Xuất khẩu cá tra tiếp tục tìm cơ hội ở Mỹ
Theo đánh giá của ngành chức năng và các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2019 có thể cán mốc 2,5 tỷ USD nhờ những thị trường chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU... được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi.
Đặt mục tiêu trên 2,4 tỷ USD
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): Năm 2019, dù có các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại ở một số quốc gia nhập khẩu nhưng không có dấu hiệu nào về sự đi xuống của thị trường tiêu thụ cá tra. Triển vọng của ngành là khá vững chắc.
Cụ thể, đại diện Tổng cục Thủy sản phân tích: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị phần cá thịt trắng tại Mỹ do sự thiếu hụt tạm thời cá rô phi ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, nỗ lực của Việt Nam đã được Mỹ khẳng định trong quá trình đánh giá tương đương. Đây là cơ hội rất tốt đề khẳng định uy tín của cá tra Việt Nam, quảng bá hình ảnh cá tra và tiếp tục duy trì xuất khẩu vào Mỹ.
Xuất khẩu cá tra năm 2019 có nhiều yếu tố thuận lợi. Ảnh: T.L
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc vẫn là quốc gia nhập khẩu cá tra lớn nhất nhưng từ tháng 7.2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ có xu hướng tăng và trở thành thị trường định hướng khi kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 549, 45 triệu USD, tăng 59,5% so với năm 2017.
Với Trung Quốc, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất cho phía Trung Quốc. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường ở thế bị động.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định của Trung Quốc về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và vấn đề truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc đang tạo cơ hội để phát triển bền vững thị trường quan trọng này.
Năm 2019, mục tiêu toàn ngành đặt ra là sản lượng nuôi cá tra đạt 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018.
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu cá tra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đánh giá thêm: Thị trường Trung Quốc - Hongkong vẫn mang đến sự kỳ vọng cao do đây là thị trường rộng lớn có nhu cầu cao. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số chính sách giảm thuế và siết chặt kiểm dịch biên mậu để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài ra, đáng chú ý là, tại thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019 sẽ giúp cá tra của Việt Nam tăng tính cạnh tranh với các loài thủy sản đánh bắt tại EU và các loài cá thịt trắng khác như cá rô phi đang không tạo được hình ảnh phù hợp với thị hiếu của khách hàng tại đây.
Kiểm soát chặt chất lượng
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, theo Tổng cục Thủy sản, lệnh tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ thị trường Ả rập Xê Út hạn chế khả năng tiếp cận các thị trường khác ở Trung Đông của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói riêng và của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung.
Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Trong dài hạn tồn tại một số yếu tố lực cản khi Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng sản xuất cá tra. Mặt khác, thị trường xuất khẩu cá rô phi suy giảm làm cho doanh nghiệp Trung Quốc có thể quan tâm đến thị trường nội địa nhiều hơn khiến cạnh tranh với cá tra đến từ Việt Nam. Ngoài ra, sự thành công của cá tra Việt Nam năm 2018 cũng làm cho một số quốc gia khác Indonexia, Ấn Độ, Banglades… đẩy mạnh nuôi loại cá này với mục tiêu xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu cá tra bền vững, Tổng cục Thủy sản nêu rõ sẽ đẩy mạnh kiểm soát chặt điều kiện cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu và chất lượng sản phẩm; kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, bao gồm vật tư đầu vào, dư lượng các chất cấm, hạn chế sử dụng và tăng cường truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng sẽ tăng cường hợp tác với cơ quan kiểm tra chất lượng tại các nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng sản phẩm và xử lý kịp thời các rào cản thương mại, kỹ thuật cho sản phẩm cá tra; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng; chuẩn bị các giải pháp ứng phó với khả năng cạnh tranh từ một số quốc gia sản xuất cá tra.