Xuất khẩu gạo sang TQ phải thận trọng
Thị trường Trung Quốc (TQ) đã trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của VN từ đầu năm đến nay với số lượng kỷ lục.
Dù khẳng định TQ đã góp phần tiêu thụ gạo của VN nhưng các doanh nghiệp đều thận trọng khi kỳ vọng vào thị trường này.
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Cái Bè, Tiền Giang
Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết không biết thương nhân TQ tiếp tục mua bao nhiêu trong thời gian tới và khi nào thì họ ngưng mua. Do đó, VFA đề nghị các doanh nghiệp vẫn nên thận trọng khi xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là vấn đề thanh toán.
Tăng đột biến
Trước đây khách hàng châu Á mua gạo của Công ty Vinh Phát (TP.HCM) chủ yếu là Philippines, Malaysia, Iraq, còn lại là khách hàng từ châu Phi, châu Âu. Thế nhưng hơn một năm trở lại đây, xuất khẩu gạo của đơn vị này sang TQ đã tăng mạnh. Dù không tiết lộ thị trường TQ đang chiếm bao nhiêu phần trăm tổng lượng gạo xuất của Vinh Phát, nhưng ông Trần Ngọc Trung - tổng giám đốc công ty - cho biết TQ đã trở thành thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu.
Những năm trước đây TQ cũng mua gạo của VN nhưng số lượng rất nhỏ, chỉ vài ba trăm ngàn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, năm nay đơn đặt hàng của nước này đã tăng đột biến, kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong bảy tháng đầu năm nay VN đã xuất khẩu được 4,73 triệu tấn gạo, đạt hơn 2,1 tỉ USD. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc mua 1,34 triệu tấn với giá trị trên 570 triệu USD, bằng 28,3% tổng lượng gạo xuất khẩu của VN. Với số lượng nhập khẩu gạo như trên (chưa kể xuất khẩu tiểu ngạch), TQ vượt qua các nhà nhập khẩu hàng đầu của VN những năm trước đây như Philippines, Indonesia, Malaysia... để trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của VN. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất sang TQ đã tăng gấp 5,2 lần (bảy tháng đầu năm 2011 chỉ khoảng 257.000 tấn).
Lý giải hiện tượng xuất khẩu gạo sang TQ tăng đột biến, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA, cho hay do nước này thật sự có nhu cầu nhập khẩu lương thực vì tác động xấu của thời tiết tại nhiều vùng khác nhau. TQ nhập khẩu nhiều chủng loại gạo của VN từ gạo 5% tấm, gạo thơm đến cả gạo chất lượng thấp, và khách hàng TQ thích gạo đóng vào các container để họ vận chuyển sâu vào nội địa hơn là đóng bao rời 50kg. Cũng theo VFA, việc xuất khẩu gạo sang TQ theo cơ chế thị trường tự do, tức các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo nếu có khách hàng TQ thì được xuất khẩu. Ngoài các khách hàng từ TQ mua trực tiếp, gạo VN còn được các công ty đa quốc gia mua gom rồi mới bán lại sang thị trường này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thị trường của Bộ Thương mại, phân tích việc TQ mua nhiều gạo của VN là do giá lúa gạo trong nước của họ tăng rất mạnh trong năm 2012. Cụ thể là giá mua lúa của nông dân nội địa mà nhà nước TQ quy định đã tăng 7-19% so với năm 2011. “Với mức giá mới này, giá lúa nội địa TQ tăng lên trên 400 USD/tấn, trong khi giá lúa tại VN bán chỉ có 260 USD/tấn nên việc các thương nhân TQ mua gạo từ VN là chuyện dễ hiểu” - ông Bích cho biết.
Các thị trường nhập khẩu gạo VN trong bảy tháng đầu năm 2012 - Nguồn: Tổng cục Hải quan, VFA
Thận trọng
Dù TQ là nhà nhập khẩu lớn nhất nhưng đến nay các doanh nhân cũng như cơ quan quản lý VN vẫn bó tay trước nhu cầu thật sự của TQ. “Họ rất kín tiếng về nhu cầu mua hàng nên các doanh nghiệp trong nước không thể biết để lên kế hoạch kinh doanh” - ông Phạm Văn Bảy cho biết.
Trước đó, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, đã cảnh báo các doanh nghiệp phải cực kỳ thận trọng khi ký hợp đồng với khách hàng TQ, trong đó phải chặt chẽ trong khâu thanh toán. Theo ông Phong, TQ là thị trường tiềm năng nhưng phải lưu ý “các trò hề” của các nhà nhập khẩu. Hồi đầu năm, một số thương nhân TQ đã liên hệ với các nhà xuất khẩu của VN đề nghị trộn gạo 5% tấm vào gạo thơm rồi bán cho họ với giá xuất khẩu gạo thơm để hai bên cùng kiếm lời. Theo VFA, đây là một hành động nguy hiểm nhằm phá hoại thị trường xuất khẩu gạo của VN. Nếu không ngăn chặn kịp thời có thể dẫn đến mất thị trường gạo thơm Hong Kong và Trung Quốc sau rất nhiều công sức các doanh nghiệp mới thâm nhập và phát triển được.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cần cảnh giác về vấn đề thanh toán và khâu giao nhận hàng. “Nếu chưa nhận được tiền, chưa nhận được bộ chứng từ thì hàng hóa phải còn ở VN, tránh trường hợp hàng sang đến TQ nhưng tiền vẫn chưa nhận được” - ông Phong nói. Theo ông Phong, nhiều nhà nhập khẩu dùng các xảo thuật trong thanh toán, móc ngoặc với chủ tàu để chậm nhận hàng... gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu, khi xảy ra tranh chấp thì các doanh nghiệp VN thường thua kiện. “Rủi ro với TQ thì vô phương kiện” - ông Phong nhấn mạnh.