Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp hàng loạt thách thức

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Xuất khẩu (XK) nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc chiếm 27% tổng kim ngạch XK nông, thủy sản và chiếm 30% tổng kim ngạch XK hàng hóa các loại của Việt Nam sang thị trường này… Tuy nhiên, công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản tại Trung Quốc gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021 diễn ra ngày 28/4 tại Cần Thơ.

Theo ông Đào Việt Anh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường XK lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong số các thị trường nhập khẩu của Trung Quốc.

Nhóm hàng nông, thủy sản (NTS) của Việt Nam XK chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch XK NTS của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch XK hàng hóa các loại của Việt Nam sang thị trường này.

Tốc độ tăng kim ngạch XK nhóm hàng này sang Trung Quốc giai đoạn 2010-2020 đạt bình quân 14,3%/năm. Một số mặt hàng của Việt Nam chiếm thị phần hàng đầu tại thị trường này như: số 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; thứ 2 về hạt điều; thứ 3 về thủy sản; thứ 4 về chè; thứ 12 về cà phê...

Tuy nhiên, đối với công tác mở cửa, phát triển thị trường tại Trung Quốc, nông sản Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chủng loại sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam phong phú và đa dạng, hay nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam (tổ yến, thịt gà, thịt lợn) có chất lượng tốt. Song, do số lượng các sản phẩm này của Việt Nam được phía Trung Quốc chấp nhận mở cửa thị trường, cho phép được XK chính thức sang Trung Quốc còn rất ít nên chưa thể phát huy được hết lợi thế về nguồn cung để khai thác thị trường đầy tiềm năng này.

Đơn cử, Trung Quốc mới chỉ cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu, trong khi Thái Lan có 22 loại, điều này “vô hình chung” đã làm chúng ta mất “sân chơi” hơn so với nước có nguồn cung tương tự như Thái Lan.

Mặt khác, các sản phẩm NTS của Việt Nam XK sang Trung Quốc hiện nay phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ, ngặt nghèo hơn so với trước đây, cả về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói.

Một số chủng loại sản phẩm NTS của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự đang tiêu thụ tại Trung Quốc và với các sản phẩm nông sản cùng loại do chính Trung Quốc đang mở rộng diện tích trồng trọt để chủ động đa dạng nguồn cung cho thị trường nội địa.

Trong khi đó, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm NTS của nước ta chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Hình thức phân phối các sản phẩm tại Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử để có thể thâm nhập sâu hơn, có độ “phủ sóng” cao hơn trong thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc…

Trung Quốc mới chỉ cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu, trong khi Thái Lan có 22 loại, điều này đã làm chúng ta mất “sân chơi” hơn so với "đối thủ" có nguồn cung tương tự. Ảnh: CK

Trung Quốc mới chỉ cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu, trong khi Thái Lan có 22 loại, điều này đã làm chúng ta mất “sân chơi” hơn so với "đối thủ" có nguồn cung tương tự. Ảnh: CK

Theo đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, phổ biến thông tin về chính sách, quy định nhập khẩu của Trung Quốc cho các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng và DN XK của Việt Nam nhằm chủ động tổ chức sản xuất và có kế hoạch kinh doanh, XK đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.

Khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ các DN trong công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như để bảo vệ quyền lợi, uy tín của sản phẩm Việt Nam tại thị trường này.

DN cần tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì XK theo hình thức “tiểu ngạch” nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán...

‘Điểm nghẽn’ chế biến, logistics

Nói về những ‘điểm nghẽn’ của nông sản Việt, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước có trên 7.500 DN chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) quy mô công nghiệp có gắn với XK và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình; ước mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu…

Tuy nhiên, phương pháp bảo quản còn đơn giản, lạc hậu, tình trạng tổn thất sau thu hoạch còn lớn, dao động từ 10-25% tùy lĩnh vực; sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm đến 70-80%; sản phẩm có tính tiện dụng cao như làm sẵn, ăn liền còn thấp, chủ yếu là bán thành phẩm cho chế biến tiếp theo.

Trong khi đó, chi phí logistics cho XK nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%). Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều nơi như ĐBSCL được coi là vựa lúa, vựa NTS lớn nhất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.

ĐBSCL có hệ thống sông dài 28.000km, trong đó 23.000km có khả năng khai thác vận tải chiếm 70% chiều dài đường sông cả nước. Tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa XK mỗi năm phải chuyển về TP.HCM hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.

Cả nước có 4.000 DN dịch vụ logistics. Trong đó, 88% là các DN trong nước, 10% là DN liên doanh và 2% là DN 100% vốn nước ngoài. DN trong nước thì quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn trong chuỗi dịch vụ logistics quốc tế. Trong khi DN nước ngoài số lượng ít nhưng chiếm giữ thị phần lớn…

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp kêu trời vì ”tắc cửa” ớt tươi xuất khẩu sang Trung Quốc

Cơ quan Hải quan Trung Quốc không nhận chứng thư kiểm dịch ớt của Việt Nam, khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề khi phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kỳ ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN