Xuất khẩu gạo sang TQ như "đánh bạc"
Khi bán gạo cho thương lái Trung Quốc (TQ) doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện theo phương thức “tiền trao, cháo múc”.
Không còn cảnh từng đoàn xe chở gạo nối đuôi nhau tại cửa khẩu Lào Cai nhưng hiện nay lượng gạo “chôn chân” tại đây vẫn còn khá lớn.
“Thời điểm này vẫn còn khoảng 3.200 tấn gạo chưa xuất được vì thương lái Trung Quốc (TQ) mua rất chậm, dù mới đây phía TQ đã mở lại một số cửa khẩu phụ” - ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, thông tin.
Trước đó, từ tháng 4-2015, do phía TQ siết lại các lối mở trên tuyến biên giới nên khoảng 30.000 tấn gạo Việt tồn đọng, ùn tắc tại Lào Cai gây ách tắc giao thông và thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN).
Thiệt hại vì gạo bị mốc
Vào thời điểm từ tháng 4, khi TQ đóng cửa biên mậu làm cho xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ ùn ứ, Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) buộc phải lệnh cho các xe chở gạo di chuyển qua cửa khẩu khác. Điều này đẩy chi tăng cao nhưng còn hơn để gạo hư mốc do “nằm” lâu ngày tại cửa khẩu.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Dương Vũ, nói: “Trong thời gian bị tắc hàng tại cửa khẩu, DN thiệt hại vì gạo hư hỏng. Hiện tại TQ đã mở cửa biên mậu song việc bán hàng qua thị trường này vẫn rất chậm”.
Đại diện một DN xuất khẩu khác thì cho hay một số xe chở gạo của công ty vẫn đang bị tắc tại cửa khẩu, thiệt hại là rất lớn bởi gạo bị mốc.
Việc xuất khẩu gạo sang TQ liên tục gặp trục trặc, ách tắc. Trong ảnh: Nông dân miền Tây đang gặp khó khăn vì giá gạo giảm. Ảnh: CTV
Lý giải nguyên nhân vì sao xuất khẩu qua đường tiểu ngạch rủi ro rất lớn chẳng khác nào “đánh bạc” nhưng DN vẫn thích, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), nói thương lái TQ muốn mua gạo qua đường tiểu ngạch. Bởi nhập chính ngạch phải chịu thuế, phí khoảng 70-80 USD/tấn trong khi nhập tiểu ngạch không chịu khoản này.
“Hơn nữa xuất khẩu chính ngạch đang bị chính phủ TQ siết lại bằng việc cấp hạn ngạch xuất khẩu (quota) gạo cho từng DN nhập khẩu. DN TQ phải mất chi phí, thuế, thời gian để được cấp hạn ngạch nên họ chủ yếu mua tiểu ngạch. Điều này khiến lượng gạo nhập khẩu của TQ giảm rõ rệt” - ông Tuấn phân tích.
Ở góc độ khác, một số chuyên gia về gạo cho rằng sở dĩ gạo Việt thường bị tắc nghẽn tại cửa khẩu hoặc bị ép giá do phụ thuộc quá nhiều vào TQ. Thêm nữa việc xuất khẩu gạo sang TQ không phải do người bán quyết định mà do người mua, tức phía TQ quyết định và DN Việt phải theo. Thực tế cho thấy thị trường này đứng đầu trong việc ép giá, hủy hợp đồng và dù bị ép giá nhưng DN Việt vẫn phải chấp nhận bán cho họ.
Khó lường vì lúc đóng lúc mở
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), nói TQ là thị trường nhập khẩu gạo chính ngạch VN lớn nhất trong năm tháng đầu năm với 36% thị phần. Tuy vậy, năm tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm gần 20% về khối lượng và giảm 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay chủ yếu từ các hợp đồng đã ký từ trước, hợp đồng mới rất ít.
Riêng về tiểu ngạch, những năm trước VN xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo sang TQ, song năm nay giảm mạnh do nước này quản lý chặt nhập khẩu gạo, có những tháng đóng cửa biên mậu. “Lượng gạo xuất khẩu qua tiểu ngạch giảm 80%”, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, than thở.
Điều khó hiểu là TQ siết lại nhập khẩu tiểu ngạch lẫn chính ngạch với gạo từ VN, trong khi vẫn mở cửa biên mậu nhập gạo tiểu ngạch từ Myanmar, miễn thuế cho gạo Campuchia và vẫn mua gạo Thái Lan, Ấn Độ qua chính ngạch. Nghịch lý nữa là giá gạo VN hiện đang thấp nhất thế giới, lại lợi thế về biên giới vậy không hiểu tại sao họ không nhập nhiều gạo VN mà vẫn mua số lượng lớn gạo từ các nước trên với giá cao hơn.
Động thái siết rồi mở cửa xuất khẩu tiểu ngạch, xuất khẩu chính ngạch phải cấp quota, nếu DN VN không chú ý trong làm ăn với thương lái TQ sẽ lãnh thiệt hại. “Việc ách tắc tại cửa khẩu làm cho giá gạo Việt bị đè xuống thấp, khi đó họ mở cửa xuất khẩu lại, thương lái TQ có lợi vì mua giá gạo rẻ. Do vậy khi bán gạo cho thương lái TQ, DN xuất khẩu VN cần chú ý đến khâu thanh toán phải… “tiền trao, cháo múc” để tránh gặp rủi ro” - ông Long khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thì lý giải nguyên nhân gạo bị ùn ứ tại cửa khẩu là do phía TQsiết chặt quản lý nhập cảnh để chống tình trạng nhập lậu nên các thương lái không thể mua gạo của VN. Bên cạnh đó, do đa số gạo Việt xuất theo đường tiểu ngạch không hợp đồng và chứng từ nên khi có sự cố, các DN VN phải chịu thiệt. Để tránh bị thiệt hại, DN nên xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Đề nghị mở các cặp chợ biên giới Mới đây, chính quyền tỉnh Lào Cai đã làm việc với các tỉnh biên giới nước bạn về việc đóng cửa biên mậu. Sau đó việc xuất khẩu gạo đã được khai thông phần nào, tạo điều kiện cho DN có thể giải phóng gạo ách tắc, gạo tồn kho. Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cũng đang đề xuất với Bộ Công Thương nhanh chóng làm việc với Bộ Thương mại TQ tiến tới ký kết hiệp định thương mại biên giới. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm tạo điều kiện cho Lào Cai được mở các cặp chợ biên giới, thêm các điểm thông quan, giúp DN có nhiều vị trí trao đổi, giao nhận hàng thuận lợi. Ông ĐỖ TRƯỜNG GIANG, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai Giá gạo giảm thấp hơn giá sàn Các DN xuất khẩu gạo cho hay giá chào bán loại gạo 5% tấm chỉ còn 345-355 USD/tấn, gạo 25% tấm 325-335 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với hồi cuối tháng 6. Đáng chú ý là mức giá chào bán của một số DN đang thấp dưới mức giá sàn là 350 USD/tấn với loại gạo 25% tấm mà Hiệp hội Lương thực VN công bố và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6. Khó khăn từ nhiều thị trường khiến giá gạo trong nước giảm khoảng 200-300 đồng/kg tùy loại so với đầu năm. |