Xử nặng livestream bán hàng giả

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tận dụng trang cá nhân để bán hàng online, livestream (phát trực tiếp) trên các tài khoản cá nhân như Tiktok, Facebook, Zalo… ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng được rao bán là hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng bất an, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm.

Hàng xịn, giá bèo ở chợ mạng

Chỉ cần vào Facebook, người dùng dễ dàng theo dõi các buổi livestream bán hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm… đến thực phẩm chức năng cả trong nước lẫn nước ngoài, từ người nổi tiếng đến chủ shop tham gia chào bán.

Các mặt hàng nghi giả, nhái thường được kinh doanh bằng hình thức online bị lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra, thu giữ

Các mặt hàng nghi giả, nhái thường được kinh doanh bằng hình thức online bị lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra, thu giữ

Tại trang Facebook H.K chuyên hàng Mỹ, người này quảng cáo đủ các loại collagen, vitamin, kẹo dinh dưỡng, nước hoa, sữa tắm… của tất cả các thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ hơn thị trường tới 50%. Khi được chào giá 2 hộp kem dưỡng ngày và đêm của hãng Lancome với giá chỉ tầm 3 triệu đồng/hộp 50gr, chị Hương (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) hí hửng đặt mua vì được giá hời. Tuy nhiên, sau vài ngày hàng được chuyển đến nhà, chị mới tá hỏa bởi hạn sử dụng của sản phẩm chỉ còn chưa đến 2 tháng. Chị Hương thắc mắc thì người bán giải thích: Hạn sử dụng chỉ là hình thức, còn thời hạn chính xác là khi mở nắp sản phẩm mới bắt đầu tính. Nghĩa là, dù bất cứ mỹ phẩm “hàng Mỹ” nào cũng vậy, cứ khui nắp thì được sử dụng trong vòng 3 năm, dù trên nhãn đã quá hạn sử dụng (?!).

Mùa lễ hội Black Friday (Ngày thứ 6 đen tối) vừa qua, nhiều người cũng “ôm quả đắng” khi săn hàng khuyến mãi trên mạng với các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 6 - 7 lần, kèm theo những dòng mô tả như: “Giảm giá sốc”, “Thanh lý xả kho”, “Cơ hội có 1-0-2”, “Sale đậm nhất năm”, “Mua 1 tặng 2”… “Hai chai nước hoa thương hiệu quen thuộc nhưng giá chưa tới 1 triệu đồng hầu như không có mùi hương, đôi giày hiệu mới mang 1 tuần đã hở keo, bong tróc…; quảng cáo một đường, giao hàng một nẻo…; Người bán chặn facebook của tôi rồi, từ nay tôi không bao giờ mua hàng trên mạng nữa…” là những bức xúc, than phiền của cư dân mạng khi săn hàng online.

Riêng trong tháng 10/2023, Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra, phát hiện 166 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiếp đến là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với 154 vụ, và hàng nhập lậu 106 vụ. Hàng giả, hàng lậu được các đối tượng cất giữ tại kho, một phần đưa vào các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... chủ yếu để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Hoạt động chính vẫn là bán trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT), livestream bán hàng trên Tiktok Shop.

Khó xử lý, vì sao?

Ngày 29/11, tại hội thảo về nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong TMĐT diễn ra tại TPHCM, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4 Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cảnh báo, hình thức livestream bán hàng trên các ứng dụng, mạng xã hội, website, sàn TMĐT đang bị triệt để lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước. Sau khi qua biên giới, hàng giả, hàng gian sẽ được tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc tại nhà riêng. Sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường TMĐT để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Ông Linh cho biết, TMĐT phát triển bùng nổ đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hơn nữa, mạng xã hội xuyên biên giới nên các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. “Với thương mại truyền thống, việc xác minh địa điểm mua bán, kho chứa hàng, giao kết hợp đồng dễ dàng hơn. Nhưng với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, người bán, kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ hơn với kinh doanh online” - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công Thương, thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Đơn cử, các đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau để kinh doanh, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị chức năng có liên quan.

Nguồn: [Link nguồn]

Livestream bán hàng nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng

Trong khi đối tượng đang tiến hành livestream bán hàng nghìn sản phẩm thì cơ quan chức năng tiến hành bắt quả tang. Qua kiểm tra, cơ sở này có chứa hàng nghìn sản phẩm giả các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN