Xuất khẩu gạo ưu đãi người ngoài?
Trợ cấp trong sản xuất lúa gạo hiện nay không đem lại lợi ích cho nông dân lẫn người tiêu dùng trong nước vì giá xuất khẩu thấp hơn cả giá nội địa.
Nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp vừa công bố báo cáo “Chính sách xuất khẩu gạo hiện nay và tương lai của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”. Trong đó, vấn đề được đặt ra hiện nay là việc trợ cấp cho ngành lúa gạo thực chất là trợ cấp cho xuất khẩu hay cho sản xuất, nông dân trong nước có được nhận những trợ cấp này không?
Giá thành chưa phản ánh đúng chi phí
Theo trưởng nhóm nghiên cứu - TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách - ĐHQG Hà Nội, sản xuất gạo hiện nay được trợ cấp nhiều như về thủy lợi, hạ tầng… nên khi xuất khẩu gạo ra nước ngoài thì vô hình trung đã trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. “Thuế được sử dụng để hỗ trợ cho hệ thống thủy lợi, đường sá. Khoản hỗ trợ này không được đưa vào giá gạo. Nếu gạo được sử dụng trong nước thì phần hỗ trợ này được trả lại cho người đóng thuế nhưng nếu xuất khẩu thì sẽ không thu được các hỗ trợ này” - TS Thành phân tích.
Người tiêu dùng nội địa đang dùng gạo có giá tương đương với giá gạo cao cấp xuất khẩu Ảnh: NGỌC TRINH
Hơn nữa, ông Thành nhận định việc trợ cấp khiến ngành lúa gạo Việt Nam có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đồng thời đang phải xuất khẩu với giá thấp. Chính sách quy định giá sàn thu mua lúa gạo không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn cản trở nông dân trồng những loại lúa chất lượng cao.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng gạo Việt luôn được chào bán với giá rẻ để cạnh tranh với Thái Lan mà không tính hết đến chi phí sản xuất. Trong đó, phần khấu hao về các công trình thủy lợi là rất lớn mà mỗi năm nhà nước phải chi đến hàng trăm triệu USD để đầu tư. Việc xuất khẩu gạo với giá rẻ cũng đang đứng trước nguy cơ bị các nước kiện chống bán phá giá như bài học đắt giá từ tôm, cá tra đã từng xảy ra.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn Trường ĐH Cần Thơ, hiện nay, giá gạo xuất khẩu so với giá nội địa thấp hơn nhiều. Nếu quy ra, người tiêu dùng nội địa đang dùng gạo có giá tương đương với giá gạo cao cấp xuất khẩu. “Nếu không ưu tiên cho thị trường xuất khẩu thì ở nội địa không thể nào tiêu thụ hết số lượng lúa gạo làm ra hằng năm. Đây là bài toán kinh tế nan giải” - ông Đệ nói.
Trái với những quan điểm trên, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lập luận: Nếu cho rằng Việt Nam trợ giá gạo cho người tiêu dùng thế giới chưa hẳn đúng. Bởi thực tế, không phải muốn bán giá gạo cao là được vì tất cả phải theo giá thị trường, thị trường điều tiết theo cung cầu (!).
Thay đổi cách nào?
Theo TS Nguyễn Đức Thành, cần phải thay đổi lại cách trợ cấp và đánh thuế, phí lên hoạt động sản xuất lúa gạo. Trong giai đoạn đầu, có thể tính trợ cấp theo diện tích đất trồng lúa vì nhóm này được coi là làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng giao trợ cấp cho chính quyền địa phương để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội thiết yếu.
Nếu cần có chiến lược điều chỉnh giảm trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài thì vấn đề nên được bắt đầu từ đâu, người nông dân có vai trò, lợi ích, thiệt hại gì trong quá trình này?
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần nhìn nhận đầy đủ hơn về trợ cấp vì WTO vẫn dành 10% cho trợ cấp lúa gạo.
“Vấn đề ở đây là sự trợ cấp trong một chừng mực nào đó là cần thiết. Ví dụ như trợ cấp về thông tin, kết cấu hạ tầng, giống... Và không phải bỏ hẳn mà là dùng trợ cấp vào khâu nào, lĩnh vực nào, làm sao cho hiệu quả hơn. Các nước trong một chừng mực nào đó cũng có trợ cấp” - ông Thành nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - không có nước nào còn trợ cấp ban đầu với ngành lúa gạo như chúng ta, họ chỉ tập trung vào trợ cấp giống, công nghệ.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lâm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, nhìn nhận Việt Nam đã đặt ra mục tiêu an ninh lương thực và cứ “bám” tiêu chí đó mà sản xuất làm sao để cứ năm sau phải cao hơn năm trước về sản lượng mà không quan tâm nhiều đến chất lượng, hạ giá thành chi phí.
Điều đó đã khiến gạo Việt làm ra quá nhiều và phải xuất khẩu thì giá không thể cao. Diện tích nông hộ còn quá nhỏ nên chi phí giá thành tăng lên. Một khi vấn đề hạn điền vẫn còn đặt ra thì không thể nào tiết giảm được giá thành sản xuất mà như thế thì nông dân khó có thể tăng thu nhập.
Để lợi nhuận của nông dân được cao thì phải tìm mọi cách giảm giá thành tối đa bằng mọi biện pháp, trong đó có giảm dùng phân bón, thuốc trừ sâu…
Bất cập 5% thuế GTGT Theo TS Nguyễn Đức Thành, các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ gạo trong nước đang phải chịu mức thuế GTGT là 5% trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu thì không phải nộp. Điều này đã tạo nên sự bất bình đẳng khiến giá gạo trong nước cao hơn. Ông Thành kiến nghị bãi bỏ thuế GTGT với tiêu thụ mặt hàng gạo trong nước để tạo công bằng. Ông Nguyễn Hùng Linh phản bác: Không có chuyện giảm thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh gạo đều không chịu thuế đầu vào lẫn đầu ra khi xuất khẩu cũng như kinh doanh ở thị trường trong nước. Chỉ có bán gạo lẻ cho những đại lý, cửa hàng kinh doanh không có giấy phép thì mới phải bán với giá cao hơn 5% gọi là thuế. Về vấn đề này, ông Lâm Anh Tuấn cho rằng vấn đề bán gạo cho các đại lý nhỏ lẻ, không giấy phép phải chịu 5% thuế là bất cập đã được nói từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. |