Nghịch lý "thượng đế" nơm nớp sợ chủ hàng ở chợ Việt

Không thiếu tiền trong túi nhưng nhiều chị em vẫn len lén liếc chủ hàng khi định chọn đồ.

Là người “nắm đằng chuôi”, cầm tiền trong túi nhưng vẫn sợ người bán hàng một phép; đó là tâm lý ngược đời của nhiều người tiêu dùng Việt khi đi mua quần, áo tại các khu chợ.

Để “tậu” được váy áo, giày dép giá cả phải chăng trong thời khó khăn, nhiều chị em rủ nhau tới các khu chợ để mua sắm. Trang phục ở đây không chỉ đa dạng về mẫu mã, mà giá cũng chỉ từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng, lại được mặc cả chứ không giống với các trung tâm thương mại xa xỉ. Ngần ấy cái lợi bày ra trước mắt nhưng lắm người cứ đặt chân tới chợ là như “ra trận”.

Nỗi lo sợ này lên cao nhất khi đi mua hàng vào đầu giờ sáng hay chiều, thời điểm “mở hàng”. Theo nhiều chủ hàng, vị khách đầu tiên bước vào mua sẽ quyết định lượng hàng có “chạy” hay không của cả ngày hôm đó. Cũng vì thế mà chỉ có dân đi chợ “chuyên nghiệp” mới dám mon men nâng lên hạ xuống quần áo vào thời điểm đầu ngày này.

Lan Hương, 19 tuổi, sinh viên đại học Hà Nội cho biết: “Tôi thường rủ bạn bè đi chợ Xanh (chợ Ngã Tư Sở) vì đồ ở đây rẻ, hợp với túi tiền. Nhưng chỉ đúng một lần đi chợ buổi sáng là về sau “cạch” đến già. Vừa mới thay, thử vài chiếc quần, áo đã thấy chủ hàng lườm nguýt rồi. Cô bạn đi cùng còn cố mặc cả “siết”, đến lúc đi rồi, chị chủ hàng nói vọng theo mấy câu. Không chỉ nói, nhiều bà chủ khó tính còn sẵn sàng chửi khách, đốt vía như xua tà".

Nghịch lý "thượng đế" nơm nớp sợ chủ hàng ở chợ Việt - 1 Nghịch lý "thượng đế" nơm nớp sợ chủ hàng ở chợ Việt - 2

Nâng lên đặt xuống, mua lẻ tại chợ bán buôn làm tăng thêm tâm lý sợ hãi của nhiều khách Việt (ảnh minh họa).

Khác với các khu trung tâm thương mại mát mẻ mà bạn hoàn toàn có thể “window shopping” (ngắm mà không mua hay chưa mua), tại các khu chợ, nhiều chị em cũng nơm nớp khi chỉ có ý định dạo quanh tìm kiếm món đồ phù hợp với mình.

“Phải đi một vòng chợ mới thấy thích một cái gì đó chứ chẳng lẽ món nào cũng mua. Nhưng cứ ngắm nghía mà không chi tiền là chủ hàng không thích đâu.” – Kim Anh, nhân viên công sở (quận 3, TP.HCM) chia sẻ. Cũng vì thế nên nhiều chị em tiền trong túi không thiếu nhưng mỗi khi vào chợ, muốn nâng lên đặt xuống cái gì cũng phải len lén liếc chủ hàng, xem thái độ chị chủ đang vui hay đang buồn.

Đáng cười hơn cả là có khách hàng sợ chủ hàng đến độ đành “cắn răng” mua một thứ gì đó. Thấy người bán hàng kè kè đi theo hay xì xầm ý là không có tiền mà còn bày đặt lựa chọn, nhiều bạn trẻ “non gan” hay máu sĩ nổi lên liền rút ví ra mua, không cần biết món đồ đó có hợp với mình hay không. Đôi khi, chính nỗi sợ tiềm ẩn này khiến họ mắc bẫy của người bán hàng lúc nào không biết.

Tuy nhiên, khi đi chợ, nhiều người càng thấy sợ hơn nếu các chị bán hàng đon đả, chào mời. Hiện tượng này thường được giải thích bằng hai lý do: bạn đã mua hớ hoặc bạn sắp bị quát, nếu không chịu mua hàng.

Nghịch lý "thượng đế" nơm nớp sợ chủ hàng ở chợ Việt - 3

Nhiều chị em "cắn răng" mua vì bị khích bác hay vì sợ chủ hàng (ảnh minh họa)

Đi mua hàng ở chợ bán lẻ đã hãi nhưng “nhặt” ít hàng ở những khu chợ chuyên bán buôn mới cần đến những dân mua sắm sành sỏi, “cứng cựa”. Điển hình là chợ Hôm, nơi bán buôn vải nổi tiếng ở Hà Nội.

Vì không mua nhiều vải, lại muốn mặc cả rẻ tại khu chợ này, không ít người đã bị quát hay phớt lờ, đuổi khéo với câu nói: “Có định mua gì không em ơi?” quen thuộc cùng cái nhìn đầy ẩn ý. Cũng chính vì vậy, dù là đầu mối bán vải, chợ Hôm vẫn gây nỗi lo lắng cho không ít khách hàng.

Ở các khu chợ trong thành phố Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành, chợ An Đông hay chợ Phạm Văn Hai, người bán hàng có vẻ thoải mái hơn khi khách lựa chọn nhưng về độ "chua ngoa" thì cũng chẳng kém. 

Một khách hàng tên Gấm mua hàng ở chợ Phạm Văn Hai khẳng định: "Đi mua đồ ở chợ này một lần sợ luôn, nói thách kinh khủng, đã vậy trả giá mà không mua là bị chửi tơi bời, sợ thật."

Nhiều người từng mua sắm tại chợ Bến Thành cho biết chủ cửa hàng tại đây chỉ thích bán cho Tây, nhất là các hàng bán phụ kiện, túi xách. Khách trong nước bước vào, sờ đến mặt hàng nào cũng thấy e dè. Có vị khách còn đóng giả người nước ngoài để được tiếp đón nhiệt tình hơn.

Để thoát khỏi nỗi sợ thường trực khi đi chợ, nhiều “cao thủ” shopping đã hiến kế trên các diễn đàn. Thứ nhất, luôn khẳng định vị trí “thượng đế” của mình bằng cách đàng hoàng bước vào và ngẩng cao đầu khi ra, dù không mua gì.

Nếu chưa quen mua, hay mặc cả trong chợ, đừng liều mình dạo chợ vào giờ mở hàng. Nắm bắt giá cả chung của các mặt hàng cũng giúp chị em dễ đưa ra cái giá sát với giá gốc hơn, không lo bị hớ mà cũng không sợ bị quát vì trả giá quá thấp. Tuy nhiên, để triệt tận gốc cái tâm lý sợ hãi này, cần hơn cả vẫn là sự thay đổi trong tâm lý của chính người bán hàng, điều từng được nhắc đến nhiều lần nhưng có lẽ còn lâu nữa mới có thể thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Vũ ([Tên nguồn])
Những mẹo thời trang hữu ích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN