Xuất siêu: 'Được tiếng không được miếng'

Lần thứ 2, sau 20 năm, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD, bất chấp DN năm nay liên tục đóng cửa, phá sản. Nhưng cú lội ngược dòng hiếm hoi này lại là “công” của FDI. Tronng khi căn bệnh nan y nhập siêu từ Trung Quốc vẫn chưa có thuốc giải.

Hiếm hoi và bất thường

Năm1992, Việt Nam xuất siêu 40 triệu USD. Đây là lúc kinh tế mới bắt đầu “mở cửa”, giao thương quốc tế bắt đầu phát triển mạnh, nhu cầu nhập khẩu mới chớm nở.

Năm 2009, quý 1 Việt Nam cũng có xuất siêu tới 1,4 tỷ USD nhưng là do tái suất vàng- một lĩnh vực không phải là ngành “cơ bản”, không tạo nhiều công ăn việc làm trong nước.

Năm 2012, lần đầu tiên sau 19 năm, Việt Nam lại có xuất siêu và đạt 284 triệu USD. Ngoại trừ quý 2, cả 3 quý còn lại cán cân thương mại đều “dương” về phía xuất khẩu.

Còn nhớ, mục tiêu ban đầu của Bộ Công Thương đề ra là năm nay, Việt Nam nhập siêu tới 1,8 tỷ USD. Chỉ mới tháng trước, Bộ này tuy “hạ” chỉ tiêu trên nhưng vẫn ước là tới 1 tỷ USD nhập siêu.

Thế nên, 284 triệu USD “chung cuộc” cán cân xuất nhập khẩu dù chỉ là con số khiêm tốn thì ít ra cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô năm nay. Đó là thước đo cho một cán cân thương mại lành mạnh, góp phần lớn cho tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá và dự trữ ngoại hối. Điều đó thật quý giá trong bối cảnh đầu ra của DN năm nay cực kỳ khó khăn, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục.

Còn bởi, hàng chục năm nay, xuất siêu vẫn luôn là mục tiêu đau đáu của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chỉ biết đến ý nghĩa tươi đẹp đó khi nhìn từ bên ngoài.

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê dịch vụ, Tổng cục Thống kê đã thẳng thừng nói rằng: “Xuất siêu năm nay là bất thường!”.

Xuất siêu: 'Được tiếng không được miếng' - 1

Hưởng phần giá trị thấp

Trước hết, “thành tích” hiếm hoi này lại đến từ sự bứt phá xuất khẩu của các nhóm hàng gia công, lắp ráp. Đó là nhóm điện thoại và linh kiện xuất khẩu đạt gần 13 tỷ, tăng gần gấp đôi năm trước. Nhóm điện tử máy tính đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,9 tỷ USD, tăng tới hơn 69%..,

Bóc tách các con số cho thấy, Việt Nam tuy xuất được 20,5 tỷ USD cho 2 nhóm hàng trên nhưng đã phải chi mất 13,1 tỷ USD để nhập linh kiện “đầu vào”. Nghĩa là, chúng ta chỉ xuất”thực tế có 7,4 tỷ USD. Và trong con số này, miếng bánh ngoại tệ và giá trị thu về cho Việt Nam sẽ còn ít hơn nữa.

Bà Thủy phân tích, rõ ràng, giá trị kim ngạch nhóm này tăng lớn nhưng xét về thu nhập quốc gia, Việt Nam chỉ được hưởng phần gia công lắp ráp với một số ít việc làm tạo ra cũng chỉ ở khâu này. Vừa có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, vừa phải phụ thuộc lớn lượng nguyên vật liệu nhập từ bên ngoài rõ ràng, hiệu quả xuất khẩu không cao và cũng không bền vững.

Điểm “không mừng” thứ hai là thành tích xuất siêu năm nay hoàn toàn do FDI. Khu vực này đã xuất siêu tới gần 12 tỷ USD và đóng góp tới 17,7 điểm phần trăm trong tốc độ 18,3% tăng tưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong nhóm FDI đó, theo TS Lê Đăng Doanh khẳng định, lại chủ yếu tập trung nhờ 1 “đại gia” là Samsung.

Ông cho biết, năm ngoái Samsung xuất khẩu được 6 tỷ USD, năm nay xuất tới 12 tỷ USD. Sản phẩm chủ yếu là điện thoại Samsung Galaxy và tivi màn hình phẳng. Tuy nhiên, “đại gia” này lại nhập toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc. Giá trị ở Việt Nam thu được chỉ là 10% và nếu trừ chi phí vận tải… thì giá trị gia tăng thực sự ta thu về có hơn 2%.

