Ý: Bùng nổ ngành cầm đồ thời khủng hoảng

Sự phất lên của các cửa hiệu cầm đồ, với doanh thu ước tính hàng năm đạt 7 tỷ USD đã trở thành một bức tranh phản chiếu sự thay đổi theo hướng ngày càng tồi tệ trong cuộc sống của hàng triệu người dân Italia.

Người nghèo và sự bùng nổ của một ngành kinh doanh

Valerio Novelli, 56 tuổi, một nhân viên soát vé xe bus tại Rome, Italia đang tính đến việc bán những chiếc răng vàng cũ kỹ của mình để lấy tiền trang trải cuộc sống trong giai đoạn khốn khó hiện nay. Ông phải trợ cấp cho vợ cũ và con gái trong khi đồng lương kiếm được lại quá ít ỏi.

Tại một đất nước đang ngấm đòn khủng hoảng, mua vàng của những người khốn khó đã trở thành một trong những ngành công nghiệp bùng nổ và hái ra tiền.

Diện mạo của các trung tâm thành phố đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều cửa hàng truyền thống phải ngừng hoạt động và thay vào đó là sự xuất hiện của vô số cửa hiệu thu mua vàng bạc.

Nhóm chuyên gia cố vấn Eurispes ước tính số lượng những cửa hàng thu mua vàng đã tăng gấp 4 lần trong vòng hai năm qua. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp này là một chỉ số rất chính xác thể hiện tình trạng khó khăn của đất nước, Gian Maria Fara, chủ tịch Eurispes cho biết.

"Tình hình kinh doanh diễn ra rất tốt. Và nhìn vào đó bạn có thể thực sự cảm nhận được cuộc khủng hoảng", Alexia Messi 30 tuổi, làm việc tại Oro Change ở Via Medaglie D'Oro phía Bắc thành phố Rome cho biết. Họ mở chi nhánh đầu tiên cách đây 5 năm và hiện đã có 7 cửa hàng tại Rome.

"Mọi người không bao giờ vui vẻ khi phải mang vàng đi bán. Nhưng bây giờ họ đến với bất cứ thứ gì có thể, vàng, bạc cũ, mới có cả. Số lượng khách hàng đến với chúng tôi mỗi ngày đông gấp hai lần so với 1 năm trước".

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng đã khiến cho các cửa hàng kinh doanh truyền thống phải điêu đứng. Tại trung tâm thành phố Rome, ông Massimo Della Rocca, 57 tuổi, chủ cửa hiệu thời trang nam giới EDEL hoạt động 30 năm nay đang phải tính đến phương án đóng cửa.

"Mọi thứ đã bắt đầu tồi tệ từ vài năm qua nhưng bây giờ thì có lẽ không thể chống đỡ được nữa. Doanh thu vào mùa hè năm nay đã giảm 25% so với năm ngoái", ông Della Rocca cho biết.

Ý: Bùng nổ ngành cầm đồ thời khủng hoảng - 1

Tại một đất nước đang ngấm đòn khủng hoảng, mua vàng của những người khốn khó đã trở thành một trong những ngành công nghiệp bùng nổ và hái ra tiền.

Mafia núp bóng

Thế nhưng sự phất lên của các cửa hiệu cầm đồ, với doanh thu ước tính hàng năm đạt 7 tỷ USD đã trở thành một bức tranh phản chiếu sự thay đổi theo hướng ngày càng tồi tệ trong cuộc sống của hàng triệu người dân Italia.

Nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Euro đã lâm vào suy thoái 1 năm nay với triển vọng tăng trưởng vô cùng ảm đạm. Theo thống kê, tại Italia ước tính có khoảng 28.000 cửa hàng thu mua vàng bạc. Quốc hội nước này cũng yêu cầu chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ hơn nữa khu vực kinh doanh này khi nhận thấy dấu hiệu các băng nhóm mafia lợi dụng hình thức này để thực hiện các hành vi phạm tội.

