Xuất khẩu sang Mỹ thế nào khi Trump hoặc Harris thắng cử
Hàng rào kỹ thuật, thuế quan và tỷ giá có thể thay đổi tùy theo bà Harris hay ông Trump làm tổng thống, nhưng xuất khẩu Việt Nam sẽ vẫn tích cực.
Bà Phạm Thị Bích Phượng, Giám đốc Kinh doanh công ty Thực Phẩm Sao Khuê (SK Foods) - chuyên sản xuất các sản phẩm từ bột gạo như ống hút, bún, nui, mì ống, phở - cho biết xuất khẩu sang Mỹ không chỉ mang lại nguồn thu ổn định mà còn giúp công ty xây dựng quan hệ với đối tác quốc tế, nâng cao uy tín và thương hiệu.
Sản xuất ống hút gạo tại SK Foods. Ảnh công ty cung cấp
Trước ngày Nhà Trắng đổi chủ, bà cho hay SK Foods đã có kịch bản phân tích để chuẩn bị tâm thế ứng phó. Công ty vạch ra 3 điểm thuận lợi và 2 điểm bất lợi khi bà Harris làm tổng thống thứ 47 của Mỹ. Nếu ông Trump thắng, vị trí hai con số này đảo ngược.
"Việc dự đoán các thuận lợi và bất lợi trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp khi hai kịch bản Harris và Trump đắc cử có thể giúp chúng tôi chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi trong chính sách thương mại và kinh tế", bà Phượng nói.
Không ít doanh nghiệp Việt xem Mỹ là thị trường quan trọng hàng đầu như SK Foods. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu sang nước này 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 88 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ 2023. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, thu mua nhiều hàng điện tử, may mặc, giày dép, nội thất và nông sản.
Vì vậy, chính sách điều hành kinh tế của Tổng thống Mỹ có thể tác động đến dòng chảy thương mại, ảnh hưởng đến trụ cột xuất khẩu của Việt Nam.
"Hàng rào" của bà Harris và Trump
Theo bà Phượng, kịch bản nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ giúp SK Foods có 3 thuận lợi: chính sách thương mại duy trì cởi mở, triển vọng về các hiệp định thương mại và hỗ trợ nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ.
Tuy nhiên, thách thức là chi phí tuân thủ sẽ cao hơn về chất lượng bền vững - cũng là tầm nhìn của ông Biden - được đề cao. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh từ nhiều nguồn cung cấp có thế mạnh về hàng hóa xanh tại Mỹ và các nước khác.
Giới chuyên gia cũng nghĩ bà Harris duy trì chính sách thương mại hiện hành. Do đó, hoạt động xuất - nhập khẩu tiếp tục nhịp độ hiện tại. Theo ông Heng Koon How, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), bà Harris đến nay đã phác họa các chính sách thương mại một cách khái quát.
"Bà có khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận 'sân nhỏ, hàng rào cao' của chính quyền Biden, áp dụng mức thuế quan có mục tiêu cho các ngành công nghiệp cụ thể, với cách tiếp cận ít đối đầu hơn so với cách tiếp cận do Trump đề xuất", ông nói.
Trong khi, "hàng rào" có thể nhiều, phức tạp và khó đoán hơn nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói Trump từng là tổng thống nên có thể thấy cách tiếp cận của ông. "Về mặt thương mại, ông rất cứng rắn, như thương chiến với Trung Quốc và việc áp thuế cao lên hàng hóa với đồng minh Mỹ", ông Hải nêu tại một diễn đàn hôm 31/10.
Khi vận động tranh cử, Trump kêu gọi các biện pháp thuế quan leo thang, như tăng thuế hàng Trung Quốc lên 60%, thuế trừng phạt 200% xe nhập khẩu từ Mexico, cùng với thuế quan chung 10% với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ.
Dù vậy, Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng HSBC, cho rằng không nên quá lo lắng. Ông chỉ ra các hành động của Trump trong nhiệm kỳ trước không rộng rãi như đe dọa trong chiến dịch. Ngoài Trung Quốc thì Nhật Bản và châu Âu chỉ bị ảnh hưởng phần nào.
Khả năng Trump vẫn thực dụng nếu làm tổng thống, ít gay gắt hơn so với các tuyên bố tranh cử. "Tôi không nghĩ chính quyền Harris áp thuế diện rộng và ngay cả Trump cũng sẽ chọn lọc, vì lạm phát là vấn đề lớn với Mỹ. Ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế khác sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn", ông nói.
Tuy nhiên, rủi ro nhỏ là nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam, theo ông Frederic Neumann.
Bản thân các doanh nghiệp cũng băn khoăn về vấn đề này. Tại công ty Chế Biến Dừa Lương Quới - thương hiệu Vietcoco, Mỹ là thị trường chiếm trên 60% doanh thu. Phó tổng giám đốc kinh doanh Nguyễn Trường Thịnh nói bất kể ai đắc cử cũng mở ra nhiều cơ hội vì Việt Nam là đối tác kinh tế tiềm năng và luôn được ủng hộ từ Mỹ. "Chúng tôi chỉ lo ngại về vấn đề tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước", ông nói.
Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TP HCM năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Áp lực sức mạnh của USD
Áp lực tỷ giá cũng là mối bận tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu lẫn các nền kinh tế. Hai ứng cử viên tổng thống có quan điểm khác biệt về chính sách tiền tệ nên tác động khác nhau đến lạm phát, yếu tố liên đới đến động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong điều hành lãi suất - tác động đến sức mạnh của USD.
Ông Trump đề xuất tổng thống giám sát nhiều hơn với các quyết định về chính sách tiền tệ, còn bà Harris ủng hộ sự độc lập của Fed. Ngoài ra, các chính sách của Trump, bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu và thắt chặt nhập cư bất hợp pháp, có thể làm tăng lạm phát ở Mỹ. Áp lực lạm phát quay lại buộc Fed có thể thận trọng hơn trong việc giảm lãi suất, khiến USD tiếp tục neo cao hơn các đồng tiền khác.
Theo ông Nguyễn Trường Thịnh, tỷ giá là quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp xuất khẩu. "Nếu ông Trump đắc cử, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ tiếp tục tìm cách duy trì sự cân bằng về tỷ giá VND so với tiền tệ các nước và cân bằng cho các doanh nghiệp xuất khẩu", ông nói.
Kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương HSBC Frederic Neumann - cho rằng ông Trump có thể không mạnh tay về thuế, nhưng có khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ. "Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, kinh tế Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn, vì có thể thích ứng được với mức thay đổi tỷ giá khoảng 10-20%", ông nói.
Ngoài ra, áp lực tỷ giá cũng có mặt lợi là dù xuất khẩu giảm, cầu nội địa tăng. "Sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam có lẽ đủ vững để vượt qua những biến động này", chuyên gia HSBC nhận định.
Để tự chủ động, bà Phạm Thị Bích Phượng đang cân nhắc sử dụng các công cụ phái sinh nhằm bảo vệ khỏi những biến động của tỷ giá, như hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng hoán đổi. "Ngoài ra, chúng tôi luôn xem xét điều chỉnh giá bán sản phẩm phù hợp với biến động tỷ giá, để đảm bảo lợi nhuận và cạnh tranh", bà nói.
Ông Trần Thanh Hải thì cho rằng cần lưu ý dòng chảy thương mại không chỉ phụ thuộc vào chính sách thuế quan, tiền tệ của tổng thống Mỹ mà còn ảnh hưởng bởi đường lối chính trị của họ. Về điểm này, kịch bản ông Trump làm tổng thống lại thuận lợi.
"Về chính trị, ông Trump tương đối ôn hòa. Trong nhiệm kỳ trước, không có xung đột quân sự lớn nào và thậm chí ông còn có động thái hòa hảo với lãnh đạo Triều Tiên. Ông Biden ít thay đổi chính sách thương mại nhưng thời ông, các xung đột đã gia tăng", ông Hải nêu.
Tóm lại, dù có thêm hàng rào thuế quan, phi thuế quan hay căng thẳng tỷ giá, các doanh nghiệp như bà Phượng và giới chuyên gia cho rằng xuất khẩu và kinh tế Việt - Mỹ vẫn sẽ đi lên và thuận lợi. "Sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam bắt nguồn từ các yếu tố căn bản, không chỉ phụ thuộc vào việc có bị áp thuế hay không", ông Frederic Neumann lưu ý.
Ông Nguyễn Trường Thịnh vẫn thấy thị trường Mỹ hấp dẫn với mặt hàng dừa. Theo ông, nhìn tổng thể ngành này sẽ đón nhận nhiều cơ hội lớn và tốc độ phát triển vượt bậc khi các nền kinh tế ngày càng mở cửa và hội nhập toàn cầu. "Sản phẩm từ Việt Nam đủ chất lượng và sức cạnh tranh với các quốc gia sản xuất dừa lân cận", ông nhìn nhận.
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu đắc cử, liệu Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp nối quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về chính sách đối ngoại Mỹ tại Châu Á-Thái...