Xuất khẩu sầu riêng tăng 5 lần, mang về 1,7 tỉ USD cho Việt Nam

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, 10 tháng năm 2023 xuất khẩu rau quả đạt gần 5 tỉ USD trong đó sầu riêng đạt 1,6-1,7 tỉ USD.

Ngày 23-10, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, thống kê sơ bộ của hiệp hội trong tháng 10 cho thấy xuất khẩu rau quả đạt 699,034 triệu USD, tăng 126,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 10 tháng năm 2023 xuất khẩu rau quả đạt gần 5 tỉ USD, tăng 78,4 % so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường hàng đầu trong tiêu thụ rau quả Việt Nam.

Về mặt hàng, sầu riêng tiếp tục vượt thanh long chiếm vị trí số một với giá trị xuất khẩu đạt gần 1,6-1,7 tỉ USD, tăng gần năm lần so với cả năm 2022.

Theo ông Nguyên, dự kiến đến hết năm nay xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ đạt khoảng 2 tỉ USD.

Về nhập khẩu, trong tháng 10 kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 151,4 triệu USD giảm 13,3 % so với tháng trước và giảm 13,4 % so với cùng kỳ.

Tính chung mười tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam 1,6 tỉ USD giảm 4,1 % so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng năm 2023 rau quả xuất siêu 3,3 tỉ USD.

Hợp tác xã được cấp mã cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: T.LỘC

Hợp tác xã được cấp mã cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: T.LỘC

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn nguồn freshplaza.com cho biết Trung Quốc và Malaysia đang đàm phán về việc mở cửa để sầu riêng tươi của Malaysia xuất khẩu vào Trung Quốc.

Cơ quan chức năng hai nước ký một thỏa thuận gồm sáu điểm liên quan đến sầu riêng. Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc đồng ý đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro đối với sầu riêng tươi của Malaysia, hai bên sẽ hợp tác để thúc đẩy công tác kiểm dịch. Malaysia kỳ vọng được phê duyệt vào năm tới

Trước đó, năm 2017 Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu cùi sầu riêng đông lạnh từ Malaysia và năm 2019 là trái cây đông lạnh nguyên quả.

Hiện nay, gần như toàn bộ sầu riêng tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đều được nhập khẩu.

Ông Nguyên cho biết ngay tại thị trường Việt Nam một số sản phẩm sầu riêng của Malaysia như Musaking nhập khẩu giá cả triệu đồng một kg. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc sầu riêng Việt Nam có giá cả tốt hơn so với sầu riêng Thái Lan, Philippines nhờ lợi thế vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp... Vì vậy nếu thời gian tới sầu riêng Malaysia có mặt tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cũng không cần quá lo lắng trong cạnh tranh.

Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ ba cho Hàn Quốc

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, trong chín tháng năm 2023 Hàn Quốc nhập 23,6 ngàn tấn xoài, trị giá 95 triệu USD.

Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ ba cho Hàn Quốc sau Thái Lan và Peru.

Xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 1,7 ngàn tấn, trị giá 7,2 triệu USD tăng 19,6% về lượng, tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lượng nhập khẩu xoài từ Việt Nam chỉ chiếm 7,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của nước này. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu xoài Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới.

Theo nguồn freshplaza.com, trái cây theo mùa ở Hàn Quốc sẽ có sự thay đổi nhiều trong những thập kỷ tới vì nhiệt độ ấm hơn sẽ làm giảm diện tích canh tác đối các loại cây ăn trái phổ biến ở đây. Táo, nho và lê có thể giảm dần tại thị trường Hàn Quốc.

Hàn Quốc ngày càng chuyển hướng tập trung vào trái cây nhiệt đới. Vì vậy, các loại trái cây nhiệt đới như xoài, chanh dây sẽ ngày càng chiếm vị trị quan trọng tại thị trường này.

Ngâm mình hàng giờ bắt ''con hai mảnh'' dưới sông

Nhiều người dân ở Cà Mau mỗi ngày trầm mình dưới nước hơn 6 giờ để lặn mò con hai mảnh (còn gọi là con vòm đen) để kiếm thêm thu nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN