Xôn xao thông tin 1 chủ vườn lan ở Hà Nội "ôm" 200 tỷ của người mua rồi bỏ trốn

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mới đây, thông tin trên các diễn đàn hoa lan đột biến đang xôn xao về việc một chủ vườn lan ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) "ôm" 200 tỷ đồng của khách đặt mua lan rồi bỏ trốn.

Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin một chủ vườn lan ở huyện Ứng Hòa bỏ trốn. Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội: "Thông tin cho em, bạn bè chơi lan tin xấu về những ai đã đặt lúa non cây tại vườn lan H.T. là chủ vườn đã bỏ trốn. Trong đó, có anh em đầu tư hàng chục tỷ vào vườn lan này".

Có gần 4.000 lượt bày tỏ cảm xúc, gần 10.000 lượt bình luận và chia sẻ của cư dân mạng cho thấy thông tin này đã gây chấn động tới cộng đồng những người chơi hoa lan đột biến.

Theo Dân Việt, khi liên hệ tới 2 số điện thoại của chủ vườn lan bị phản ánh "ôm" 200 tỷ đồng tiền của khách rồi bỏ trốn thì đều không liên lạc được.

Hiện nay, các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nên dễ xuất hiện nguy cơ biến tướng. Ảnh: VnExpress

Hiện nay, các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nên dễ xuất hiện nguy cơ biến tướng. Ảnh: VnExpress

Chủ tịch UBND xã sở tại xác nhận với tờ báo này, trên địa bàn xã có 1 vườn lan có tên, địa chỉ và số điện thoại giống vườn lan bị tố "ôm" 200 tỷ đồng bỏ trốn như trên các diễn đàn lan đột biến phản ánh ngày hôm nay.

Ông này cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin phản ánh trên các diễn đàn xã hội về chủ 1 vườn lan trên địa bàn xã "ôm" 200 tỷ của khách hàng bỏ trốn, công an xã đã kiểm tra nhưng chưa nhận được đơn tố cáo hay phản ánh của người dân về vụ việc này.

Vị chủ tịch xã cũng cho hay, UBND xã sẽ tiếp tục theo dõi sát thông tin phản ảnh trên, nếu có bất kỳ sự việc nào xảy ra thì công an xã sẽ vào cuộc.

Cùng thời điểm này, một vườn lan nổi tiếng ở Vĩnh Phúc cũng đăng đàn khẳng định không có liên quan gì tới vườn lan ở Ứng Hòa.

Gần đây, công an nhiều tỉnh đã liên tiếp lên tiếng cảnh báo người dân về dấu hiệu lừa đảo từ những cuộc mua bán hoa lan này. Công an tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua một số huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh đã diễn ra những giao dịch, mua bán hoa lan "đột biến gen" với giá trị từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết cuộc mua bán, trao đổi đều diễn ra công khai và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Theo công an tỉnh Bình Phước, các đối tượng trong một nhóm thổi phồng giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt điểm, người nào không biết hoặc hám lợi chạy theo mua thì nhóm này rút, không mua lại nữa, hậu quả là người mua cuối cùng đã bỏ ra số tiền lớn để mua nhưng không bán được cho ai. Trường hợp khác, việc giao dịch, mua, bán, trao đổi chỉ là hình thức, diễn ra giữa các đối tượng trong cùng một nhóm, đến khi bán được cho người ngoài nhóm thì các đối tượng này ăn chia, hưởng lợi.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn. Mới đây, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã tiến hành tạm giữ 11 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan Phi Điệp đột biến trên địa bàn. Công an Hòa Bình cũng vừa phá chuyên án bắt 5 đối tượng về hành vi lừa đảo trên.

Có thể thấy, việc mua bán hoa lan giá trị lớn nhưng không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đã tạo nên "bong bóng đầu tư" dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp, có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, gây mất ổn định xã hội.

Trước tình hình trên, lực lượng công an khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua; chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh cây lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, kịp thời cung cấp thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đã có hàng chục nạn nhân bị lừa đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

1 nhánh lan đột biến có thể mua được gần 5.000 cây vàng?

Bỏ xa chân dài bạc tỷ, cổ vật triệu đô, gần đây, 1 nhánh lan var cũng có thể khiến giới nhà giàu thèm thuồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Ly ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN