Xuất khẩu gặp khó

Không chỉ gặp khó ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày... cũng đang lao đao do số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Suy thoái kinh tế, sức mua ở thị trường quốc tế giảm sút là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên sau nhiều năm xuất khẩu tăng trưởng ổn định.

Người chờ việc

Ông Phùng Ngô, giám đốc Công ty may BH (Q.Gò Vấp), cho biết từ đầu năm đến nay đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Không giống như mọi năm đơn hàng được ký cả năm, nay đơn hàng chỉ gói gọn trong từng tháng, làm tới đâu biết tới đó.

Theo ông Ngô, hiện công ty chỉ có đơn hàng đến tháng 8, “còn sau đó chưa biết công nhân sẽ ra sao...” - ông Ngô nói. Từ chỗ có 400-500 công nhân, hiện công ty còn không tới 120 công nhân và số lượng này đang teo tóp dần từ nay đến cuối năm.

Tương tự, gần 3.000 công nhân của Công ty cổ phần công nghiệp Đông Hưng (KCN Tân Đông Hiệp A, Dĩ An, Bình Dương) tạm thời chỉ biết có việc đến hết tháng 9 tới. Ông Nguyễn Văn Lê, phó tổng giám đốc công ty, cho biết sáu tháng đầu năm 2012 công ty chỉ xuất khẩu được 1,5 triệu đôi giày vải, tương ứng 15 triệu USD.

“So với cùng kỳ năm ngoái, lượng đơn đặt hàng công ty chỉ bằng 70%, và mục tiêu xuất khẩu 40 triệu USD của năm 2012 chắc khó đạt” - ông Lê lo lắng. Không phải đến bây giờ đơn hàng mới gặp khó, theo ông Lê, tín hiệu đơn hàng khó khăn đã “phát” đi từ cuối năm 2011. Ông Lê cho biết khách hàng của các thị trường trọng điểm ở châu Âu, Mỹ đều rút bớt lượng đặt hàng vì sức mua của họ cũng kém.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), tính đến thời điểm hiện tại, đơn hàng chung của toàn ngành dệt may giảm trên 10% so với cùng kỳ 2011. Giảm nhiều nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức giảm phổ biến 20-30%. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, mức giảm dao động 5-10%.

Ông Phạm Phú Cường, tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (NBC), xác nhận sáu tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhà Bè chỉ mới đạt 49% so với mục tiêu đặt ra. “Đơn hàng của các thị trường truyền thống giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nên chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng từ những thị trường mới để đắp vào” - ông Cường nói.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết đến hết tháng 6-2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của các thành viên trong tập đoàn đạt 1,26 tỉ USD, chỉ đạt 48% kế hoạch năm.

Xuất khẩu gặp khó - 1

Sản xuất đình đốn buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động

Tìm thị trường ngách

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đã phải xoay xở tìm kiếm khách hàng, thị trường mới. Ông Phạm Phú Cường cho biết với NBC, Nga là thị trường mới khai thác được từ đầu năm 2012 khi khủng hoảng đơn hàng chớm nổ ra. “Chúng tôi đã tự mình đi tiếp thị tại các hội chợ ngành quốc tế, tự tìm đến đối tác để chào hàng trên website của họ” - ông Cường chia sẻ. Với lượng hàng xuất 400.000 sản phẩm/tháng, ông Cường cho biết hiện các thỏa thuận đã được đối tác Nga chốt lại đến hết năm 2012, thậm chí sang cả quý 1-2013 dù các hợp đồng hầu hết chỉ là gia công.

Công ty cổ phần công nghiệp Đông Hưng cũng khai thác được hai thị trường mới là Trung Đông, Nam Phi. Dù các đơn hàng xuất chỉ mang tính chất thăm dò, nhưng theo nhận định của ông Nguyễn Văn Lê, “nếu chịu khó đeo bám chắc chắn sẽ thu được kết quả khả quan trong thời gian tới”.

Chọn một hướng đi khác là nhượng quyền thương hiệu, đồng thời cung ứng sản phẩm cho đối tác nước ngoài bán luôn sản phẩm của mình là cách mà Công ty cổ phần Thời Trang Việt đang làm. Ông Lâm Thanh Dũng, giám đốc kinh doanh, cho biết tính từ cuối năm 2010 đến nay, công ty đã mở được bốn cửa hàng kinh doanh sản phẩm của mình tại Mông Cổ, Ai Cập, Pháp và Úc.

“Các đối tác đến VN xem lần lượt các bộ sưu tập thời trang của chính chúng tôi thiết kế và sản xuất. Khi chọn được mẫu ưng ý, chúng tôi sẽ xuất khẩu sang cho họ những mẫu này bằng thương hiệu Ninomaxx” - ông Dũng nói.

Vừa làm vừa... chơi

Thời điểm này đi vào các khu chế xuất - khu công nghiệp dễ dàng thấy công nhân tan ca từ rất sớm, và điệp khúc “thất nghiệp” thường trực trong câu chuyện của những công nhân. Mới 16g nhưng cảnh công nhân may mặc và da giày đã ùn ùn rời các nhà xưởng.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, công nhân một công ty may ở Khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức), cho biết do công ty thiếu đơn hàng nên chị được về sớm, “thu nhập vì vậy cũng giảm cả triệu đồng/tháng. Tình trạng này đã kéo dài hơn một tháng nay” - chị thở dài nói.

Anh Nguyễn Quốc Toản, công nhân Công ty giày gia Vina DK, cho hay do việc ít quá nên “cảnh vừa làm vừa chơi trở nên phổ biến”. Lúc trước mỗi công đoạn có một người làm, nay không có việc nên công ty cử... ba đến bốn người cùng làm một công đoạn nên nhiều khi chỉ biết đứng ngó nhau!

Theo số liệu của Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), sáu tháng đầu năm 2012 phần lớn doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, không có nhu cầu mở rộng sản xuất và thiếu đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải giảm giờ làm, bố trí lại ca làm việc, thay vì tổ chức ba ca như trước nay giảm xuống hai, thậm chí có nơi chỉ còn một ca vì không đủ việc để làm.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết số lượng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên tới con số 3.000 doanh nghiệp, với trên 15.000 lao động, tổng số nợ hơn 145 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Vũ Nghi - Đình Dân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN