Xuất khẩu than để có vốn cho TKV
Xung quanh việc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) xuất khẩu loại than sắp phải nhập, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Thọ - phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - cho biết Bộ Công thương đã thực hiện nhiều giải pháp hạn chế xuất khẩu than. Ông Thọ cho rằng:
- Nếu so với tài nguyên và trữ lượng than còn lại của nước ta tính đến ngày 1-1-2011 khoảng 48 tỉ tấn, xuất khẩu than những năm qua cũng không lớn. Hơn nữa, TKV chỉ xuất khẩu những loại than trong nước không dùng hết hoặc chưa có nhu cầu sử dụng...
* TKV vẫn nói chỉ xuất khẩu than chất lượng tốt nhưng thực tế lại đang xuất khẩu cả loại than trong nước sẽ phải nhập khẩu?
- Chúng tôi nói TKV đang xuất khẩu các loại than chất lượng tốt hoặc than trong nước chưa dùng đến, chưa dùng hết, nghĩa là một số chủng loại than sẽ dùng, có thể phải nhập. Còn hiện tại nhu cầu tiêu thụ than trong nước thấp hơn so với năng lực sản xuất của TKV. Cung cao hơn cầu thì TKV sẽ xuất khẩu lượng than trong nước chưa dùng hết để tránh tồn kho. Tuy nhiên, sau năm 2015 nhiều nhà máy điện sẽ đi vào hoạt động, nhu cầu than tăng lên rất lớn nên sẽ phải nhập.
Ông Nguyễn Khắc Thọ
* Tại sao lúc này TKV không tập trung vào đầu tư hầm mỏ, tạm giảm khai thác hoặc dự trữ than cho thời điểm 2015 đang đến gần?
TKV vẫn được độc quyền Theo nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật khoáng sản, than không thuộc đối tượng đấu giá vì liên quan đến an ninh năng lượng. Tất cả mỏ than có quy mô công nghiệp đều giao cho TKV quản, khai thác. Các điểm mỏ có trữ lượng nhỏ, chất lượng than thấp, phục vụ nhu cầu tại chỗ thì địa phương có thể cấp phép cho các doanh nghiệp ngoài TKV, nhưng phải theo những quy định cụ thể được ghi trong Luật khoáng sản. |
- Việc xuất khẩu than còn liên quan đến bài toán tạo vốn để ngành than đủ điều kiện phát triển theo quy hoạch. Ví dụ, việc bán than cho điện dưới giá thành, năm 2011 TKV phải bù lỗ khoảng 5.000 tỉ đồng. Lợi nhuận từ xuất khẩu than năm 2011 khoảng 6.800 tỉ đồng đã bù được khoản lỗ trên, số còn lại TKV đầu tư mở rộng sản xuất. Muốn đáp ứng tối đa nhu cầu than trong nước từ sau năm 2015, TKV phải có vốn đầu tư từ nay đến năm 2015, trung bình mỗi năm khoảng 42.000 tỉ đồng, vì thế cũng phải tạo điều kiện cho TKV có vốn đầu tư.
* VN đã chuẩn bị nhập khẩu than, khả năng đáp ứng đủ than cho sản xuất trong nước sau năm 2015 đã được đảm bảo chưa?
- Nếu các dự án nhiệt điện than đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VII thì bắt đầu từ năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn, các năm sau tăng dần lên. Để chuẩn bị, hiện Bộ Công thương đã giao TKV làm đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc nhập khẩu than. TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc với một số doanh nghiệp của Indonesia, Nhật Bản, Úc...
* TKV mới ký hợp đồng nguyên tắc, còn thực tế nhập khẩu được không, nhập bao nhiêu... vẫn chưa rõ. Nhập khẩu than sẽ không dễ?
- Nhập khẩu than đúng là không dễ. Môi trường cạnh tranh trong nhập khẩu than ngày càng cao. Từ sau sự cố nhà máy điện nguyên tử ở Nhật Bản, chiến lược phát triển năng lượng của một số nước đã thay đổi, nhu cầu than cho điện trên thế giới có thể lớn hơn. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo TKV phải tích cực hơn để ký các hợp đồng thương mại, thậm chí đầu tư khai mỏ ở nước ngoài, hoặc góp cổ phần vào các công ty mỏ nước ngoài...
* Ta đang đàm phán cả với Nhật Bản - nước không xuất khẩu than. Nghĩa là ta phải mua qua trung gian, giá thành sẽ khó rẻ?
- Trong tương lai việc nhập khẩu than sẽ không dễ nên phải có nhiều hướng. Theo tôi, đàm phán với Nhật để chuẩn bị nguồn than là quan hệ kinh tế - thương mại, và là một trong những giải pháp cần thiết để đảm bảo nguồn than nhập khẩu. Tất nhiên sẽ phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế khi đưa ra các quyết định cụ thể.
* Nhiều chuyên gia cho rằng xuất khẩu than hiện nay cần tính lại theo hướng thắt chặt hơn khi quản trị của TKV còn yếu, thất thoát còn nhiều?
- Việc điều hành xuất khẩu than hiện nay theo tôi là chặt chẽ. Tuy nhiên trong khâu khai thác, chế biến và cả trong vận chuyển vẫn có tổn thất. Hệ số thu hồi than trong khai thác từ trữ lượng địa chất hiện đạt trên 60%. Bộ Công thương đã chỉ đạo TKV lựa chọn công nghệ khai thác, sàng tuyển tiên tiến hơn để nâng tỉ lệ thu hồi than trong khai thác, chế biến, giảm tổn thất.