Xuất khẩu cà phê “qua mặt” gạo

Bước sang quý II, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản bắt đầu phục hồi. Tiêu biểu là cà phê tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu, cao hơn cả gạo...

Xuất khẩu nông sản đang phục hồi

Điểm khác biệt trong xuất khẩu (XK) nông sản 5 tháng đầu năm là, giá trị XK cà phê đã tăng và vượt so với cả gạo. Ước XK cà phê đã đạt tới 860.000 tấn, kim ngạch gần 1,8 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng cả về lượng (7,8%) và giá trị (3%). Giá cà phê XK bình quân từ đầu năm đến nay đạt gần 2.100 USD/tấn. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm tỷ trọng giá trị 13,9%) và Mỹ (12,8%).

Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia tăng trưởng đột biến, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, theo nhận định điểm khác biệt trong XK cà phê năm nay là, trong lúc các doanh nghiệp XK cà phê trong nước bị thua lỗ, thì các doanh nghiệp FDI lại chiếm thị phần lớn về XK.

Gạo tuy giảm giá trị XK, nhưng so với năm 2011, đã mở rộng ra được nhiều thị trường mới. Tính đến cuối tháng 5, Việt Nam đã XK được 3 triệu tấn gạo với giá trị 1,4 tỷ USD. So cùng kỳ năm trước giảm 9,5% về lượng và 14,2% về giá trị. Giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Giá XK bình quân chung 4 tháng đầu năm chỉ đạt 470 USD/tấn, giảm 4,8%.

Thị trường XK gạo năm nay có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh, gấp 4,4 lần về lượng và gần 4 lần về giá trị, trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường Malaysia đã vượt qua Indonesia và trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp XK gạo cũng tích cực tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống; châu Phi là nhóm thị trường có tăng trưởng vượt bậc như Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegal, giúp tiêu thụ gạo phẩm cấp trung bình của Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê “qua mặt” gạo - 1

Năm nay, xuất khẩu gạo tuy giảm giá trị xuất khẩu so với năm 2011 nhưng đã có thêm nhiều thị trường mới

Châu Âu giảm nhập khẩu thủy sản

Nhìn chung, các mặt hàng XK nông sản khác đều giảm về giá trị do giá trên thị trường thế giới giảm. Như cao su, giá XK đã giảm tới 1.365 USD/tấn, chỉ còn 3.000 USD/tấn. Hạt điều XK cũng giảm 5,3% chỉ đạt 5.900 USD/tấn, song Việt Nam vẫn là thị trường XK điều nhân số 1 thế giới, trong 5 tháng, giá trị XK đã đạt gần 500 triệu USD, tăng 21,4% về lượng.

Theo thống kê, đến cuối tháng 5, kim ngạch XK thủy sản đã đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong những tháng đầu năm nay, XK thủy sản sang các nước thuộc khối châu Âu (EU) vẫn gặp nhiều khó khăn không chỉ do tác động của khủng hoảng nợ công, mà còn do những rào cản phi thuế của các thị trường này. Do đó, giá trị XK sang khối thị trường này giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italia giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Dù giá trị XK thủy sản có tăng, song các doanh nghiệp chế biến, XK thủy sản cá tra, basa trong nước hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu để duy trì sản xuất. Theo dự kiến, trong tuần này, Bộ NNPTNT sẽ có cuộc họp bàn để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ và sản xuất cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt hàng lâm sản và gỗ 5 tháng qua, đã đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước 20,5%. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều tăng trưởng mạnh, Hoa Kỳ tăng 31%, Nhật Bản 29,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN