Cụm từ "Made in Vietnam" đang bị lạm dụng ra sao?
Cùng với làn sóng "ghét" hàng Trung Quốc là nhà nhà, người người đổ xô dùng hàng “Made in Vietnam” làm cho cụm từ chỉ xuất xứ này trở thành thương hiệu tên tuổi.
Cuối năm 2012, khi rộ lên thông tin sinh vật lạ làm tổ trong quần áo trẻ em mới mua được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc, chị Nguyễn Ngọc Anh (Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng các đồng nghiệp trong công ty bảo nhau tẩy chay hàng hóa từ nước này.
Chị cho biết: “Mấy năm trước, quần áo Trung Quốc nhan nhản, cửa hàng 'Made in Vietnam' còn khiêm tốn, nên tìm mua sản phẩm xuất xứ Việt khó và đắt”, chị nói. Khi đó, ở công ty chị Ngọc Anh, chiến dịch người Việt dùng hàng Việt lan khắp công ty và được mọi người hưởng ứng nhiệt tình.
Các cửa hàng Made in Vietnam mọc lên như nấm ở Hà Nội, từ các trung tâm mua sắm cho đến ngõ hẻm.
Không chỉ các nhân viên công ty chị Ngọc Anh, mà nhiều người tiêu dùng trong nước cũng bắt đầu chuộng mặt hàng có xuất xứ ở Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, những cửa hàng dán nhãn “Việt Nam xuất khẩu” mọc lên nhan nhản. Nhiều cửa hàng cũng bắt đầu thay tên đổi họ thành “Made in Vietnam”.
Từ trong các trung tâm mua sắm cho đến những con phố nhỏ, đâu đâu người ta cũng bắt gặp những cửa hàng mang thương hiệu này. Không ai phủ nhận, cụm từ "Made in Vietnam" có sức hút bắt đầu từ đó, và kéo dài đến hiện tại. Từ đây, cái tên chỉ xuất xứ sản phẩm “Made in Vietnam” được người tiêu dùng nâng lên thành thương hiệu.
Cơn sốt hàng Việt nở rộ không chỉ ở mặt hàng quần áo, mà từ đồ ăn cho đến những sản phẩm như tăm, đũa, chén cũng gắn mác “Made in Vietnam”. Và từ đó, người tiêu dùng có thói quen xem nhãn mác, xuất xứ sản phẩm khi mua hàng.
Từ ngày đổi tên cửa hàng quần áo T.A thành “Made in Vietnam”, lượng khách tới cửa hàng chị Nguyễn Thị Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) đông hơn hẳn. Chị cho biết, do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng nội địa nên tên “Made in Vietnam” để chỉ dẫn về xuất xứ sản phẩm được thu hút hơn hẳn. Trung bình mỗi ngày chị Thùy bán được hơn 10 sản phẩm, gấp đôi thời điểm trước.
Theo chị Thùy, cụm từ “Made in Vietnam” cũng như “Made in US, Made in China, Made in Japan hay Made in Thailand”, đơn giản chỉ là chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên, do chính người tiêu dùng ưu tiên ưa chuộng và đề cao nên cụm từ này bỗng dưng trở thành một thương hiệu lớn, đặc biệt thường được áp dụng đối với những điểm kinh doanh mặt hàng quần áo.
Chị Thùy cho biết, do cung - cầu nên các cửa hàng “Made in Vietnam” mọc nhan nhản trong các trung tâm mua sắm lớn cho đến những con phố nhỏ. Nhà nhà, người người dùng và buôn bán hàng Vietnam.
Ngoài ra, người tiêu dùng còn mơ màng giữa hàng “Made in Vietnam” và hàng VNXK (Việt Nam xuất khẩu). Theo chị Thùy, hàng Việt Nam xuất khẩu là hàng hóa chính hãng được gia công tại Việt Nam, xuất khẩu đi các nước khác như EU, châu Mỹ… và không được phép bán trực tiếp tại Việt Nam. Đúng nguyên tắc, loại hàng này muốn bán tại Việt Nam phải nhập khẩu lại từ nước ngoài. Chính vì thế giá sản phẩm rất cao vì chịu 2 lần thuế xuất khẩu, nhập khẩu, chi phí vận chuyển, VAT…
Còn hàng “Made in Vietnam” chỉ đơn giản là hàng được sản xuất tại Việt Nam, theo chỉ dẫn địa lý. Loại này có nhiều dạng. Phổ biến hơn cả là các loại hàng dựng, hàng lên, ngoài ra còn có hàng fake (đồ kém chất lượng gắn mác hàng Việt). Số ít trong nhóm hàng đeo mác "Made in Vietnam" là hàng xuất dư, tức là hàng Việt Nam xuất khẩu bị lỗi, thừa số lượng, bị tồn lại... tuồn ra ngoài từ nhà máy gia công.
Sự phát triển ào ào theo diện rộng này đã dẫn tới tình trạng loạn giá cả mẫu mã, chất lượng. Nhiều cửa hàng kinh doanh trưng biển hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng thực chất là bán hàng không rõ xuất xứ để kiếm lợi nhuận. Thậm chí, việc sử dụng cụm từ "Made in Vietnam" bị lạm dụng, áp dụng với gần như tất cả các mặt hàng, từ quần áo, giày dép đến đồ gia dụng, đồ thiết yếu..., trong xu thế người tiêu dùng ái ngại với hàng Trung Quốc.
Chị Nga, bán giầy dép da ở Khương Thượng cho biết, sau khi đăng biển giày dép handmade, Made in Vietnam, cửa hàng chị đông khách hơn hẳn. Tuy nhiên, theo chị bật mí, từ nguyên liệu da, chỉ khâu, keo dán và đế cao su, khóa đều được nhập về từ chợ Đồng Xuân hoặc chợ Ninh Hiệp. Phần lớn các phụ kiện nói trên đều nhập từ Trung Quốc. “Nguyên liệu không ở Việt Nam, nhưng giày dép được gia công ở Việt Nam nên là sản phẩm của Việt Nam”, chị nói.
Tâm lý thích dùng hàng Việt khiến cho Made in Vietnam - vốn là một cụm từ chỉ dẫn xuất xứ dần trở thành một thương hiệu lớn ở Việt Nam.
Chị Nguyễn Minh Hằng, bán quần áo trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết, năm gần đây quần áo Xichao, Thái Lan bán chậm do hàng VNXK hút khách. Ngay cả hàng hiệu Trung Quốc hạ giá đến 1 nửa mà vẫn bị tẩy chay, khiến cửa hàng chị khốn đốn.
Chị Phạm Ngọc Thí, một tín đồ dùng hàng Việt chia sẻ, quần áo, giày dép cho đến đồ gia dụng của cả nhà đều dùng hàng trong nước. Chị Thí từng hiểu, sản phẩm “Made in Vietnam” nghĩa là từ nguyên liệu, gia công, chế tác đều là của Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian dài trung thành với hàng “Made in Vietnam”, chị Thí mới vỡ lẽ, có nhiều sản phẩm được gắn mác "Made in Vietnam" nhưng chưa chắc đã là hàng Việt.
Bối rối vì niềm tin từng đặt nhầm chỗ, chị Thí chia sẻ, hàng Việt bị trá hình nhan nhản nên phải đặt mua đồ do chính nhân công Việt Nam gia công, mà lại được bán ở nước ngoài. Những món đồ nói trên có giá bán không hề rẻ, người mua lại mất thời gian chờ đợi.
Kỳ sau: Ma trận hàng VNXK bủa vây người tiêu dùng