Xuất khẩu gạo bị cạnh tranh khốc liệt

Nhiều thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam có nguy cơ bị thu hẹp thị phần trước sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo, khó khăn của ngành trong năm 2012 sẽ kéo sang năm 2013 và có thể nặng hơn. Nguyên do là các nước xuất khẩu gạo khác sẽ gia tăng sản xuất, bán với giá cạnh tranh hơn, có nước chuyển từ nhập khẩu sang xuất khẩu sau khi tự cung ứng được nhu cầu lương thực nội địa.

Sức ép dồn dập

Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Gạo Vinh Phát (TP.HCM), cho biết không chỉ có gạo cấp thấp, cả loại gạo cấp trung bình, cấp cao cũng phải chịu áp lực cạnh tranh với các đối thủ lớn là Ấn Độ và Pakistan. Chẳng hạn trong tháng 1, Gạo Vinh Phát xuất 5.000-6.000 tấn gạo thơm, gạo đồ và gạo 5% tấm sang Nam Phi nhưng phải hạ giá thấp mới bán được. Dù vậy, mức bán ra vẫn cao hơn so với giá của nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, Pakistan. Cước phí vận chuyển từ cảng nước họ đến châu Phi rẻ hơn 40 USD/tấn so với từ Việt Nam.

“Đầu năm nay chúng tôi mới xuất được vài ngàn tấn gồm gạo 5%, 15% và 25% tấm sang Trung Quốc nhưng giá bán phải không cao mới cạnh tranh lại gạo Pakistan, sắp tới là Myanmar” - ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang, chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cũng cho biết trong tháng 1 mới xuất được 3.000-4.000 tấn gạo cấp cao sang châu Âu. Dự báo năm 2013 kinh tế châu Âu vẫn khó khăn, sức tiêu thụ hàng hóa giảm nhưng kèm theo đó là cái khó từ sự cạnh tranh của hai nhà xuất khẩu mới nổi: Myanmar và Campuchia. “Do nằm trong diện được EU ưu đãi thuế nên tính ra các nhà xuất khẩu Myanmar, Campuchia khỏi phải chịu thêm 175 euro/tấn gạo như Việt Nam” - ông Long giải thích.

Xuất khẩu gạo bị cạnh tranh khốc liệt - 1

Bốc xếp gạo ở chợ Bà Đắc, Tiền Giang

Ngoài ra, DN xuất khẩu gạo còn phải đối mặt với sức “ăn” gạo giảm mạnh từ thị trường truyền thống. Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, cho hay các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung trong năm 2012 theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giảm rõ rệt, năm 2013 có thể còn giảm nữa. Philippines, Indonesia, Malaysia đều tuyên bố tăng sản xuất, đủ đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và thời gian tới sẽ không nhập gạo Việt Nam. Có thể thực tế các nước này đã đủ sức cung ứng nội địa nhưng cũng có thể do gạo Việt Nam bán theo dạng hợp đồng tập trung nên giá cao hơn gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Và tất nhiên họ sẽ muốn mua gạo của ba nước kia hơn.

Tính lại nước cờ

Đa số DN đều cho rằng năm 2013 sẽ chú trọng xuất khẩu gạo cấp cao vì các đối thủ chủ yếu cạnh tranh ở cấp thấp. Bằng chứng là trong năm 2012, sản lượng gạo cấp cao xuất khẩu tăng mạnh, chiếm hơn 50%, chứng tỏ có nhiều hợp đồng mua loại gạo này, ít cạnh tranh…

Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân lại cho rằng nâng cao chất lượng là giải pháp hàng đầu trong năm 2013 và vẫn cần tập trung vào gạo cấp thấp. Lý do ông đưa ra là: “Trong năm 2012 xuất khẩu gạo cấp cao tăng nhưng giá bán thực tế rất thấp. Ngay gạo 5% tấm vốn cạnh tranh rất tốt với Thái Lan nhưng hiện giá còn thấp hơn giá gạo của Ấn Độ khoảng 20-30 USD/tấn. Vậy giá trị thực sự thu được có cao không? Nếu tập trung xuất khẩu gạo cấp cao thì không thể cạnh tranh được với Thái Lan nổi tiếng có gạo Jasmine, Ấn Độ với thương hiệu độc quyền Basmati. Đấy là chưa nói đến các nước Myanmar, Campuchia tuy “nhỏ nhưng có võ”, toàn xuất khẩu gạo cấp cao. Còn về gạo cấp thấp, chất lượng gạo nước ta cao hơn hẳn Ấn Độ, Pakistan. Giá có thể cao hơn vài chục USD/tấn nhưng khách hàng vẫn chuộng vì gạo các nước khác đa phần là tồn kho, chất lượng kém. Các nước châu Phi, Trung Quốc, Philippines vẫn phải tiếp tục tiêu thụ loại gạo này vì người dân thu nhập thấp, mất mùa, sản xuất trong nước thiếu”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), một chuyên gia về thị trường lúa gạo, chỉ đồng ý với một phần giải pháp của GS Võ Tòng Xuân. Ông lý giải: “GS Xuân nói đúng nhưng giải pháp đó chỉ thích hợp với từng thị trường chứ không thể chung cho tất cả. DN phải tùy từng thời điểm, hoàn cảnh thị trường mà chọn phát huy thế mạnh cạnh tranh về giá, loại gạo hay sản lượng. Ví dụ ở thị trường châu Phi có thể tập trung xuất khẩu gạo cấp thấp, với thị trường châu Âu thì giảm giá bán gạo cấp cao. Trung Quốc có thể phát triển nhiều loại gạo nhưng giá nên để mức cao vì ta lợi thế về vị trí địa lý hơn các nước xuất khẩu khác”.

Trung Quốc đang được VFA xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất trong năm 2013 và những năm tới. Nhưng theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích, với kiểu bán giá quá thấp, thấp hơn giá gạo trong nước họ 100 USD/tấn thì có thể chúng ta đang đi nhầm nước cờ. Bán giá thấp, nhà nhập khẩu Trung Quốc có thể “tung chiêu” kéo dài thời gian nhận hàng, hủy hợp đồng rồi ép giá xuống nữa. Nếu cứ tiếp tục thì lợi nhuận DN thu về chẳng là bao, giá trị xuất khẩu giảm, giá gạo nội địa rớt, nông dân lỗ. Vì thế, DN cần tính toán giá cả hợp lý vì riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, không gạo nước nào có thể cạnh tranh nổi với Việt Nam.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu thấp nhất thế giới

- Sự cạnh tranh quá lớn đang khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Có thể coi như thấp nhất thế giới, thấp hơn cả giá gạo Ấn Độ, Pakistan 30-40 USD/tấn tùy loại để xuất sang châu Phi.

- Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong quý I-2013 chỉ có Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu gạo mạnh. Các thị trường còn lại như Philippines, Malaysia chưa có nhu cầu; châu Phi đến tháng 4 mới nhập, Indonesia thì tháng 8 và 9.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN