Xuất khẩu gạo sang TQ: Coi chừng sôi động giả
Vài tuần trở lại đây, thông tin xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc (TQ) nóng trở lại, với việc thương lái TQ tràn vào tận ĐBSCL mua gạo. Tuy nhiên, các chuyên gia và cả doanh nghiệp (DN) XK gạo cảnh báo: Đây chỉ là chiêu sôi động giả của các thương nhân TQ…
Sốt giá
Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3 tổ chức chiều 1.4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong quý I năm nay, Việt Nam gặp khó khăn lớn trong việc XK gạo sang TQ - vốn là thị trường chủ lực thời gian qua. "Trong quý I/2015, chính sách điều hành của TQ có sự thay đổi, việc cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo rất chậm khiến cho XK gạo của Việt Nam với TQ giảm mạnh" - Thứ trưởng Tuấn Anh nói.
Nông dân huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) bán gạo cho thương lái.
Điều này trái ngược với thông tin trước đó vài tuần cho rằng thị trường gạo trong nước “nóng” hẳn lên khi thương lái TQ tràn vào tận ĐBSCL mua gạo. Một DN XK gạo tại ĐBSCL cho hay, DN này vừa ký hợp đồng XK gần 30.000 tấn gạo sang TQ với giá bán 7.500-7.600 đồng/kg - cao hơn giá gạo trong nước 100- 200 đồng/kg. Tuy nhiên, chính DN này cũng thừa nhận: “So với năm ngoái thì TQ mua gạo với số lượng như vậy là không lớn và chủ yếu để thăm dò thị trường”.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho biết, các thương nhân TQ xưa nay quá hiểu thị trường gạo Việt Nam. Năm nào thị trường gạo cũng được người TQ tạo ra ít nhất vài ba cơn sốt, song tất cả chỉ là “sốt giả”. Thương nhân TQ thường tràn sang mua gạo vào một vài thời điểm nào đó, rồi trả giá cao khiến mặt bằng giá gạo của ta tăng lên. Sau đó, nếu DN Việt Nam không ký được hợp đồng giá cao với các thị trường khác, buộc sẽ phải quay lại bán gạo với giá rẻ cho đối tác TQ. “Nhu cầu gạo của TQ là có, họ cần gạo Việt Nam, nhưng họ luôn tìm cách mua giá rẻ bằng mọi chiêu trò"- ông Thắng nói.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) cũng xác nhận: Thị trường lớn nhất của XK gạo Việt Nam lâu nay là TQ, song xuất gạo vào TQ, nhất là theo đường tiểu ngạch luôn phập phù và hiện đang giảm mạnh, nên không có chuyện thị trường XK gạo sang đó sôi động. Theo bà Tâm, TQ vừa cấp quota nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo là dạng chính ngạch, nhưng Thái Lan đã ký hợp đồng cấp Chính phủ bán 2 triệu tấn gạo cho nước này, nên năm nay, Việt Nam sẽ rất bất lợi khi bán gạo cho TQ chứ không thể sôi động như những gì thương nhân TQ đang làm.
Tránh phụ thuộc TQ
Thực tế nhiều năm gần đây, cả nông dân lẫn DN của ta đã “mắc đi mắc lại” cái bẫy của thương nhân TQ, ào ạt bán gạo cho TQ mỗi khi có cơn sốt và thấy được chút giá, đến khi giá gạo thế giới tăng thì không còn gạo để XK. Nhiều DN ký hợp đồng XK gạo với các đối tác đã nhiều phen khốn đốn gom gạo để giao hàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cho biết, khâu yếu nhất của XK gạo Việt Nam hiện nay là nhận định, đánh giá thị trường. Chúng ta lo TQ không mua gạo thì hạt gạo Việt Nam sẽ gặp khó khăn song thực tế, TQ là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, các tỉnh biên giới của TQ ít nhiều phụ thuộc nguồn gạo nhập của Việt Nam. DN của ta phải chủ động trong việc mua bán gạo qua biên giới với thương lái TQ vì TQ không thể mua đâu gạo ngon và giá thấp như của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định: Những khó khăn của thị trường XK gạo đã nằm trong dự báo. Để ngăn chặn đà suy giảm của XK gạo trong những quý sau, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các DN tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết.
“DN cần thận trọng, kiểm soát lượng gạo XK, không nên mua được bao nhiêu gạo là bán hết cho thương lái TQ mà cần chuẩn bị tốt kho trữ, chờ đợi những hợp đồng giá cao hơn”- chuyên gia Phạm Tất Thắng nói.
Ông Huỳnh Minh Huệ- Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng nhìn nhận, hiện nay tình hình XK gạo còn khó khăn. TQ sẽ còn kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu theo hình thức qua biên giới và tăng cường nhập khẩu gạo theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar nên có thể XK gạo 2015 sẽ bị ảnh hưởng nhiều. DN cần có những chính sách XK gạo phù hợp, vừa tận dụng thị trường TQ vừa tránh phụ thuộc thị trường này.