'Xù' bán gạo cho dự trữ nhà nước, tranh nhau xuất đi nước ngoài
Có hiện tượng doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ gạo quốc gia nhưng không đến ký hợp đồng, khi cơ quan Hải quan rà soát thì lại xuất hiện trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo.
“Bùng” cung cấp gạo dự trữ, nhưng nhanh tay đăng ký xuất khẩu
Ngày 14/4, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết qua rà soát các doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu từ 0 giờ ngày 12/4 có 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt mốc 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương.
Thông báo hủy kết quả trúng thầu của Cục dự trữ nhà nước khu vực TP.HCM
Doanh nghiệp nhanh chân chiếm 1/4 lượng gạo được xuất khẩu
Việc cấp hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo theo phương án Bộ Công Thương đề xuất đã dẫn đến tình trạng những doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai trước sẽ chiếm hết hạn ngạch của doanh nghiệp đăng ký tờ khai sau.
Cụ thể, tại Quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo ngày 10/4, Bộ Công Thương đưa ra nguyên tắc thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.
Điều này dẫn đến trường hợp 1 doanh nghiệp “nhanh chân” hơn đăng ký lượng gạo xuất khẩu bằng hàng chục doanh nghiệp khác cộng lại.
Thực tế thống kê của Hải quan cho thấy, trong thời gian rất ngắn có DN đăng ký hơn 100 tờ khai với số lượng gần 100.000 tấn. Đó là Công ty CP tập đoàn Intimex đăng ký 102 tờ khai với khối lượng 96.234 tấn, chiếm ¼ lượng gạo được xuất khẩu. Như vậy những doanh nghiệp còn lại sẽ không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai.
“Đây là bất cập, không mang lại hiệu quả quản lý, gây ra sự hỗn loạn trong hoạt động xuất nhập khẩu chỉ trong mấy ngày, gây phản ứng của doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký trước đây nhưng không đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo”, lãnh đạo Cục giám sát quản lý hải quan bình luận.
Trước thực tế hiện nay, theo Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo. Thay bằng phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng, thì có thể đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường Bộ Công Thương đang thực hiện.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt trong bối cảnh dịch bệnh còn nghiêm trọng. Các nhà khoa học và doanh nghiệp lúa gạo cho rằng, về lâu dài cần trả lại việc xuất khẩu gạo về như bình thường khi dịch bệnh qua đi.
Theo chuyên gia nông nghiệp GS Võ Tòng Xuân, hiện nhu cầu gạo trên thị trường quốc tế rất lớn, đặc biệt là từ Philippines. “Nếu nhanh chóng quyết định cho tiếp tục xuất khẩu gạo thì Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội. Nếu dùng dằng quá lâu thì chúng ta sẽ mất cơ hội bởi hiện nay Philippines đang khá nóng lòng. Họ chỉ còn vài tháng là hết gạo”, chuyên gia Võ Tòng Xuân nói.
Còn TS Nguyễn Đức Thành, Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam Việt Nam đề xuất nên áp thuế xuất khẩu với gạo trong giai đoạn này để doanh nghiệp chủ động việc xuất, còn nhà nước có thêm nguồn thu.
Đại diện Tổng cục Hải quan kiến nghị: Việc đấu giá trên nguyên tắc doanh nghiệp tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107, ngoài ra doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và doanh nghiệp phải ký hợp đồng với một siêu thị liên quan đến cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của DN trong 6 tháng trước, để đảm bảo cung ứng ra thị trường khi Chính phủ và các bộ, ngành có yêu cầu. Những đối tượng đó mới được tham gia vào đấu giá hạn ngạch và như vậy doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, khi có hạn ngạch rồi doanh nghiệp sẽ thực hiện ký hợp đồng và thực hiện đăng ký tờ khai xuất khẩu.
Hiện nay, 400.000 tấn gạo xuất khẩu theo hạn ngạch tháng 4-2020 đã được 40 doanh nghiệp đăng ký đủ, trong đó doanh nghiệp...
Nguồn: [Link nguồn]