Du học sinh, dân công sở "cháy túi" vì mùa giảm giá

Nhiều tín đồ thời trang đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì đã lỡ "vung tay quá trán" trong mùa sale (mùa giảm giá).

Mùa giảm giá là thời điểm hấp dẫn nhất trong năm của các tín đồ thời trang. Tuy nhiên nó cũng thường xuyên là nguyên nhân tạo nên cơn ác mộng cho những người không có khả năng quản lý tài chính tốt. Cơn ác mộng này gắn với hình ảnh một núi đồ cao hơn đầu người và một cái ví rỗng tuếch. 

Du học sinh khốn đốn vì mùa sale

Ở nước ngoài, tầm tháng 6 đến tháng hết tháng 8 và dịp cuối năm là lúc các nhãn hàng giảm giá mạnh nhất. Và cũng vào thời điểm này, không ít du học sinh phải lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười" vì bị cuốn vào cơn bão mua hàng sale.

Huyền Linh, một du học sinh tại đảo quốc Singapore than vãn: "Mùa sale là mùa khổ của dân du học sinh. Chúng mình toàn phải uống nước lã và ăn đồ ăn nhanh, thậm chí mì gói hai tháng trước khi mùa giảm giá ở đây bắt đầu. Hết đợt sale là đến đợt báo cáo gia đình vì hết tiền tiêu rồi còn đâu."

Huyền Linh cho biết vào các kỳ sale ở Singapore, nhiều hàng "hot" của giới trẻ như Zara, Mango, H&M, Massimo Dutti, River Island... đều giảm mạnh. Chẳng hạn như nếu trong năm, một chiếc chân váy quấn Zara rất hợp mốt có giá khoảng 1,5 triệu đồng thì vào đợt sale nó chỉ còn khoảng 700 ngàn đồng, khá vừa vặn với những ví tiền không mấy rủng rỉnh.

Mẫu mã đa dạng, các con số giảm giá nhảy múa hấp dẫn, dân du học sinh - những người quanh năm chẳng dám mua sắm nhiều vì tiền học và sinh hoạt phí đắt đỏ - nghiện hàng sale như "nghiện thuốc phiện". 

"Nhiều khi mình cũng dằn lòng phải chắt bóp nhưng cứ tới giữa tháng 6 (khởi điểm mùa sale) là tim lại đập thình thịch, tay bỏ đồ vào giỏ hàng không suy nghĩ, quẹt thẻ tín dụng mỏi cả tay." - Huyền Linh tâm sự.

Du học sinh, dân công sở "cháy túi" vì mùa giảm giá - 1

Làm sao có thể giữ chặt túi vào mùa giảm giá?

Chuyện ăn mì tôm, uống nước lã (nước lã: water tap - ở Singapore, nước lã ở nơi công cộng rất sạch và có thể uống luôn không cần đun sôi) để mua hàng giảm giá tưởng là chuyện đùa nhưng hoàn toàn có thật.

Nhiều du học sinh nhịn ăn, nhịn tiêu trước mùa bão sale chưa đủ. Sau đó, họ lại tiếp tục giải quyết "hậu quả" bằng cách tiếp tục uống nước lã và ăn mì gói vì hết sạch tiền tiêu. Có những trường hợp còn tiêu lẹm cả vào tiền học, khiến bản thân lại phải cõng thêm số nợ tiền lãi phát sinh do đóng học phí muộn. 

Hoàng Minh, một trường hợp du học sinh khác nhớ lại một trải nghiệm nhớ đời: "Mình ham mua sale, mà toàn mùa giày thể thao giảm giá thôi. Mua nhiều quá, tiêu cả vào tiền nhà. Đến tháng không đóng đủ tiền thuê, suýt bị chủ nhà đuổi. May mà bố mẹ gửi tiền sang cứu nguy kịp. Nhỡ lần đó mà bị đuổi thật thì không biết phải lang thang chỗ nào với một thùng giày to".

Tương tự, Thu Dung, du học sinh bên Mỹ cũng chia sẻ mình cùng nhiều bạn bè xung quanh luôn lâm vào cảnh túng bấn vì mùa sale: "Bên này cái gì giảm giá cũng rẻ. Như váy F21, giảm còn có mấy chục nghìn tiền Việt. Thế làm sao mà không mua được. Chúng mình cứ hàng nào sale rẻ là lao vào mua. Nhưng dù đồ rẻ mấy thì mua lắm thì tính tổng tiền cũng nhiều

Đỉnh điểm là có lần mình đốt 1000 đô la (khoảng 21 triệu đồng - PV) cho Victoria's Secret. Bạn bè mình có đứa nghiện hàng hiệu sale. Món ngàn đô giảm còn mấy trăm đô. Nghe thì hời nhưng mỗi lần oanh tạc shop hàng hiệu cũng xài sạch tiền bố mẹ gửi sang để tiêu cho nhiều tháng. Thế là phải lao đi tìm việc làm thêm trả nợ."

Du học sinh, dân công sở "cháy túi" vì mùa giảm giá - 2

Túi to, túi nhỏ là hình ảnh quen thuộc của các fashionista khi tới tháng sale

Điêu đứng vì quẹt thẻ tín dụng mùa giảm giá

Ở Việt Nam, xu hướng dùng thẻ tín dụng để mua hàng hiện nay chẳng còn xa lạ. Nhiều người dù có mức thu nhập không quá cao nhưng cũng dắt túi tới vài chiếc thẻ. Mỗi thẻ có hạn mức chi tiêu cả chục triệu đồng khiến nhiều người cầm nó trong tay cứ ngỡ là mình đang sở hữu nhiều tiền lắm.

