Xuất khẩu thủy sản bứt phá từ đầu năm

Nhiều doanh nghiệp thủy sản lạc quan về kết quả kinh doanh cả năm 2024 khi đơn hàng gần đây tăng mạnh

Ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Trường (TP Hải Phòng) - một trong những doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu lớn nhất miền Bắc, thông tin doanh thu 2 tháng đầu năm nay tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. DN cũng đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 5-2024.

Thị trường hồi phục

Theo ông Phương, cả 2 thị trường chính của DN là châu Á và châu Âu đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, với thị trường châu Âu, khách đẩy mạnh mua hàng để dự trữ do lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan các cuộc xung đột trên thế giới.

"Tình hình xuất khẩu năm ngoái rất tệ, giảm đến gần 40% so với năm 2022. Năm nay, thị trường có dấu hiệu hồi phục tốt nên chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng năm gấp 2 lần năm 2023" - ông Phương cho biết.

Các gian hàng thủy sản tại Hội chợ Triển lãm thủy sản quốc tế (Vietfish) năm 2023

Các gian hàng thủy sản tại Hội chợ Triển lãm thủy sản quốc tế (Vietfish) năm 2023

Ở ngành cá tra, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang), cho hay DN tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD trong năm 2024, tăng 8 triệu USD so với năm 2023. Theo ông Đạo, các nước nhập khẩu đã giải phóng hết hàng tồn kho và kinh tế thế giới đang hồi phục nên khách hàng tăng lượng mua.

"Sau 1 năm giảm sút, tất cả thị trường chính của cá tra như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, ASEAN đều tăng mua cả hàng nguyên liệu lẫn sản phẩm chế biến sâu. Năm nay, ngành cá tra cả nước có thể vượt kim ngạch xuất khẩu 2 tỉ USD" - ông Đạo dự báo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản tháng 1-2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả ngành hàng chính đều ghi nhận xuất khẩu tăng, ví dụ ngành tôm đạt 242 triệu USD - tăng 71%; ngành cá tra xuất khẩu 165 triệu USD - tăng 97%; xuất khẩu cá ngừ đạt 79 triệu USD - tăng 58%... Đây là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm mới 2024.

Về thị trường, đột phá nhất là Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) với mức tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 118 triệu USD. Thị trường Mỹ tăng trưởng 63%, đạt 111 triệu USD. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản, châu Âu... cũng tăng khá mạnh với mức tăng lần lượt 43% và 34%.

Vẫn còn thách thức

Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) - chuyên mặt hàng tôm, đánh giá thị trường nhập khẩu hiện có nhu cầu cao, nhất là Trung Quốc và Trung Đông.

"Nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đang bán hàng trực tiếp cho khách lẻ qua kênh thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng cao nên cần lượng hàng lớn. Họ đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên chấp nhận giá cao hơn" - ông Khoa cho hay.

Tuy nhiên, ông Khoa bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu nguyên liệu khi nhiều nông dân bỏ ao sau thời gian thua lỗ. Dù các địa phương đã có sự hỗ trợ đối với nông dân, nhất là trong chuyển giao công nghệ nuôi tôm, nhưng nhìn chung người nuôi chưa bắt nhịp nhu cầu thị trường. "Đầu ra không lo nữa, chỉ lo khâu nguyên liệu không đủ và không đạt chất lượng" - ông Khoa nói.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu đầu năm có khởi sắc nhưng mức tăng trưởng của tháng 1-2024 tính trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái nên giá trị thực không cao.

Ông Hòe cũng cho rằng ngành sôi động nhất hiện nay là cá tra khi thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu nhập nhiều. Đặc biệt, khách Trung Quốc đặt vấn đề ký hợp đồng dài hạn rất nhiều. Tuy nhiên, các DN nên bình tĩnh xem xét hợp đồng, tránh ký giá thấp để phòng ngừa thua lỗ.

Đại diện VASEP lưu ý các DN chờ diễn biến thị trường sau Hội chợ Thủy hải sản Boston (từ ngày 10 đến 12-3) để nắm được xu hướng, mặt bằng giá. Bên cạnh đó, cần chờ quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với cuộc điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam - dự kiến công bố cuối tháng 3 này - để nắm được cục diện thị trường, làm cơ sở đàm phán hợp đồng.

"Đến hết quý II/2024, ngành tôm mới hồi phục nên khả năng cả năm chỉ tăng trưởng 10% - 15%, khó đạt mức xuất khẩu 4 tỉ USD. Xuất khẩu toàn ngành thủy sản cả năm nay dự kiến khó đạt 10 tỉ USD, chỉ khoảng 9,5 tỉ USD" - VASEP nhận định.

Theo ông Ngô Minh Phương, những năm gần đây, thế giới có nhiều biến động lớn, thị trường thay đổi quá nhanh nên DN rất khó tính toán kế hoạch dài hạn, chủ yếu ứng phó linh hoạt, nương theo thị trường. 

Thị trường nội địa quen với cá tra

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, thị trường nội địa đã bắt đầu quen với sản phẩm cá tra và ghi nhận tăng trưởng tốt. Công ty CP Gò Đàng đặt mục tiêu tăng tỉ lệ doanh số ở thị trường nội địa so với tổng doanh số từ mức gần 70% hiện nay lên thêm 10%.

"Đại gia" ngành cá tra, Công ty CP Vĩnh Hoàn, vừa công bố kết quả sản xuất - kinh doanh trong tháng 1-2024 cho thấy doanh thu thị trường nội địa đã vượt các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, doanh thu tại Mỹ đạt 185 tỉ đồng, châu Âu 154 tỉ đồng, Trung Quốc 117 tỉ đồng..., trong khi thị trường nội địa là 325 tỉ đồng - tăng 137% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn: [Link nguồn]

Trước nhiều thông tin tích cực về thị trường, giá lúa gạo đã quay đầu tăng và dự báo khó giảm trở lại khi thời điểm thu hoạch rộ đang qua

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC ÁNH ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN