Xuất khẩu gạo bắt đầu tăng tốc

Ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết, tình hình xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 8 có nhiều tín hiệu khả quan.

Giá chào bán các loại gạo Việt Nam cũng bắt đầu tăng từ 10 – 30USD/tấn so với hồi tháng 7. Ông Khải cho biết, công ty ông đang chào bán gạo thơm Jasmine 85 sang Đức với giá 715 USD/tấn (giá CIF, giao hàng tại cảng đến), tăng khoảng 10 – 15USD so với hồi đầu tháng 8 và tăng khoảng 20USD/tấn so với tháng 7.

Xuất khẩu gạo bắt đầu tăng tốc - 1

Với tiến độ bán hàng như hiện nay, VN có thể xuất 7 triệu tấn gạo.

Các loại gạo cấp cao, cấp thấp khác của Việt Nam cũng đã tăng nhẹ sau thời gian dài giảm giá liên tục. Ông Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) cho biết, giá chào bán gạo 5% tấm Việt Nam hiện ở mức 425 – 435 USD/tấn, tăng gần 20 USD/tấn so với trước, gạo cấp thấp 25% tấm có giá 397 – 410 USD/tấn, tăng từ 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7.

Giá gạo xuất khẩu tăng kéo theo giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL cũng tăng mạnh. Cụ thể, giá lúa thường mua tại ruộng dao động quanh mức 5.200 – 5.300 đồng/kg, lúa hạt dài 5.700 đồng/kg, tăng từ 150 – 200 đồng/kg tùy loại. Giá gạo nguyên liệu cũng tăng nhẹ, ở mức từ 6.900 – 7.000 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm và 7.300 – 7.400 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm.

Dù vậy, nhiều bà con nông dân cho biết, hiện họ không còn lúa bán ra để có thể hưởng lợi nhờ giá tăng. “Hầu hết nông dân ĐBSCL hiện nay bán lúa tươi tại ruộng để lấy tiền trả nợ vật tư nông nghiệp nên khi giá lúa tăng, họ cũng chỉ ngồi tiếc rẻ” - ông Khải phân tích.

Ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng thông tin, tình hình đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo từ cuối tháng 7 đến nay khá tốt, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Với đà tăng trưởng này, Việt Nam có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm nay (đến 10.8 đã xuất 4,35 triệu tấn).

Còn theo ông Khải, hiện có một lượng lớn gạo Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Campuchia, sau đó các nhà nhập khẩu Thái Lan tiếp tục mua về để giao hàng đối với các hợp đồng xuất khẩu của nước này sang Trung Đông.

“Chính sách trợ giá cho nông dân của Thái Lan khiến giá lúa, gạo trong nước tăng mạnh, nguồn cung cũng hạn hẹp nên các nhà nhập khẩu nước này quay sang nhập gạo Việt Nam để đáp ứng các hợp đồng đã ký trước đó” - ông Khải giải thích. Ngoài ra, cũng theo ông Khải, do chính sách miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản của Campuchia nên nhiều doanh nghiệp Thái Lan sang đây để nhập gạo Việt Nam mà không nhập trực tiếp từ nước ta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuận Hải - Ngọc Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN