Người bán hàng online phát khổ vì "thượng đế"
Thượng đế khó tính, thượng đế lừa, thượng đế khiếm nhã... là vô số kiểu thượng đế khó chiều mà người bán hàng online thường xuyên gặp phải.
Một trong những bí quyết "sống còn" của việc kinh doanh nói chung và kinh doanh online nói riêng đó là phải coi khách hàng là thượng đế. Thế nhưng không ít người bán đã phải phát khổ vì những người manh danh thượng đế.
Phát bực vì các khách hàng vô ý thức
Mới đây, một chủ shop bán hàng đã đăng tải công khai đoạn hội thoại giữa cô và một khách hàng tên NB. Đoạn hội thoại đã khiến cư dân mạng bị sốc bời lời lẽ trịch thượng và đầy tính dạy bảo của người mua nói với người bán.
Đoạn hội thoại gây sốc của khách hàng NB với một chủ shop
Khách hàng NB đặt của shop một vài món đồ và yêu cầu ship (giao) tới tận nơi. Chủ shop mang đồ đến theo đúng yêu cầu của khách nhưng không thể tài nào liên lạc được với NB. Sau hai lần mang đồ tới nhưng khách không ra nhận, chủ shop đã về và phàn nàn với NB để tìm hướng giải quyết.
Tuy nhiên trái với thái độ tôn trọng và khá mềm mỏng của chủ shop thì "thượng đế" NB tỏ ra thiếu tôn trọng và có nhiều lời lẽ lên lớp vì cho rằng chủ shop không biết cách bán hàng.
Theo NB, cô là người mua nên phải được coi là thượng đế. Mà thượng đế thì không cần phải để tâm tới điện thoại xem người bán có liên lạc hay không. Ý của NB là người bán phải tự biết khách rảnh lúc nào để mang hàng tới. Ngoài ra thượng đế cũng có "quyền" hủy đơn hàng nếu thích mà không cần báo trước với người bán.
"Thứ nhất, không bao giờ được nói từ không. Thứ hai là từ được và thứ ba là bạn phải biết thượng đế của bạn có rảnh hay không" - Khách hàng NB dạy dỗ chủ shop bán hàng.
Đoạn hội thoại giữa chủ shop và "thượng đế NB" được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Không chỉ những chủ shop online khác mà cả nhiều người không kinh doanh cũng tỏ ra hết bức xúc trước yêu cầu quá quắt và lời lẽ "vặn vẹo" của "thượng đế" NB.
Trường hợp của NB chỉ là một trong hằng hà số các trường hợp khách hàng "siêu chuối" mà chủ shop online gặp phải.
Trường hợp gặp khách hàng cư xử bất lịch sự là ca thường gặp nhất khi bán hàng trên mạng.
Lưu My, kinh doanh mặt hàng phụ kiện online kể lại: "Mình vốn khá nhạy cảm và nhút nhát nên hồi đầu mới tập tành kinh doanh cũng gặp phải rất nhiều áp lực tâm lý.
Rất nhiều khách hàng nói chuyện thô lỗ, cộc cằn, kẻ cả thậm chí còn quát tháo, bảo mình là lừa đảo, láo toét khi mình lỡ làm phật ý họ. Cá biệt có lần một khách còn mắng rằng "tao hơn mày cả chục tuổi mà dám xưng hô là bạn như thế à". Rất đáng sợ"
Không chỉ thường xuyên gặp phải các khách hàng nóng tính mà nhiều cô nàng bán hàng online xinh đẹp còn bị nhiều "thượng đế" khiếm nhã quấy rầy.
Hà My, một cô bạn có ngoại hình ưa nhìn mới tập kinh doanh đồ lót trên Facebook chia sẻ: "Mình mới bán hàng online được hai tháng nhưng khách gọi điện tới mua hàng thì ít mà gạ gẫm rủ đi nhà nghỉ thì nhiều. Có khách còn bảo nếu gửi ảnh mình mặc đồ lót cho hắn thì mới chịu mua đồ. Thật hết biết".
Kinh khủng hơn, Hà My kể có một số kẻ "biến thái" còn nhá máy bất kể ngày đêm, gửi ảnh khiêu dâm và gạ tình cô bằng những lời lẽ tục tĩu vào điện thoại và facebook. Hà My từng nhiều lần đổi số những vẫn bị quấy rối vì cô phải công khai thông tin liên lạc trên trang bán hàng.
"Mình không gây thù chuốc oán với ai và cũng không hiểu sao họ lại rảnh tới mức phải làm những trò bệnh hoạn như vậy" - Hà My than thở.
Ngoài chuyện người mua có thái độ bất lịch sự thì đa số shop online đều từng trải qua sự cố bị khách "bùng tháo chạy", không chịu lấy hàng đã đặt. Nguyên do thì rất đa dạng nhưng thường là khách không mặc vừa, không thấy đúng mẫu hoặc chỉ đơn giản là không thích nữa...
Theo chủ của một shop online, chuyện khách đổi trả lại hàng đã đặt là chuyện bình thường. Tuy nhiên nhiều khách không lấy hàng nhưng cũng chẳng thanh toán tiền vận chuyển. Điều này là khá vô lý bởi đa số các shop online thường thuê xe ôm để giao hàng và tiền vận chuyển tính riêng, không liên quan tới tiền hàng.
Bán hàng online đang là mốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất cập
Theo chia sẻ của một số chủ shop online, nhiều khách hàng "bùng" không lấy, trốn trong nhà, kiên quyết không ra nhận đồ dù người vận chuyển nhiều lần gọi điện. Số khác còn tắt máy, block (chặn) facebook của người bán... Thậm chí có khách còn tìm cách chơi khăm các shop bằng cách hẹn lấy đồ ở địa chỉ vu vơ.
"Mình nhiều lần tức phát khóc khi thấy bác xe ôm hơn 50 tuổi rồi, trời nắng chang chang vẫn chịu khó ship hàng đi nhưng rồi lại lóc cóc mang đồ về sau nhiều tiếng đồng hồ không thể nào liên lạc được với khách.
Mình thương bác nên những lần như vậy đều tự bỏ ra 30 - 40 ngàn để thanh toán tiền ship cho mỗi đơn hàng. Mình mất tiền là chuyện nhỏ nhưng quan trọng hơn là việc các bạn ấy đối xử như vậy với người bằng tuổi cha chú mình có hay không?" - Thanh Vân, một người bán online quần áo hip hop bức xúc.
Khi thượng đế là những tay lừa đảo
Kinh doanh online vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Với những người bán không cảnh giác, mới tập tành kinh doanh thì họ sẽ rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho các "thượng đế lừa" trên mạng.
Nhiều chủ shop vì nhẹ dạ cả tin đã mất không ít tiền cho những khách hàng ma mãnh. Chị Phương Thúy, một người bán đồ Thái Lan online trên mạng chia sẻ mình cũng vài lần bị khách lừa số tiền hàng triệu đồng.
Chị Thúy cho biết thủ đoạn của các đạo chích thường là mua hàng vài lần để tạo sự quen thân. Ngoài ra chúng sẽ nói chuyện thân tình nhằm làm mình tin tưởng. Sau đó, chúng sẽ thổ lộ muốn mua buôn với số lượng lớn nhưng tạm thời chưa đủ tiền nên chỉ chuyển trước một khoản tiền nhỏ.
Do mới kinh doanh lại tin khách nên chị Thúy từng chuyển cho một khách quen dưới Nam Định khoảng 7 triệu tiền hàng với chỉ 500 ngàn tiền đặt cọc. Tới khi nhận được rồi thì vị khách quen đã cao chạy xa bay. Chị Thúy nhờ người tới Nam Định để dò hỏi thì địa điểm của vị khách kia là một phòng trọ.
Cũng mới đây, cộng đồng những người kinh doanh online đã truyền tay nhau một câu chuyện có thật để làm bài học khi buôn bán trên mạng.
Cả bán lẫn mua hàng online đều phải cảnh giác
Câu chuyện xuất phát bằng việc trao đổi thông tin mua bán giữa một facebook tên H với shop T. Sau khi đồng ý mua hàng và hứa hẹn chuyển khoản thì H đòi chị T phải đưa ảnh chụp giấy tờ cá nhân để làm tin. Chị T không mảy may nghi ngờ và ngay lập tức đưa ảnh chụp chứng minh thư và hộ chiếu cho H. H hứa mai sẽ chuyển tiền và lấy hàng tuy nhiên mấy ngày sau, tên này "lặn mất tăm".
Sau đó, H đã lập một facebook mua bán tên P, lấy toàn bộ ảnh của chị T từ ảnh bìa tới avatar để giả mạo làm chị T đi lừa người khác.
Mánh khóe của H đó là đưa ảnh chụp hộ chiếu và chứng minh thư của chị T ra để nhử các con mồi. Do thấy thông tin cá nhân nên khách của H rất tin tưởng và chuyển tiền mua hàng.
Sau khi đã ôm tiền của khách thì H cắt đứt liên lạc. Số tiền y ôm được ước tính lên tới vài trăm triệu. Hình ảnh của chị T lan khắp mạng xã hội và bị cho là kẻ lừa đảo. Chị T đã phải trình báo lên công an để giải quyết vụ việc.
Vụ việc này cho thấy mua bán trên mạng ảo thực sự rất nguy hiểm. Những người bán cũng nhắc nhở nhau không nên tùy tiện cho khách lạ xem thông tin cá nhân của mình để đề phòng trường hợp họ lấy những thông tin này để sử dụng cho mục đích bất chính.