Tuy nhiên, chi tiêu bằng thẻ tín dụng cũng đồng nghĩa với việc đang vay tiền của ngân hàng và bạn vẫn phải trả nợ. Dù vậy, nhiều người vẫn không ý thức được điều này và có thói quen "cà thẻ" không cần suy nghĩ. Tới ngày phải trả nợ ngân hàng, lúc ấy mới ngã ngửa người vì số tiền đã tiêu quá lớn. 

Mùa sale tới cũng là mùa mà "dân chuyên cà thẻ" quẹt sướng tay. Mặc dù các mặt hàng không đa dạng và giá giảm không hấp dẫn như ở nước ngoài, nhưng vào mùa sale, các shop ở Việt Nam vẫn thu hút lượng khách nhất định. Không ít người trong số này có thói quen khá hiện đại là chi tiêu bằng thẻ. Đặc biệt, nhiều nhãn hàng có hình thức ưu đãi giảm giá nhiều hơn, tặng thêm quà khuyến mãi nếu khách thanh toán bằng thẻ tín dụng. Chiêu ưu đãi này cuốn khách vào cơn nghiện "cà thẻ, mua hàng". 

Bạn Thu Huyền (nhân viên văn phòng) hồ hởi chia sẻ: "Mình thích mua hàng sale bằng thẻ tín dụng vì nhiều nhãn hàng liên kết với ngân hàng để có mức ưu đãi tốt hơn cho chủ thẻ. Mua đồ bằng thẻ lại còn được vay tiền. Có phải lúc nào cũng sẵn nhiều tiền mặt đâu. Với lại nợ tiền thẻ tín dụng, lâu lâu nữa phải trả, tội gì không quẹt."

Nhiều trường hợp nợ ngân hàng một khoản tiền không nhỏ vì sau khi sa chân vào "cạm bẫy mua sắm". Bởi sau khoảng 45 ngày, các ngân hàng sẽ đòi thanh toán toàn số nợ đã vay. Tuy vậy nhiều người chỉ trả số dư tối thiểu trong khi ngân hàng tính lãi suất rất cao, từ 18 - 30%/năm. Điều này khiến có không ít trường hợp ngã ngửa khi nhìn thấy số nợ quá lớn. Không thể thanh toán kịp, phải tiếp tục trả phí trả chậm và lại tiếp tục chịu cảnh lãi mẹ đẻ lãi con cho tới khi trả xong. 

Chị Ngân Thương (nhân viên ngân hàng) cho biết: "Bản thân tôi là nhân viên ngân hàng mà còn thỉnh thoảng vẫn bị rơi vào bẫy tín dụng (credit card trap) vì ham mua hàng giảm giá. Còn các trường hợp bạn trẻ nợ đầm nợ đìa ngân hàng vì xài thẻ mua hàng vô tội vạ nhiều như lá rụng. Nếu không có hiểu biết nhất định, rất dễ "rách thẻ" vào mùa sale"

Du học sinh, dân công sở "cháy túi" vì mùa giảm giá - 3

Các shopaholic cần tỉnh táo, đừng để mắc bẫy tín dụng (hình minh họa)

Chữa cháy khi lỡ "vung tay quá trán

Nếu là một tín đồ của hàng sale, bạn sẽ chẳng còn lạ gì chu trình: mua xong thanh lý. Nhiều con "nghiện hàng sale" đã phải nhanh chóng bán tống bán tháo những món hàng mình vừa rước về vì... hết tiền dự trù cho sinh hoạt phí. 

Trong các bài viết hướng dẫn mua hàng sale nào cũng có một lưu ý "sống còn" đó là phải cân nhắc 7 lần trước khi mua một món đồ, dù nó có được giảm giá nhiều đến đâu. Điều này xuất phát từ một thực trạng là nhiều người vì ham rẻ, "nhắm mắt nhắm mũi" bỏ đồ vào giỏ hàng mà chẳng mảy may bận tâm suy nghĩ xem có thực sự cần thiết không. Bởi vậy, cách giải quyết kinh tế nhất với những món giảm giá không thể dùng đến đó là bán chúng. 

Thường hàng sale là hàng quá mùa, hết hoặc gần hết mốt, hoặc ít được ưa chuộng... bởi vậy bán lại chúng không dễ dàng. Thông thường các tín đồ thời trang phải bán chúng với giá rẻ, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với giá ghi trên tag (nhãn) để "câu" các con nghiện hàng giảm giá khác. Các kênh như mạng xã hội, chợ thanh lý hay trang web mua bán là cách để tẩu tán đồ.

Du học sinh, dân công sở "cháy túi" vì mùa giảm giá - 4

Do mua vô tội vạ, nhiều món chưa mặc đã phải bán rẻ (ảnh minh họa)

Hằng My, một tín đồ chuyên săn hàng sale trên mạng chia sẻ: "Mình có nhiều đồ chưa dùng đến thì gom lại đem bán ở các hội chợ garage sale hay flea market. Những chỗ này tuy đông người hỏi mua nhưng khách hay trả giá nên bán cũng rất khó."

Ngoài ra, nhiều shopaholic (con nghiện shopping) chọn hình thức tham gia các nhóm trao đổi đồ trên mạng để giải quyết đống hàng sale tồn đọng trong tủ quần áo của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Những mẹo thời trang hữu ích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN