Xuống Hà Nội bán hoa lê, người dân tộc thiểu số thu nhẹ nhàng mỗi ngày 30 triệu đồng
Với những tiểu thương là người dân tộc Thái xuống Hà Nội bán hoa lê, mỗi cành hoa làm hài lòng khách hàng là cuộc sống của gia đình họ có thêm kinh phí để trang trải.
Mua hoa lê tìm sự bình an
Sau Tết Nguyên đán, những cánh hoa đào bung nở là lúc người dân Hà Nội tìm đến chợ hoa để "săn" hoa lê trắng. Đặc biệt, những ngày sát Rằm tháng Giêng, những điểm bán hoa như phố Lạc Long Quân, Yên Phụ, chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ)… càng thêm tấp nập.
Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, những ngày này, dọc phố Lạc Long Quân (Tây Hồ), hàng nghìn cành lê được chính những tiểu thương miền núi vận chuyển từ Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng… để phục vụ người tiêu dùng Hà Nội. Theo đó, mỗi cành hoa lê ở đây được bán với giá từ 100.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng.
Mặc dù dịch COVID-19 phức tạp nhưng hoa lê trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) vẫn thu hút người qua đường.
Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1963, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, mọi năm hoa lê rừng cũng được bán nhiều ở dịp đầu năm nhưng năm nay, hoa lê rừng đẹp hơn cả.
"Hoa lê không chỉ cuốn hút bởi sắc trắng tinh khiết mà còn mang ý nghĩa bình yên trong gia đình. Không những vậy, cũng giống như hoa bưởi, hoa lê khi cắm lên bàn thờ gia tiên thì thể hiện sự hiếu thảo của con cháu tới tổ tiên. Vì thế, năm nào tôi cũng sắm hoa này chơi khi vào mùa".
Với anh Chất và vợ, hoa lê đẹp nhất phải là cành xù xì, có nhiều nụ.
Anh Hoàng Văn Chất (48 tuổi, ở làng Phú Xá, phường Phú Thượng, Bắc Từ Liêm) nhanh tay lựa cho mình một cành lê có nhiều nhụy hoa. Mặc dù giá bán của cành lê nhiều tuổi này hơn 1 triệu đồng nhưng anh Chất rất ưng ý bởi thân cành xù xì.
"Lựa chọn cành cây già, nhiều tuổi và nhiều nhụy hoa thì tôi chơi được ít nhất là 20 ngày. Sau khi hoa rụng hoàn toàn thì cành lê xù xì đặt ở góc nhà vẫn toát lên được vẻ đẹp riêng của miền sơn cước", anh Chất cho hay.
Những tiểu thương người dân tộc Thái thoăn thoắt hỗ trợ khách hàng.
Kiếm bộn tiền nhờ mang hoa lê xuống Thủ đô
Khi những người Hà Nội tỉ mẩn lựa chọn cho mình một cành lê ưng ý nhất thì những tiểu thương bận rộn với công việc tư vấn, giúp khách chọn hàng. Họ là những người phụ nữ dân tộc Thái, đến từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Khuôn mặt chân chất cùng những đôi tay thâm sạm, họ chặt cành, cắt gốc, buộc cây… thuần thục.
Bà Hà Thị Tươi không giấu được nụ cười khi hoa lê rừng được lòng người Hà Nội.
Vừa chỉnh lại chiếc khăn piêu quen thuộc đang vấn trên đầu, bà Hà Thị Tươi (53 tuổi, dân tộc Thái, đến từ xã Tứ Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái) vừa xếp từng cành lê để tư vấn khách. Mỗi khi một cành lê được lựa chọn, nụ cười bà Tươi hiện trên gương mặt, mang theo nhiều nếp nhăn. Bởi mỗi cành lê làm hài lòng khách hàng thì những bữa ăn của gia đình bà Tươi cũng được cải thiện.
Bà Tươi chia sẻ, năm nay, do thời tiết ấm nên hoa lê nở sớm hơn. Mặc dù mới mang xuống Hà Nội nhưng hơn 40 bó hoa lê đều sắp được bán hết.
Bà Hà Thị Hồng vui cười với khoản thu nhập hơn 25 triệu đồng/ngày từ việc bán hoa lê. Với bà Hồng, đây là mức thu nhập không thể có được từ việc đồng áng.
Bà Tươi nhoẻn miệng cười: "Một phần là hoa nhà, một phần tôi đi mua về để mang xuống đây bán. Giá nào cũng có thể mua được hoa, từ 20.000 đồng/cành cũng có nhưng cành bé hơn. Giá hoa phụ thuộc vào kích thước và kiểu dáng. Thế hoa càng đẹp, hoa nhiều nụ, gốc cành vững chắc thì giá càng cao nhưng với giá từ 120.000 – 300.000 đồng/cành là đã có hoa đẹp và ưng ý rồi".
Nhắc đến thu nhập từ việc bán hoa lê, đôi mắt của bà Tươi dường như không dấu được niềm vui.
Bà Tươi khảng khái: "30 triệu một ngày nhưng cũng may là hoa trong vườn nhà nhiều hơn, còn hoa lấy lại từ các gia đình trong xã cũng tương đối nhưng giá rất mềm, cộng thêm việc tự tôi vận chuyển, tự tôi bán nên tiết kiệm được nhiều khâu chi phí".
Cận cảnh sắc trắng tinh khôi của hoa lê rừng.
Cũng là tiểu thương người dân tộc Thái xuống Hà Nội buôn bán hoa lê rừng, bà Hà Thị Hồng cho biết với số lượng hoa như vậy bà Hồng có ý định bán qua ngày Rằm tháng Giêng, nhưng tới nay số lượng hoa đã được bán gần hết.
Bà Hồng chia sẻ: "Trừ tất cả chi phí đi cũng lãi được hơn 25 triệu đồng. Khi quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì khoản tiền này rất lớn. Chúng tôi không thể kiếm được khoản tiền này từ công việc đồng áng ở quê. Vì thế, phần thu nhập này gia đình tôi có thêm chi phí trang trải trong thời điểm dịch COVID-19 khó khăn".
Một số hình ảnh PV Báo Gia đình & Xã hội ghi tại điểm bán hoa lê ở phố Lạc Long Quân:
Theo nhiều người dân, hoa lê cũng giống như hoa bưởi, khi cắm lên bàn thờ gia tiên thì thể hiện sự hiếu thảo của con cháu tới tổ tiên.
Còn với những tiểu thương là người dân tộc Thái, mỗi cành hoa lê làm hài lòng khách hàng là cuộc sống của nhiều "miệng ăn" trong những gia đình ấy có thêm kinh phí để trang trải.
Sắc trắng tinh khôi của hoa lê tạo điểm nhấn trên trục phố Lạc Long Quân.
Nhiều người mua hàng tranh thủ ghi lại hình ảnh bên "rừng" hoa lê giữa phố Hà Nội.
Mỗi cành lê được bán ra, những người phụ nữ Thái lại có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống gia đình.
Sát ngày vía Thần Tài, hàng loạt trang mạng rao bán đủ các loại trang sức dây chuyền, vòng nhẫn, vòng tay…dưới tên gọi...
Nguồn: [Link nguồn]