Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: VN đang trợ cấp cho nước ngoài

Theo nhóm nghiên cứu Liên minh Nông nghiệp, với chính sách xuất khẩu gạo hiện nay, vô hình trung, Việt Nam đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài qua lúa gạo. Các chuyên gia cũng kiến nghị nên bỏ 5% VAT với gạo tiêu thụ trong nước để tạo điều kiện phát triển thị trường nội địa.

Ông Lương Văn Tài, nông dân trồng lúa ở xã An Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) chia sẻ tại hội thảo về tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo hôm 21/10: Nước ta xuất khẩu gạo lớn, nhưng chất lượng không cao, do quá nhiều loại giống.

Theo ông Tài, nên dẹp bớt các đơn vị làm giống đang làm nhiễu thị trường. “Nông dân cứ thấy loại nào bán được thì trồng thôi, chứ đâu biết chất lượng ra sao. Nông dân ham tiền, nhưng không ham lúa nhiều”- ông Tài nói.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trưởng nhóm nhiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp, ngành lúa gạo Việt Nam đang bị “thao túng” từ các DN xuất khẩu gạo, vì họ là người quyết định giá.

Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: VN đang trợ cấp cho nước ngoài - 1

Nông dân chưa được tham gia vào ấn định giá thu mua lúa tạm trữ. Ảnh: Phương Chăm

Năm 2013, thị phần của Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

TS Thành cho rằng, các DN xuất khẩu vì lợi ích của mình, nên có xu hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu, ít quan tâm chọn lọc giống, chất lượng gạo.

Trong khi đó, quá trình sản xuất lúa gạo, nông dân được hưởng nhiều hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách nhà nước, như thủy lợi phí, thuế đất, hạ tầng…

“Nếu xuất khẩu càng nhiều, một thực tế phũ phàng là chúng ta đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài qua gạo xuất khẩu. Với thị phần lớn khoảng 40% như hiện nay (Trung Quốc chiếm 40% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam - PV), Việt Nam đã nghèo, lại còn trợ cấp cho người tiêu dùng Trung Quốc. Chúng tôi đề xuất nên tính đủ phần trợ cấp vào giá thành gạo xuất khẩu, nhằm phản ánh đúng chi phí sản xuất, đảm bảo quyền lợi của nông dân”- ông Thành nói.

“Cần có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ, thông qua các tổ chức đại diện cho mình”.

GS Võ Tòng Xuân

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều dự báo cho rằng, trong thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới sẽ tăng, giá gạo sẽ giảm. Thị trường gạo phẩm cấp thấp, trung bình của Việt Nam có thể bị cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Myanmar…

Các chuyên gia cũng đề xuất việc bỏ thuế VAT (5%) với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước, nhằm tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp (DN) phân phối gạo trong nước và DN xuất khẩu. Đây cũng là điều kiện, giúp DN tạo dựng thương hiệu gạo tại thị trường nội địa, người tiêu dùng Việt có cơ hội ăn gạo chất lượng cao hơn.

Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo Việt Nam, hiện mức giá sàn thu mua lúa tạm trữ của dân do các bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác định và công bố. Người trồng lúa không có tiếng nói trong các quyết định trên.

“Cần có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ, thông qua các tổ chức đại diện cho mình”- GS Xuân nói.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, trong chuỗi sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay, khâu xay xát-chế biến có thể trở thành trung tâm, có tính bền vững.

Các DN xay xát ngày càng nhiều, họ có nhà xưởng, đất đai, là khu vực thu hút nhiều DN tư nhân. Họ có thể tham gia phân phối trong nước, cung ứng gạo xuất khẩu, đồng thời có thể đầu tư kho chứa, lò sấy, ký hợp đồng với nông dân để có nguồn nguyên liệu ổn định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN