Mẹo đi chợ vải ở Hà Nội
Đi chợ vải ở Hà Nội cần có mẹo để người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mà vẫn mua được vải đẹp.
Với những người mê may quần áo, hẳn đi chợ vải thú vị không kém khi shopping tại những trung tâm thương mại lớn hay lượn lờ ở các cửa hàng trên phố thời trang.
Nói đến chợ vải ở Hà Nội không thể không nhắc tới hai địa chỉ quen thuộc: chợ Hôm và chợ Ninh Hiệp. Nhưng không đơn giản như vào trung tâm thương mại ngắm nghía và rút ví theo giá niêm yết, đi chợ vải ở Hà Nội cũng cần mẹo để tiết kiệm mà vẫn mua được vải đẹp.
Một sạp vải trong chợ Hôm (Phố Huế, Hà Nội)
Đến chợ Hôm tìm vải đẹp và độc
Chợ Hôm từ lâu đã nổi tiếng là nơi bán lẻ đủ loại vải vóc từ cao cấp đến bình dân. Nằm giữa trung tâm thành phố, đây là địa chỉ mua sắm được nhiều chị em quan tâm. Chợ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều tất cả các ngày trong tuần.
Ở chợ Hôm, các gian hàng được phân ra khá rõ ràng nên người đi mua sắm có thể thẳng tiến tìm đến nơi cần bán các mặt hàng khác nhau. Tầng một có các quầy chuyên bán quần áo may sẵn và nhiều loại phụ kiện. Tầng 2 là nơi tập trung các quầy bán vải nhiều đến hoa mắt với đủ các chất liệu, hoa văn, màu sắc. Tại đây, khách hàng chủ yếu mua lẻ để may quần áo mặc.
Mua vải ở chợ Hôm cần biết cách trả giá và tính chiều dài vải, tránh nhờ chủ sạp vải tư vấn
Vải ở chợ Hôm không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà còn phong phú về chất lượng. Bên cạnh vải may quần áo khách hàng có thể tìm mua nhiều loại vải khác để may rèm, chăn ga gối... từ bình dân đến cao cấp. Tất cả các mặt hàng hóa ở chợ Hôm đều chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì thế, giá cả các mặt hàng cũng rất phải chăng.
Theo một chủ cửa hàng cho biết vải ở đây chủ yếu được lựa chọn từ những kiện vải đẹp nhất ở chợ bán buôn Ninh Hiệp, một số ít sạp hàng lấy vải đẹp và độc từ Quảng Châu và Thượng Hải về. Tuy nhiên mặt hàng này chỉ dành cho những nhà may cao cấp, khách mua lẻ thường phải chịu giá “trên trời”.
Ở chợ Hôm đại bộ phận các chủ các quầy hàng vẫn còn "hét" giá và nói thách quá cao khiến nhiều khách hàng chưa có kinh nghiệm mua sắm tại chợ dễ "bị hớ". Để không mua phải hàng giá cao vô lí, khách hàng nên trả giá từ 1/2 đến 1/3 sản phẩm đang được chủ hàng phát giá.
Hoàng Oanh một khách ruột của chợ Hôm cho hay: “Chủ hàng ở đây nhìn mặt bắt hình dong, ai đi chợ mà ngó nghiêng, tìm kiếm ắt là khách lạ sẽ bị hét giá rất cao thậm chí bắt chẹt. Nên cân nhắc kĩ sẽ mua loại vải gì, màu sắc thế nào thậm chí hỏi thợ may trước kích thước cần mua tránh hỏi chủ hàng. Với người mua hàng quen thường sẽ có một hai cửa hàng ruột không mất thời gian trả giá”.
Thậm chí, tại chợ, vẫn còn tình trạng nhiều chủ hàng bắt chẹt người mua khi họ trả giá không vừa ý, gây khó chịu cho khách mua sắm. Để tránh những phiền phức không đáng có khách hàng nên đi chợ Hôm tầm buổi trưa trở đi và tránh những ngày đầu tuần, đầu tháng âm lịch.
Khi đã lựa chọn được loại vải với mức giá ưng ý khách hàng nên cẩn trọng quan sát chủ tiệm cắt vải. “Ở chợ Hôm người bán có nhiều cách móc túi khách hàng như đo thiếu, cắt lệch vải hay cố tình giấu đi những chỗ vải phai màu, thủng… khi cắt vải cho khách”, Mai Hoàn chủ một cửa hàng may chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện nay, chủ yếu người bán vải ở chợ Hôm sử dụng loại thước đo 50cm, khách hàng có thể quan sát và nhẩm theo khi đo vải và kiểm tra kĩ những chỗ vải hỏng, phai màu để có được sản phẩm ưng ý nhất.
Chợ Ninh Hiệp thiên đường vải giá rẻ
"Trên là trời, dưới là vải vóc, quần áo" đó là cảm nhận của bất kỳ ai lần đầu đến với khu chợ đầu mối vải vóc, quần áo lớn nhất miền Bắc này. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, chợ Ninh Hiệp tọa lạc tại làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.
Dù chợ khá xa nhưng vẫn rất đông khách hàng vì vải ở đây chỉ rẻ bằng một nửa so với mua ở các chợ trong nội thành Hà Nội tuy nhiên giá cả đi đôi với chất lượng.
Chợ Ninh Hiệp là thiên đường của nhiều loại vải giá rẻ, phong phú về màu sắc, chất liệu
Thường chất lượng vải ở Ninh Hiệp chỉ ở mức trung bình, không có nhiều mẫu độc và đẹp nhưng nhiều lựa chọn và giá cả rẻ hơn chợ Hôm.
Những loại vải cây hầu hết là vải đắt tiền như jean, bông, dạ, kaki. Các loại vải bó thành những bó to thường là vải cotton, vải chun có giá khá rẻ bởi chúng thường là vải cũ, mảnh nhỏ hoặc bị lỗi. Nếu chịu khó tìm kiếm, khách hàng cũng có thể mua được những mảnh vải đẹp, độc đáo với giá rẻ giật mình. Ở Ninh Hiệp, ngoài vải đo còn loại vải được bán theo cân nặng (kg), chủ yếu khách buôn hoặc thợ may mới chọn mua cách này.
Chủ cửa hàng ở chợ Ninh Hiệp khá dễ tính, niềm nở với khách hàng và không hét giá cao
So với nhiều chợ đầu mối, thái độ bán hàng của các chủ cửa hàng ở Ninh Hiệp khá dễ chịu. “Khách mua hàng sẽ được người bán tư vấn, khảo giá ở nhiều quầy hàng mà không bị ép mua. Khách mua lẻ cũng có thể trả giá nhưng không quá nhiều như ở chợ Hôm mà chỉ dao động khoảng vài chục nghìn. Người bán hàng ở đây cũng luôn phân biệt rạch ròi giá cả giữa khách mua buôn và mua lẻ, giữa thợ may và người đi may quần áo”, Minh Phương một khách hàng quen của chợ Ninh Hiệp cho biết.
Đến chợ Ninh Hiệp khách hàng nên tham khảo giá ở một số cửa hàng trước khi quyết định mua. Trước khi đi chọn vải, bạn nên quyết định sẽ mua loại vải gì và bao nhiêu để tránh tham rẻ mua quá nhiều vải mà không thực sự dùng đến.
Ở chợ Ninh Hiệp chủ hàng cắt vải khá chính xác tuy nhiên khách hàng cũng nên chú ý tránh vải lỗi, hỏng, phai màu.
Cách tính chiều dài vải may đồ cơ bản
- Áo sơ mi, áo phông: Chiều dài vải cần mua = Chiều dài áo + chiều dài tay
- Quần: Chiều dài vải cần mua = chiều dài chân tính từ cạp quần đến mắt cá chân + 20cm (Thông thường may quần cần 1m đến 1,2m vải cho người có chiều cao từ 1,55m đến 1,65m)
- Váy ôm: Chiều dài vải cần mua = Chiều dài thân váy + chiều dài tay áo
- Váy xoè: Chiều dài vải cần mua = Chiều dài váy nhân đôi