Bà mẹ đơn thân 46 tuổi Valeria Arcidiacono nhờ con mình đến một cửa hiệu cầm đồ tại địa phương để bán đôi khuyên tai bằng vàng và ngọc trai nói: "Tất cả bọn họ đều là những kẻ lừa đảo. Chính phủ không nên cho phép những cửa hiệu như vậy tồn tại và hoạt động".

"Bộ trang sức trị giá 1.000 euro nhưng họ lại chỉ trả 42 euro. Không biên lai hay bất cứ cái gì khác", bà cho biết.

Ranieri Razzante, người đứng đầu tổ chức giám sát hoạt động chống rửa tiền Italia AIRA nói, những người chủ cầm đồ hầu như đã đảm nhiệm vai trò của ngân hàng như một dạng cấp tài chính cho những gia đình Italia khi mà cuộc khủng hoảng đã khiến các tổ chức cho vay trở nên do dự trong các quyết định cấp tín dụng.

Các khoản cho vay của ngân hàng tới các hộ gia đình đã giảm xuống mức 0,6%/ năm vào tháng 6 vừa qua mặc dù lạm phát là hơn 3%.

Theo khảo sát của Eurispes, có khoảng 8,5% người Italia bán đồ ở hiệu cầm đồ vào năm 2011.

Tuy nhiên, cũng đang có một thực trạng đáng lo ngại mà một số băng nhóm tội phạm có tổ chức đã lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi phạm pháp như rửa tiền hoặc lưu thông các sản phẩm trộm cắp…Do vậy, việc kiểm soát chúng trở nên khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Sự thế chân nghiệt ngã

Trong khi các cửa hiệu cầm đồ ở phía Bắc châu Âu mua và bán một loạt các sản phẩm cũ thì tại Italia hoạt động mua vàng lại trở thành tâm điểm.

Vàng được dùng làm quà trong rất nhiều dịp ở Italia. Họ không nghĩ lại có lúc bán chúng đi để lấy tiền. Thế nhưng không thể phủ nhận là nhiều gia đình đang sống sót được là nhờ vào số vàng đó.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho rất nhiều người lâm vào tình trạng túng thiếu thậm chí là khốn khó. Để cầm cự qua những tháng ngày đói kém, nhiều người buộc phải bán đi những món quà trang sức, thậm chí là kỷ vật để lấy tiền.

Trong khi hoạt động kinh doanh cầm đồ đang hái ra tiền thì chưa bao giờ những cửa hàng truyền thống phải đối diện với khó khăn chồng chất như hiện nay. Hàng loạt cửa hàng, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa với tốc độ đáng báo động.

Theo dự đoán, chi tiêu tiêu dùng năm 2012 sẽ giảm mạnh nhất kể từ sau chiến tranh thế giới 2. Các cửa hàng nhỏ tại thành phố Rome bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ đầu năm tới nay đã có đến hơn 1.500 đơn vị bị đóng cửa. Và nếu như tình hình kinh tế không được cải thiện thì đến hết năm nay, sẽ có thêm 5000 cửa hàng khác tại Rome bị sập tiệm.

Ngay cả Lina Rocchi, một cửa hiệu thời trang lớn vào tháng trước đã đóng cửa sau 80 năm hoạt động.

Người Italia thậm chí còn không mặn mà với đợt giảm giá mùa hè kỷ lục vừa qua. Doanh số bán hàng giảm 25% vào tháng 7 so với 1 năm trước đó, theo CNA hiệp hội thủ công cho biết.

Trong khủng hoảng, kinh doanh cầm đồ lại phất lên như diều gặp gió. Thông thường họ sẽ nung chảy số vàng mua được sau đó bán ra nước ngoài. Khu vực này trở thành một trong những nhà xuất khẩu vàng với mức tăng trưởng nhanh nhất tại Italia. Sản lượng vàng chính thức bán sang Thụy Sĩ hồi năm ngoái nhảy vọt lên mức 120 tấn, tăng 65% từ 73 tấn vào năm 2010 và 64 tấn vào năm 2009. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hung Ninh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN