2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá!

Thị trường thời trang Việt khá điêu đứng trước tình hình kinh tế khó khăn, hàng giảm giá gần như ngập tràn cả một năm 2013.

Các hình thức khuyến mại và giảm giá sản phẩm vẫn được nhiều nhà kinh doanh thực hiện vào các mùa lễ tết. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh sức mua sắm của người tiêu dùng trong thời gian cao điểm.

Chính các tuần lễ giảm giá đã khiến nhiều khu phố chuyên kinh doanh thời trang, các khu thương mại trở nên đông vui nhộn nhịp hơn. Người mua được thỏa sức “khuôn vác” nhiều sản phẩm với giá cả phải chăng, nhà kinh doanh giải quyết được khối lượng lớn hàng hóa và tránh tình trạng tồn đọng.

Nhưng ở năm 2013, hàng giảm giá không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ tết như mọi năm mà chúng luôn ngập tràn và kéo dài cả một năm. Nếu là một người quan tâm đến sự chuyển động của thị trường tiêu dùng trong năm 2013, nhiều người dễ dàng nhận thấy tình trạng ì trệ và ế ẩm của các khu trưng bày, cửa hàng, shop thời trang trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Và dù đã ra sức giảm giá đồng loạt nhiều mặt hàng mới nhưng nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vẫn “méo mặt” trước tình trạng hàng hóa không người tiêu thụ. Nguyên chính dẫn đến việc thị trường thời trang “được mùa” giảm giá không đơn giản bởi việc tác động của nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giảm giá đầy rẫy trên thị trường thời trang Sài Gòn trong suốt năm 2013:

2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá! - 1

Hàng giảm giá ngập tràn thị trường thời trang Thành phố Hồ Chí Minh suốt năm 2013

2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá! - 2

Sức mua giảm dẫn đến nhiều chủ kinh doanh phải thực hiện các hoạt động giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng

1. Tình hình kinh tế khó khăn

Chính sự tác động của nền kinh tế đã khiến sức mua của người tiêu dùng thụt giảm đáng kể so với các năm trước. Nhiều chị em phụ nữ vẫn không thể bỏ được thói quen shopping cuối tuần nhưng đơn giản chỉ là đi ngắm nhìn sản phẩm mới, đi dạo chơi và việc mua sắm thường được hạn chế tối đa.

Khi thu nhập bất ổn trước sự ảnh hưởng của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng tính toán chi li hơn trong việc chi tiêu. Khoản chi trả cho việc mua sắm quần áo, giày dép, túi xách mới gần như được triệt tiêu đối với cánh nhân viên văn phòng và những người có mức thu nhập trung bình, trung bình khá và thu nhập ổn định.

2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá! - 3

Các tuần lễ bán hàng giảm giá không chỉ xuất hiện trong dịp lễ tết

2. Giảm giá để tăng sức cạnh tranh

Công việc kinh doanh, buôn bán thời trang ở thời điểm này không còn là lĩnh vực quá mới mẻ. Đầu những năm 2010, hàng loạt cửa hàng thời trang lớn bé đã mọc lên như nấm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ việc lấy hàng có nguồn gốc Quảng Châu, Thái Lan đến việc tự thiết kế, nhái đồ, hàng xách tay từ Mỹ… đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc cho thị trường thời trang khu vực phía Nam.

Cũng nhờ sự phát triển mạnh mẽ này mà Sài Gòn đã có những con phố thời trang đúng nghĩa. Đó là những con đường xuất hiện nhiều cửa hiệu chuyên kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thời trang như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Đình Chiểu…

Trước những “món hời” từ việc buôn bán quần áo thời trang, rất nhiều bạn trẻ đổ xô tiền của đầu tư cho công việc này. Theo cách nghĩ đơn giản thì nhu cầu ăn mặc không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, hơn nữa với nhiều người việc làm này lại không mấy khó khăn.

Từ lý do đó hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu, show room thời trang, trung tâm mua sắm tiếp tục được mọc lên và khi số lượng cung vượt quá cầu đã dẫn đến tình trạng “ứ đọng” hàng hóa. Lúc này, để tăng sức cạnh tranh cũng như thu hồi vốn, xoay vòng vốn nhiều nhà đầu tư đã quyết định thực hiện chiến dịch giảm giá.

2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá! - 4

Hàng loạt cửa hiệu thời trang ra đời  dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu

2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá! - 5

Giảm giá và bán hàng khuyến mại là hình thức cạnh tranh lành mạnh của nhiều thương hiệu, cửa hiệu thời trang trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

3. Buôn bán online lên ngôi

Hình thức kinh doanh mới đã mang đến thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng. Thay vì việc “lê la” các khu phố thời trang tốn kém khá nhiều thời gian và đôi khi mất công, mất việc lại không được tích sự gì, nhiều chị em phụ nữ đã tìm đến với các trang mua bán trực tuyến.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội giúp nhiều bạn trẻ thuận lợi trong việc buôn bán hàng tiêu dùng thông qua facebook, mạng xã hội. Hình thức buôn bán online thu hút giới trẻ vì nó tiện lợi và vô cùng đơn giản với các bước: chỉ cần lướt web, chọn mặt hàng yêu thích, đặt hàng, chuyển tiền vào tài khoản của chủ cửa hàng online và sau đó chờ nhận hàng.

Cách thức mua bán này giúp giới công sở tích kiệm được thời gian đáng kể, hơn nữa chất lượng các mặt hàng cũng được đảm bảo với tiêu chuẩn “tiền nào của ấy”.

Trong thời đại giới trẻ “nghiện nặng” các thiết bị điện tử có kết nối wifi, 3G, internet… việc buôn bán qua mạng trở nên hấp dẫn và thú vị hơn bao giờ hết.

Buôn bán online lên ngôi cũng là lúc hình thức mưa sắm “cổ điển” dần trở nên kém thích nghi với nhịp sống hối hả của người trẻ. Nhiều cửa hàng thời trang, trung tâm mua sắm không còn hấp dẫn như xưa. Từ đó dẫn đến các chiến dịch giảm giá, khuyến mãi luôn được tổ chức để nhằm thu hút khách hàng.

2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá! - 6

Buôn bán qua mạng thực sự mang lại những tiện ích và được đông đảo bạn trẻ yêu thích

2013: Thời trang Việt “được mùa” giảm giá! - 7

Sự lên ngôi của các trang bán hàng online khiến hình thức mua sắm quen thuộc không còn được tín nhiệm

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Nguyên Khuê ([Tên nguồn])
Phố thời trang vào mùa lễ tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN