
Thu Lê, người từng dùng dịch vụ ký gửi hàng online kể lại: “Mình ký gửi 4 cái váy H&M với giá khá rẻ nhưng mãi vẫn thấy không bán được. Hơi nghi ngờ nên mình nhờ một cô bạn giả vờ làm người mua. Khi bạn mình hỏi thì shop ký gửi nói là váy của mình đã có khách đặt và không bán.”
Sau đó, Thu Lê đã đưa bằng chứng và yêu cầu chủ shop ký gửi online giải thích. Sau vụ cãi cọ thì chỉ 2 ngày sau, 4 chiếc váy của Thu Lê đã được bán sạch. Đưa lại cho khách tiền, chủ shop còn không quên dặn với theo “Bạn đừng nói với ai vì chuyện này chỉ là hiểu lầm thôi nhé!”.
Giao
diện của một shop ký gửi online trên facebook
Tuy không phổ biến nhưng cũng có hiện tượng một vài shop ký gửi “om hàng” của khách để làm dịch vụ cho thuê đồ. Những chủ shop này sẽ một tay điều hành 2 cửa hàng ký gửi và cho thuê đồ (thường là đồ hiệu). Sau khi shop ký gửi dài hạn thì họ đem chính hàng của khách cung cấp cho dịch vụ thuê đồ. Cách “tráo tay” này vẫn có thể thu lời mà lại không dễ bị phát hiện.
Nếu nghe qua thì bạn sẽ có cảm giác hình thức kinh doanh kho ký gửi online rất “dễ ăn”. Tuy nhiên thực tế thì hình thức kinh doanh nào cũng có rủi ro, chỉ có điều rủi ro của nhà kho ký gửi online ở mức thấp so với các hình thức khác.
Với nhà kho ký gửi online hàng bình dân rao các sản phẩm có giá dưới 1 triệu đồng thì rất hiếm khi gặp vấn đề xấu. Tuy nhiên, nhược điểm là số lượng hàng tại các nhà kho ký gửi online này thường rất nhiều. Do đó, sản phẩm không được “chăm sóc” kỹ, có hàng chỉ được đăng một lần rồi lại bị trôi theo dòng chảy của các bài giới thiệu sản phẩm khác… Điều này khiến việc mua bán không được hiệu quả.
Rủi ro thường gặp là đối với các shop ký gửi hàng hiệu online. Các shop này khi tiếp nhận đồ phải thẩm định được tình trạng hàng hóa như độ cũ mới, có đúng hàng chính hãng hay không. Nếu không trung thực chỉ 1 trong 2 điều trên, shop sẽ rất dễ suy giảm uy tín, mất khách nhanh chóng.
Chủ của một shop ký gửi hàng hiệu giấu tên cho biết chị cũng từng rao bán nhầm một chiếc túi Louis Vuitton fake (giả) “siêu cấp”. Chiếc túi được nhái rất đẳng cấp với da, viền, thẻ authentic, hóa đơn mua hàng như thật. Thậm chí phần quai túi còn ngả màu mật ong (một số dòng tui LV có quai cầm bằng da sáng màu thường bị ngả màu khi sử dụng) để có vẻ như đã từng sử dụng. Chủ shop ký gửi đã rao bán chiếc túi với giá 10 triệu (giá gốc của chiếc túi hàng xịn là khoảng 47 triệu) và ngay lập tức có người mua. Tuy nhiên sau đó, khách ra cửa hàng của LV thì xác minh được đó là túi nhái.
“Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, sau lần đó, uy tín của shop bị tổn hại trầm trọng dù mình đã hoàn lại tiền cho khách. Mình làm ăn nhỏ lẻ, không có liên hệ với các hãng nên việc xác minh hàng hóa chỉ dựa vào kinh nghiệm chủ quan là chính. Dó đó, lần sau mình cứ nhắc khách là mang hàng tới hãng kiểm tra, đúng chuẩn thì hẵng mua.” – Chủ shop than thở.