“Vì lẽ đó, chúng ta không nên ngộ nhận Việt Nam đã tăng trưởng thương mại lành mạnh, xuất siêu là đã rủng rỉnh ngoại tệ”, TS Doanh nói.

Năm nay, kinh tế Việt Nam chứng kiến sự tăng tốc của nhóm hàng nông sản chủ lực là gạo, cà phê, chè, sắn, hạt điều… nhưng chỉ là tăng tốc về lượng, giá giảm mạnh. Nghĩa là, chúng ta đã phải “bán” nhiều nông sản hơn cho nước ngoài nhưng lợi nhuận gặt hái về vẫn thấp.

Xuất siêu: 'Được tiếng không được miếng' - 2

Nhập siêu “khủng” vẫn từ Trung Quốc

Trong xuất siêu, vẫn có nhập siêu! Xuất siêu đối với Việt Nam năm nay chỉ “được tiếng” mà không “được miếng”. Căn bệnh trầm kha của thương mại Việt Nam vẫn chưa có thuốc giải.

Nghịch lý này đã được chỉ rõ qua con số của Tổng Cục Thống kê cho hay, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu tới 11,7 tỷ USD. Trong khi FDI vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao tới 23,5% thì các DN trong nước lại giảm tới 6,7% nhập khẩu.

Nói cách khác, mức tăng trưởng nhẹ của nhập khẩu nói chung chỉ 7,1%, thấp nhất trong 10 năm qua (trừ năm 2009) cũng là chủ yếu nhờ ở FDI.

Không như ý nghĩa mong đợi cho con số giảm nhập khẩu rằng, chúng ta đã chủ động được nguyên vật liệu, nội lực trong nước đã khá hơn, sức cạnh tranh đã cao hơn. Đơn giản, đó là do DN đóng cửa, tiết giảm sản xuất nên nhu cầu nhập hàng ít đi.

Cùng đó, Việt Nam vẫn lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, với mức nhập siêu từ nước này lên tới 16,7 tỷ USD. Đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Ba năm trước, từ năm 2008-2011, mỗi năm con số nhập siêu từ nước láng giềng này đều “chỉ” nhích lên khoảng 1 tỷ USD và năm ngoái, mới chỉ chạm mốc 13,5 tỷ USD.

Năm nay, Việt Nam phải nhập tới gần 29 tỷ USD hàng hóa, nguyên vật liệu từ nước này. Sau nhiều nỗ lực thúc đấy xuẩt khẩu, cải thiện cán cân thương mại với nước này thì đến nay, Việt Nam vẫn chỉ xuất được 12,2 tỷ USD cho “người láng giềng khổng lồ”. Tốc độ tăng xuất khẩu chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng nhập khẩu.

Điều đáng nói là, như TS Lê Đăng Doanh chia sẻ, đóng góp vào “nhập siêu” ở Việt Nam của Samsung cũng lớn không kém, vì đi kèm với tăng kỷ lục về xuất khẩu, họ đã gần như 100% nguyên vật liệu linh kiện từ Trung Quốc. Ông cũng lo ngại, tới đây khi tham gia Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì chúng ta sẽ trở thành nước xuất khẩu hộ cho Trung Quốc.

Vậy là, quan hệ thương mại quốc tế tới hơn 200 nước nhưng cục diện trên đã khiến cho, đầu vào của kinh tế Việt Nam vẫn đang bị hút quá sâu vào nước bạn. Thước đo cho sự phụ thuộc này lên tới hơn 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, ai cũng biết rằng, Trung Quốc không có công nghệ nguồn, chất lượng hàng hóa liên tục gặp sự cố.

“Việt Nam muốn giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thương mại thì đều liên quan chặt chẽ tới việc phải tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu với thị trường này. Bài toán đã đặt ra rồi nhưng còn phải phấn đầu nhiều, với nhiều giải pháp mới xử lý được”, bà Thủy e ngại.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Điều cần phải suy nghĩ lớn nhất bây giờ là tại sao, DN Việt Nam lại giảm sút như vậy. Chúng ta cũng cần phải bàn bạc, phân tích với Samsung và các nhà đầu tư FDI công nghệ cao khác để làm sao, đưa DN Việt Nam vào làm vệ tinh, cung cấp linh kiện cho họ. Ví dụ như chúng ta đã có thể làm được hộp xốp, đóng gói, dập vỏ nhựa, ốc vít… Điều này phải phân tích, kiểm điểm đào sâu trong phát triển thương mại năm 2013. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Huyền (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN