Yêu cầu gỡ bỏ việc rao bán các thiết bị gây nhiễu sóng và kích sóng di động
Cục Tần số vô tuyến điện sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai gỡ bỏ và xử lý các website của các cửa hàng, công ty khác đang rao bán thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.
Thiết bị phá sóng bán trên chợ mạng
Theo ghi nhận thực tế, mặc dù lực lượng chức năng đã liên tiếp ra thông báo yêu cầu gỡ bỏ các thiết bị gây nhiễu (thiết bị phá sóng) và thiết bị kích sóng điện thoại di động trên các trang website thương mại điện tử nhưng chỉ gần gõ tên sản phẩm là xuất hiện tràn lan.
Mới đây, thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT &KTS), Bộ Công Thương cho biết, Cục nhận được Công văn số 20/CTS-TTra của Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phản ánh về việc một số website/ứng dụng đăng bán thiết bị phá sóng và thiết bị kích sóng điện thoại di động trên các website TMĐT bán hàng, các sàn giao dịch TMĐT không đúng quy định của pháp luật.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến gỡ bỏ sản phẩm vi phạm.
Cụ thể, tại Khoản 1 điều 47 Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 ngày 23/11/2009 quy định: “1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng thiết bị gây nhiễu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phòng ngừa ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Cơ quan, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp đặc biệt cần thiết sử dụng thiết bị gây nhiễu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép”. Tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định: “Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động”.
Nhằm ngăn ngừa việc gây nhiễu có hại tới mạng thông tin di động và thiết bị phá sóng không đúng quy định, Cục TMĐT & KTS đề nghị doanh nghiệp, sàn TMĐT kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng TMĐT như phản ánh. Triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.
Trước đó, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 4, Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý nhiều trường hợp gây nhiễu sóng tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Các trường hợp này đều sử dụng các thiết bị gây nhiễu sóng không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường, không được chứng nhận hợp quy…
Có thể gây mất an toàn cho người sử dụng
Theo các chuyên gia, khi đưa vào sử dụng các thiết bị vô tuyến điện không rõ nguồn gốc, sẽ gây ảnh hưởng can nhiễu đến các hệ thống, mạng thông tin vô tuyến điện đã được cấp phép, đặc biệt là các mạng thông tin di động. Mặt khác, việc tự ý lắp đặt, sử dụng các thiết bị không đảm bảo kỹ thuật, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cũng có thể gây mất an toàn cho chính bản thân người sử dụng.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, năm 2023, tình trạng sử dụng thiết bị lặp thông tin di động (hay gọi là thiết bị kích sóng điện thoại di động) không đúng quy định, gây nhiễu hại cho các mạng thông tin di động làm cho các thuê bao di động không kết nối được cuộc gọi hay rớt cuộc gọi gia tăng.
Trong tháng 12/2023, Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với 19 tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị lặp thông tin di động không có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Sau khi bị xử lý, đối tượng vi phạm đã chấp hành quyết định xử phạt và khắc phục hậu quả tự nguyện tháo dỡ, giao nộp thiết bị kích sóng điện thoại di động.
Theo quy định, chỉ các doanh nghiệp viễn thông được cấp giấy phép băng tần mới được sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động để cải thiện chất lượng vùng phủ sóng cho mạng di động của mình và thiết bị kích sóng điện thoại di động sử dụng phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, do người dân nhận thức chưa đúng, đã tự ý trang bị, sử dụng các thiết bị kích sóng điện thoại di động không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật được bày bán trên các website TMĐT.
Cục Tần số vô tuyến điện đã rà soát, cung cấp thông tin các thiết bị kích sóng điện thoại di động không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy bày bán trên các website TMĐT và phối hợp với Cục TMĐT -KTS gỡ bỏ, xử lý ngăn chặn việc kinh doanh trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Sendo, Shopee (204 địa chỉ đường dẫn website rao bán) và các website TMĐT khác.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện, xử lý 65 vụ can nhiễu mạng thông tin di động mặt đất, trong đó nhiều vụ nhiễu do nguồn gây nhiễu từ các thiết bị kích sóng điện thoại di động và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 27 vụ. Đáng chú ý, Cục Tần số vô tuyến điện đã cung cấp danh sách các thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đang bày bán trên các sàn TMĐT, đồng thời phối hợp với Cục TMĐT& KTS xử lý.
Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo người dân không được tự ý trang bị, lắp đặt và sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động để xảy ra vi phạm. Trường hợp điện thoại di động không liên lạc được do nằm trong vùng sóng yếu, người dân cần thông báo đến số điện thoại hotline của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động tương ứng để được hỗ trợ khắc phục; không tự ý mua các thiết bị không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng về lắp đặt, sử dụng để không vi phạm, gây can nhiễu.
Cục Tần số vô tuyến điện sẽ tiếp tục phối hợp với Cục TMĐT &KTS triển khai gỡ bỏ và xử lý các website của các cửa hàng, công ty khác đang rao bán thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy. Đồng thời, khuyến nghị, để tránh mua và sử dụng những thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây can nhiễu, người tiêu dùng cần kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, giấy chứng nhận hợp quy và chỉ mua sử dụng các thiết bị vô tuyến điện đã có giấy chứng nhận hợp quy, có dấu hợp quy.
Nguồn: [Link nguồn]
Có thể nói gần như không có mấy gia đình Việt chưa từng ăn loại rau này.