"Mánh" tẩu tán đồ cũ của "con nghiện" thông minh
Chợ dọn tủ đồ là một ý tưởng hay để các tín đồ shopping Việt "cá kiếm" sau những ngày mua sắm quá đà.
Dật dờ với tình trạng "đói meo" về ngân sách, lại có một tủ quần áo toàn những món đồ ít mặc chất đầy trong khi đang lỡ mê mẩn quá nhiều xu hướng mới. Có lẽ không ít những tín đồ shopping sẽ cảm thấy chẳng đủ kiên nhẫn để túc tắc thanh lí tủ đồ tại nhà kho kí gửi hay rao vặt trên các trang mua bán online.
Lúc này việc dọn tủ đem ra “chợ” mua nhanh bán nhanh có vẻ như là một giải pháp hoàn hảo.
Closet cleanrance – “chợ dọn tủ”
Chị Hoàng Thảo Kusa là một trong những đi tiên phong trong trào lưu closet clearance ở Việt Nam với chợ dọn tủ đầu tiên được tổ chức cách đây 4 năm dưới cái tên Kusa’s Closet Clearance.
Đây là mô hình rất hay ho đươc chị Thảo “mượn” từ Nhật Bản, trong đó những người tham gia chợ dọn tủ dù là người mua hay người bán cũng sẽ không phải trả bất kì một khoản phí nào cho host (người tổ chức ra sự kiện closet clearance).
Cảnh mua bán “ác liệt” tại Kusa’s Closet Clearance lần 3 (Ảnh: Kusa’s Closet)
Host của các buổi closet clearance ở Việt Nam thường là những tên tuổi khá nổi trên mạng với gu ăn mặc độc đáo, những người có ảnh hưởng thời trang đáng kể đủ để lôi kéo đông đảo các bạn trẻ đến với “chợ dọn tủ” của mình.
Hạ My, một trong những cô nàng đã từng tham gia Kusa’s Closet Clearance từ những ngày đầu tiên chia sẻ: “Hồi đó cũng chưa biết closet clearance là gì, chỉ biết chị Kusa đang muốn bán lại đống quần áo giày dép cũ, mà mình thì cực thích mấy món đồ chị ấy mặc nên cũng phải tham gia bằng được. Lúc đến đó rồi thì không riêng gì đồ của chị Kusa mà mình còn lùng được nhiều món đồ khác chất và rẻ vô cùng”.
Quy trình đăng kí bán hàng ở các buổi closet clearance khá đơn giản, chẳng hạn như với Kusa’s Closet Clearance, những tín đồ shopping đang muốn dọn tủ chỉ cần gửi tin nhắn để đăng kí với host là chị Thảo, và phải nhanh tay trước khi hết chỗ.
Host sẽ phải ghép nhóm cho những người bán có ít đồ, sắp xếp chỗ và chuẩn bị bàn ghế cho các nhóm trước ngày diễn ra chợ dọn tủ. Còn tất cả những khâu còn lại từ việc định giá sản phẩm, chuẩn bị mắc treo đồ, trang trí chỗ ngồi đều là do người bán quyết định, miễn sao bán được hàng và cả người bán lẫn người mua đều thấy vui vẻ.
Các bạn trẻ chen chúc chờ đến giờ “chợ” chính thức mở cửa để là người đầu tiên được sở hữu những món đồ đẹp (Ảnh: Kusa’s Closet)
Dù lần nào tổ chức cô chủ của Kusa’s Closet Clearance cũng cố gắng chọn một địa điểm rộng rãi hơn nhưng dường như điều đó không bao giờ là đủ cho sự hưởng ứng quá nhiệt tình của các tín đồ shopping dành cho mô hình chợ dọn tủ này khi người bán thì bán hết sạch còn người mua vẫn kéo đến ùn ùn.
Có những lần đông quá, chị Thảo đã phải phân phối từng nhóm người mua vào một, nhóm này ra bớt thì nhóm khác mới được vào và hàng để bán cũng được lấy ra theo nhiều đợt từ sáng tới chiều để đỡ thiệt thòi cho những người vào sau. Thế mới biết ở Việt Nam, mô hình chợ dọn tủ “hot” như thế nào.
Khi host là các chủ shop quần áo, mô hình closet clearance thường được biến thể thành garage sale. Cũng giống như closet cleanrance, garage sale là một mô hình "học lỏm" từ nước ngoài nhưng khi về Việt Nam, nó được hiểu là một buổi thanh lý đồ do host đứng ra tổ chức và thường rủ rê thêm nhóm bạn thân bán cùng cho xôm tụ.
Ở garage sale, những người tham gia bán hàng sẽ không chỉ chăm chăm dọn tủ mà còn tranh thủ bán xen kẽ thêm vài món đồ mới với giá sale từ 30-50%. Tuy nhiên với hình thức biến thể này, trừ khi quen thân với chủ shop, còn không sẽ khá khó để các tín đồ shopping có thể chen chân làm người bán hàng.
Những món đồ độc, đồ hiệu second-hand giá hời là “đặc sản” của các buổi garage sale
Với người mua thì garage sale lại là dịp có một không hai để tranh thủ tậu những món đồ độc từ các chủ shop với cái giá hời. Chẳng hạn như garage sale của Hoàng Ku, anh chàng stylish kiêm chủ shop đình đám ở Hà Nội này rất thích xài đồ hiệu nhưng “cả thèm chóng chán”, và chỉ cần chán là sẵn sàng mang đồ hiệu ra garage sale bán lại, có nhiều món chỉ mặc một lần cũng được Hoàng Ku hào phóng ra cái giá chưa bằng một nửa giá gốc để đợi chủ nhân mới rước về.
