Xuất khẩu gạo VN: Hướng tới thị trường TQ
Nếu biết cách chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc từ những lợi thế “tự nhiên”, gạo Việt Nam có thể tạo áp lực tăng giá xuất khẩu để kéo giá trong nước đi lên.
Trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường gạo thế giới đang dồi dào, việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo đương nhiên là mục tiêu của không ít quốc gia xuất khẩu. Thế nhưng trong cuộc đua đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam lại không biết tận dụng lợi thế “trời cho” của mình nên dường như đang đẩy ngành hàng này vào thế bế tắc.
Trung Quốc đang “đói” gạo
Trong vô số lý giải về việc tại sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tụt dốc từ đầu năm đến nay thì nửa đầu của nhận định: “Trung Quốc nhập khẩu gạo không phải vì thiếu gạo, mà là để kéo giá gạo ở thị trường nội địa nước này xuống…” có lẽ là “dị” nhất.
Nó “dị” ở chỗ, không thiếu mà Trung Quốc vẫn nhập 2,9 triệu tấn gạo năm 2012 và năm nay cũng có thể nhập 3 triệu tấn gạo nữa thì chỉ có thể là để cất trong kho nhằm trấn an con dân rằng “gạo đầy bồ, đừng có mơ tăng giá”! Thế nhưng thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy bình quân giá bán lẻ gạo Japonica ở 50 TP của Trung Quốc năm 2011 đã đạt kỷ lục 0,84 USD/kg và năm 2012 tiếp tục nhích lên 0,87 USD/kg, còn năm tháng đầu năm nay đạt kỷ lục mới 0,91 USD/kg.
Thu mua gạo xuất khẩu tại Cần Thơ. Ảnh: HTD
Nhưng “dị” nhất ở chỗ hoạt động này không phải do chính phủ, mà là do các thương nhân nước này tiến hành. Nghĩa là họ đã “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vì phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ để làm công việc không công và vô ích như vậy cho chính phủ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu gần 2,37 triệu tấn gạo năm 2012 là 1,153 tỉ USD, còn 1 triệu tấn gạo nhập trong bốn tháng đầu năm 2013 có giá 472 triệu USD.
Từ những động thái trên có thể tin rằng nước này chưa đủ giàu để nhập “chơi” khối lượng gạo lớn như vậy, mà thương nhân Trung Quốc cũng không phải “vì nhân dân phục vụ”.
Nhìn sâu hơn vào thị trường lương thực Trung Quốc, hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định nước này có nhu cầu nhập khẩu gạo thực sự chứ không phải chỉ để “làm cảnh”, “dọa thị trường trong nước” như nhận định trên.
Xét trên bình diện tổng thể, tuy trong liên tục chín năm trở lại đây Trung Quốc không hề mất mùa nhưng sản lượng gạo bình quân đầu người hầu như giậm chân tại chỗ, còn so với hai thập niên trước thì liên tục giảm. Điều này có nghĩa là thay vì tiêu dùng nhiều gạo như tập quán, người Trung Quốc đã phải tăng tiêu dùng các loại lương thực khác.
Trong bối cảnh như vậy, là quốc gia có diện tích khổng lồ, gấp khoảng 30 lần nước ta, lúa gạo lại chỉ được tập trung sản xuất tại khoảng một nửa số địa phương nên tình trạng thiếu lúa gạo cục bộ là cực kỳ gay gắt, phải điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu là yếu tố lịch sử bất di bất dịch.
Hơn thế, do người dân Trung Quốc giàu lên rất nhanh trong mấy thập niên qua kéo theo nhu cầu tiêu dùng thịt, cá. Cơ cấu tiêu dùng như vậy đòi hỏi tiêu dùng lương thực làm thức ăn chăn nuôi cũng tăng nhanh khiến nhập khẩu một số loại lương thực nói riêng và nông sản nói chung tăng mạnh.
Trong khi đó, giá gạo thế giới trong hai năm vừa qua đã rẻ hơn rất nhiều so với lúa mì. Thay vì cao giá hơn lúa mì tới 84,7% năm 2009 và 56,5% năm 2010, các tỉ lệ này đã giảm rất mạnh xuống còn 23,5% và 49,2%.
Sự cộng hưởng của các yếu tố trên chính là yếu tố có “sức quyến rũ” đặc biệt khiến thương nhân Trung Quốc tăng vọt nhập khẩu gạo. Khi giá gạo nội địa liên tục được đẩy lên cao, giá gạo nhập khẩu bình quân của Trung Quốc năm 2012 chỉ 487 USD/tấn, bốn tháng đầu năm 2013 còn giảm nhẹ xuống 472 USD/tấn. Rõ ràng những khoảng cách lợi nhuận đó chắc chắn đủ bảo đảm cho thương nhân thu lợi nhuận “khủng”.
Việt Nam “độc quyền tự nhiên”
Vấn đề đặt ra tiếp theo là khi Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, quốc gia nào có lợi thế chiếm lĩnh thị trường này?
Giả định rằng với một giá bán như nhau, chính chúng ta có lợi thế hơn hẳn bất cứ quốc gia xuất khẩu gạo nào khác.
Gạo của Pakistan chỉ có thể vượt qua trùng điệp núi non hiểm trở của tỉnh Tân Cương ở cực Tây bằng đường bộ mới đến được hai tỉnh phía Bắc rất thiếu gạo là Thanh Hải và Cam Túc. Còn nếu họ tiếp tục vận chuyển bằng đường sắt xuống các tỉnh phía Nam hoặc vận chuyển bằng đường biển vòng quanh Ấn Độ Dương, qua eo Malacca để vào biển Đông thì chi phí sẽ tăng vọt.
Thứ hai là Ấn Độ, dù cũng có chung biên giới nhưng đối với thị trường Trung Quốc thì nước này vẫn chỉ là “quan sát viên”, bởi thương mại gạo giữa hai nước chưa được khai thông.
Tiếp theo là Myanmar, cũng có chung biên giới và cũng phải vượt qua trùng điệp núi non bằng đường bộ để đến tỉnh Vân Nam. Trong khi gạo của Việt Nam hoàn toàn có thể vận chuyển bằng đường sắt hoặc chỉ phải vượt qua biển Đông để đến tỉnh Quảng Đông hoặc cập cảng Phòng Thành ngay sát biên giới và chuyển qua đường sắt để tới nhiều tỉnh rất thiếu gạo khác như Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh… Một điều rất quan trọng nữa là “rổ gạo xuất khẩu” của Myanmar hiện chỉ khoảng 600.000-700.000 tấn, mà thị trường Trung Quốc không đủ “sức quyến rũ” để chiếm toàn bộ.
Những điều nói trên có nghĩa là do gần một loạt các địa phương thiếu gạo của Trung Quốc nhất, lại có hệ thống vận tải không thể thuận tiện hơn với chi phí rẻ, cho nên nửa còn lại của nhận định ở trên là “… giá gạo của mình mà cao là họ không mua, phải giảm xuống họ mới mua” cũng “dị” không kém.
Nói tóm lại, nếu không có “bí mật” nào khác thì tất cả thực tế nói trên cho phép khẳng định rằng nếu nâng giá xuất khẩu gạo 5% tấm hiện đang quá “bèo” lên 410 USD/tấn như giá sàn hiện nay, thậm chí có thể nâng lên 430 USD/tấn để nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt lợi nhuận 30% như tính toán của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta vẫn hoàn toàn có thể bán được ít nhất 2,2 triệu tấn gạo sang thị trường này như năm 2012.
Thương nhân Trung Quốc sẽ không thể nhập khẩu được 3 triệu tấn gạo trong năm nay từ bất cứ thị trường nào với giá mềm hơn mà lợi nhuận vẫn “khủng”. Mấu chốt để đạt được điều đó là tài “chèo lái con thuyền xuất khẩu gạo” của VFA và bản lĩnh của các doanh nghiệp Việt Nam.