Xuất khẩu rau quả kì vọng xác lập kỉ lục mới: Vẫn chưa hết lo
Với mức tăng trưởng kỷ lục trong tháng 4.2019, xuất khẩu rau quả được kỳ vọng sẽ xác lập được kỷ lục mới trong năm nay. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều cảnh báo cho ngành hàng này.
“Tươi” lại sau 2 tháng ảm đạm
Sau khi đạt mức thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2019 (bình quân 1 tháng chỉ đạt 292 triệu USD, giảm 9,7%), đến tháng 3.2019 xuất khẩu rau quả đã đạt 364,6 triệu USD, tăng 57,4% so với tháng 2, tính chung 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ giảm 2,1%.
Tháng 4 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu rau quả khi kim ngạch đạt gần 467 triệu USD, tăng 28% so với tháng 3. Do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã cao trở lại trong tháng 3 và tháng 4, nên tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã tăng 7% (tương đương 92 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Mới qua 1/3 năm, nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã bằng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của năm 2018. Nói cách khác, nếu những tháng còn lại tăng với tốc độ như 4 tháng đầu năm thì cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt mốc 4 tỷ USD, đạt kỷ lục mới.
Xuất khẩu rau quả năm 2019 có thể đạt trên 4 tỷ USD. ảnh: internet
Nếu tăng trưởng cao như tháng 3 - 4.2019 thì quy mô cả năm còn được dự báo cao hơn nữa (bình quân kim ngạch xuất khẩu 1 tháng trong 8 tháng cuối năm 2018 chỉ đạt 311 triệu USD, trong khi bình quân 1 tháng trong 2 tháng 3 - 4 đạt 415,7 triệu USD).
Mặt hàng rau quả của Việt Nam trong 4 tháng qua đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới (khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ chủ yếu). Trong đó có 12 thị trường đạt trên 10 triệu USD, tăng 2 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Australia, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Pháp). Riêng thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất, lên đến 1,038 triệu USD. Có 19 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 10 thị trường tăng trên 1 triệu USD, với 4 thị trường tăng trên 5 triệu USD (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ).
Để đạt được kết quả trên có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về sản xuất, nhiều diện tích trước đây được trồng các loại cây có hiệu quả thấp, khó khăn về thị trường... nay chuyển sang trồng rau quả; đã xuất hiện nhiều cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ cao để trồng rau hoa quả; công tác bảo quản, chế biến bước đầu được coi trọng.
Những cảnh báo đáng lưu ý
Bên cạnh những kết quả tích cực, kỳ vọng đạt kỷ lục mới, theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu rau quả cũng có những cảnh báo cần thiết đáng lưu ý.
Nhìn tổng quát, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng nhưng kim ngạch nhập khẩu rau quả còn tăng rất cao, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của xuất khẩu (42,8% so với 7%, cao gấp tới 6 lần). So với cùng kỳ năm trước, nếu mức tăng của kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 92 triệu USD, thì mức tăng của kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng tới 195 triệu USD, lớn gấp đôi.
Trong 16 thị trường nhập khẩu rau quả chủ yếu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019, có 9 thị trường đạt trên 10 triệu USD (Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Chile, Myanmar, Campuchia, Nam Phi, Hàn Quốc). Trong đó, 2 thị trường đầu đạt trên 100 triệu USD. |
Trong 16 thị trường nhập khẩu rau quả chủ yếu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019, chỉ có 6 thị trường giảm (Ấn Độ, Brazil, Campuchia, Lào, NewZealand, Malaysia), còn 11 thị trường tăng, trong đó có 10 thị trường tăng trên 1 triệu USD, đặc biệt, Thái Lan tăng 99,5 triệu USD, Trung Quốc tăng 41,7 triệu USD, Mỹ tăng 25,9 triệu USD, Chile tăng 23,2 triệu USD, Myanmar tăng 18,2 triệu USD, Australia tăng 12,9 triệu USD.
Trong 16 thị trường nhập khẩu trên, có 9 thị trường mà Việt Nam vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu.
Đó là cảnh báo về số lượng, quan trọng hơn là cảnh báo về chất lượng. Về mặt này, có một số điểm đáng lưu ý. Vấn đề quan trọng là vệ sinh an toàn thực phẩm phải bảo đảm theo yêu cầu, bắt đầu từ người sản xuất, người lưu thông. Vấn đề bảo quản cần được quan tâm để giữ được lâu, vận chuyển được xa mà không bị hao hụt.
Cần có thương hiệu riêng cho các mặt hàng rau quả. Ứng dụng kỹ thuật - công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất. Tăng cường chế biến để vừa nâng giá trị, vừa dễ bảo quản. Phát triển thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, nhưng phải quan tâm tới thị trường Trung Quốc vừa rộng lớn, vừa gần..., nhưng phải cải thiện khi Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch.
Tưởng dễ nhưng hóa ra lại khó không ngờ!