Flea market – “chợ trời”
Nếu dọn tủ tại các buổi closet clearance không mất phí nhưng lại ít chỗ, phải nhanh chân hoặc phải có “quan hệ” mới bán được thì chỉ cần bỏ ra chút vốn, các tín đồ shopping có thể ung dung ra flea market thanh lý đồ.
“Flea market” là một thuật ngữ dùng để gọi những phiên chợ tự phát được tổ chức ngoài trời, chủ yếu bán các mặt hàng đã qua sử dụng và ở phương Tây thường có bọ chét (flea) bám trên các mặt hàng này nên cái tên “flea market” cũng được bắt đầu từ đó.
Mô hình flea market không còn quá mới ở Việt Nam khi mỗi năm vẫn có hàng chục phiên chợ được tổ chức đều đều. Thế nhưng phần đông các tín đồ shopping chỉ nhìn nhận flea market như một phiên chợ trời với những gian hàng bán đồ handmade xen kẽ các shop quần áo online nhỏ thuê gian hàng vừa bán vừa tranh thủ quảng cáo shop.
Hội chợ đồ cũ vô cùng nhộn nhịp tại Chic&Cheap Flea Market 3 ở Hà Nội (Ảnh: Chic&Cheap Flea Market)
Thực tế thì “chợ trời” cũng được coi là một mảnh đất màu mỡ để dọn tủ đồ. Đơn cử như ở Chic&Cheap Flea Market 3 (Hà Nội), ban tổ chức đã dành hẳn một khu riêng để làm “hôi chợ đồ cũ”. Bất kì ai có quần áo, phụ kiện cũ muốn thanh lý chỉ cần đừng quá lỗi mốt hay bị ố bẩn là đã có thể “nhờ” Chic&Cheap bán hộ. Cuối phiên chợ, các thành viên sẽ gửi lại 20% doanh thu tạm gọi là công bán và thuê chỗ cho ban tổ chức, số tiền còn lại và quần áo chưa bán được có thể cầm về, giá bán hoàn toàn do người kí gửi đồ quyết định.
Xét cho cùng thì đây là một cách dọn tủ khá “hời”, tức là người kí gửi đồ sẽ chẳng bao giờ sợ lỗ vốn cả. Quỳnh Anh, một bạn trẻ đã từng tẩu tán được kha khá đồ ở Chic&Cheap cho biết: “Mình cứ tính là ngay cả khi đồ của mình không bán được, mình cũng sẽ không phải chia tiền cho ban tổ chức, tức là chẳng mất chút vốn nào, thế mà cuối ngày mình thu về được 1 triệu 2 trăm ngàn đồng tiền quần áo cũ.
Cái hay ở đây là ban tổ chức sắp xếp đồ rất hợp lý, có khu đồ denim, khu áo sơ mi, khu váy, khu giày riêng biệt nên dù là đồ cũ nhìn vẫn rất bắt mắt, hơn nữa đây là một phiên chợ nổi tiếng có nhiều người đến tham gia thì mới dễ bán đồ như vậy, chứ còn đưa lên mạng thì chẳng biết bao giờ mới bán hết được”.
Quần áo và phụ kiện được sắp xếp thành từng khu riêng biệt nên dù là đồ cũ nhìn vẫn rất bắt mắt (Ảnh: Chic&Cheap Flea Market)
Ngay cả khi không có hội chợ đồ cũ thì hãy cứ rộng rãi thuê hẳn một gian hàng tại các flea market để tự bán đồ, đây cũng là cách Nguyễn Trang – một tín đồ shopping đã chọn để dọn dẹp sạch sẽ tủ đồ của mình.
Trang đã rủ ba cô bạn thân cũng là các shopaholic (người mê mua sắm thời trang) thuê chung một gian hàng ở Zời Market với giá là 600 ngàn đồng, tính ra mỗi người chỉ mất 150 ngàn đồng tiền vốn mà được bày bán thoải mái cả ngày: “Hôm đó mình bán được hơn 2 triệu đồng tiền quần áo cũ, và vì khách đi chợ không đông được như dự tính ban đầu nên ban tổ chức đã giảm giá thuê cho mình xuống còn 500 ngàn đồng, không chắc sẽ phải bán được nhiều nữa”.
Gian hàng “Bách hóa tổng hợp” đồ cũ của Nguyễn Trang tại Zời Market.
Tâm lí của những người đi “chợ” bao giờ cũng là đã mất công đi phải cố mà mua được cái gì đó mang về, người bán cũng thường trở nên rộng rãi hơn ở những phiên chợ khi sẵn sàng giảm giá cho khách mua hàng để mọi người đều thấy vui vẻ. Thiết nghĩ việc mang tủ đồ ra “chợ” cũng là một ý tưởng hay để các tín đồ shopping tranh thủ “cá kiếm” trong những ngày ví xẹp.
Các "mánh" tẩu tán đồ cũ nhanh gọn:
- Đồ Quảng Châu hay đồ Việt Nam xuất khẩu chỉ nên để giá khoảng 50-70 ngàn đồng cho một món đồ. Đừng nghĩ rằng tôi mua cái áo này tận 400 ngàn đồng, mới mặc một lần không thể bán rẻ quá được. Đằng nào bạn cũng không mặc nó nữa, vậy nên hãy bán nhanh để còn mua đồ mới về.
- Tránh việc xếp quần áo thành đống để khách hàng tự bới và chọn, trông đồ của bạn sẽ mất giá đi rất nhiều. Hãy chọn những cái bạn cho là mới, đẹp và vẫn còn đúng xu hướng, là phẳng phiu và treo lên mắc, gian hàng của bạn sẽ thu hút nhiều người mua hơn.
- Nên đầu tư vào phần trang trí nếu không muốn bị lép vế với những gian hàng bên cạnh.