Xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó

Sự kiện: Kinh Doanh

Trung Quốc đã đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu.

Những khuyến cáo về thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc (TQ) trong năm 2019 đã được thông báo từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) thiếu quan tâm, thương lái thu mua cũng thiếu hiểu biết dẫn đến việc xuất khẩu gặp khó. Sự việc ngư dân Quảng Nam tồn đọng gần 1.000 tấn mực khô, không xuất khẩu được vào thị trường TQ vừa qua là minh chứng rõ nét.

Nguồn gốc rõ ràng mới sang được TQ

Ngoài việc TQ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số hàng nông sản nhập khẩu, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết thị trường này cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu.

Đầu tiên là chỉ định cửa khẩu nhập khẩu. Cụ thể, TQ chỉ cho phép nhập một số mặt hàng nông sản, chủ yếu là trái cây qua các cửa khẩu nhất định như cửa khẩu Quảng Tây, cửa khẩu Vân Nam. Ngoài ra, TQ còn thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản, thủy sản nhập từ nước ngoài, trong đó có VN. Nhiều quy định nhập khẩu nông sản vào nước này đã được thay đổi. Đơn cử “với quả chuối, TQ yêu cầu phải có hộp đóng gói đầy đủ. Với quả mít, họ yêu cầu bao gói là giấy xi măng sạch sẽ, đầy đủ tem nhãn về truy xuất nguồn gốc. Với dưa hấu, yêu cầu phải dán mã truy xuất nguồn gốc…” - ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thông tin.

Bên cạnh đó, phía TQ cũng yêu cầu việc đóng gói nông sản phải thuận tiện cho quá trình lấy mẫu, kiểm tra ngay tại cửa khẩu, đóng bao bì đúng với sản phẩm bên trong.

Không chỉ nông sản, thủy sản cũng chịu chung số phận bị TQ kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể, thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai bên (từ VN xuất sang TQ và ngược lại) cần phải đáp ứng hai điều kiện: Một là sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu công nhận (tại VN là do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad công nhận và đưa vào danh sách). Điều kiện thứ hai là từng lô hàng thủy sản khi xuất khẩu phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp (tại VN do Nafiqad cấp, theo mẫu chứng thư an toàn thực phẩm đã được thống nhất giữa hai nước).

Mới đây ngư dân Quảng Nam tồn đọng gần 1.000 tấn mực khô, không xuất khẩu được sang TQ. Ảnh: CTV

Mới đây ngư dân Quảng Nam tồn đọng gần 1.000 tấn mực khô, không xuất khẩu được sang TQ. Ảnh: CTV

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN), hiện VN có 680 DN được phía TQ chấp thuận đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Danh mục thủy sản VN được phép xuất khẩu sang TQ hiện cũng đã lên đến 128 loại.

Đáng chú ý là dù phía TQ đã thông tin khá rõ ràng như vậy nhưng có tình trạng một số địa phương, DN, cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, nhất là các tỉnh có truyền thống xuất khẩu thủy sản tiểu ngạch sang TQ đã quá chủ quan, không quan tâm tới những quy định này. Hậu quả mới đây ngư dân Quảng Nam tồn đọng gần 1.000 tấn mực khô, không xuất khẩu được. Nguyên nhân mực ế ẩm là do phía TQ yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc, trong khi đó ngư dân chưa có sự chuẩn bị để chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

TQ hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch

Ngoài việc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với hàng nông sản, thủy sản nhập từ VN, thời gian qua TQ cũng tăng cường quản lý hoạt động trao đổi cư dân biên giới tại các cặp chợ, đường mòn, lối mở giữa hai nước.

Bà Lê Hoàng Oanh cho biết TQ đang hoàn thiện hệ thống hàng rào sắt và camera quan sát dọc biên giới. Họ sẽ tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ bên trong và bên ngoài hàng rào, sử dụng ô tô tuần tra trên bộ, xuồng máy tuần tra trên sông. “Phía TQ cũng áp dụng chính sách hạn chế hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu từ phía VN qua các cửa khẩu phụ, lối mở... Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản của VN đã không thể xuất khẩu sang TQ” - bà Oanh chia sẻ.

Vậy giải pháp đưa ra là gì? Bà Oanh cho rằng cần xem xét xây dựng quy hoạch sản xuất từng loại nông sản cho thị trường xuất khẩu cụ thể trên cơ sở nghiên cứu kỹ quy mô thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, xu thế thị trường thế giới...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét khả năng thúc đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại giữa VN với các thị trường mới nhằm tạo khung pháp lý ổn định cho hàng nông sản xuất khẩu của VN. Đồng thời, tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa VN với các đối tác xuất khẩu về kiểm nghiệm, kiểm dịch để trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản xuất khẩu của VN.

Nhật, Hàn cũng kiểm soát chặt hơn

Không chỉ TQ, hàng nông sản VN nhập vào Nhật Bản ngoài những quy định khắt khe về dư lượng hóa chất nông nghiệp còn phải có các thông tin về kỹ thuật sản xuất, quá trình sử dụng phân bón và xử lý sâu bệnh… Nhật Bản yêu cầu nông sản nhập vào nước này không được sử dụng phương pháp chiếu xạ, ngoại trừ trường hợp khoai tây nhưng phải dán nhãn ghi rõ chiếu xạ. Nước này cũng đã cấm trái cây tươi có hạt với lý do có nhiều loại sâu hại.

Thị trường Hàn Quốc đã áp dụng quy định kiểm tra bổ sung năm loại dịch bệnh trên tôm, hiện đang áp dụng chế độ kiểm soát chặt đối với mặt hàng cá, bò khô tẩm gia vị của VN bằng việc đánh giá từng DN cụ thể thay vì đánh giá toàn hệ thống quản lý chất lượng (việc này không phù hợp với thông lệ quốc tế - CODEX, EU…). 

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc: Hấp dẫn nhưng vẫn bí thông tin

Việc Trung Quốc siết các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản là nguyên nhân khiến việc xuất khẩu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hiền ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN