Xóm chạy thận mùa ''bão'' giá
Thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng giá “ăn theo” giá xăng dầu, từng chút bào mòn dần ví tiền vốn đã eo hẹp của người nghèo. Bữa cơm đạm bạc vắng dần những món ăn tươi, tới dầu ăn, gia vị cũng phải tiết kiệm từng chút. Giữa Thủ đô, bệnh nhân nghèo “lay lắt” trong cơn bão giá.
Xóm trọ nghèo tập trung nhiều bệnh nhân chạy thận (Lê Thanh Nghị, Hà Nội), 11 giờ trưa 2/6, cái nóng oi bức đầu hè như ập vào không gian chật hẹp của căn phòng trọ 4m2 lợp tôn khiến ngay cả người khoẻ cũng xây xẩm mặt mày. Gần tới giờ cơm trưa nhưng nhiều bệnh nhân chạy thận và người nhà đi chăm chưa chuẩn bị thức ăn. Họ nằm bẹp sau ca chạy thận.
Người nghèo chật vật trong cơn “bão” giá khi nhiều hàng hóa tăng theo giá xăng dầu. Ảnh: Việt Linh
“Đêm 1/6, mưa to, nước dềnh khắp nơi, mái tôn cũng chảy tong tong, hứng không kịp. Cái điều hoà cũ không biết có ảnh hưởng gì không, nếu phải sửa cũng mất một khoản”, chị Nguyễn Thị Oanh (bệnh nhân chạy thận, quê Hải Dương) cho biết.
Chị Oanh đã chạy thận 13 năm và cũng từng ấy thời gian ở trọ tại xóm nghèo. Chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng chị Oanh tốn 3-4 triệu đồng (tiền nhà, điện nước, thực phẩm, thuốc). “Gần đây, mọi thứ đắt quá, mớ rau ngót đã lên 10.000 đồng, tăng 2-3 lần so với trước kia. Chai dầu ăn gần 60.000 đồng, tăng quá cao. Bình gas mới đổi là 400.000 đồng, cửa hàng nói giảm cho 20.000 đồng vì biết bệnh nhân khó khăn. Cái gì cũng tăng giá”, chị Oanh than thở.
Tiền nhà, điện, nước, thuốc điều trị không thể cắt giảm hơn nữa, chị Oanh đành giảm tiền ăn để cân đối chi tiêu. Cười trừ khi nói về đĩa cá khô có 4 con nhỏ xíu, chị cho biết, đây là thức ăn mặn trong 2 ngày. Tới gần bữa, chị nấu thêm canh rau ngót. Bó rau 10.000 đồng chia làm 3-4 bữa. Chị nói: “3 giờ chiều, tôi vào chạy thận, 8 giờ tối mới xong, về mệt lả không thiết ăn uống. Hai ngày chạy thận một lần, cứ sau buổi điều trị là không thể ăn nổi, nên coi như tiết kiệm được 1 bữa”.
“Ở xóm này, chúng tôi còn nhìn thấy nhau ngày nào, thì biết ngày ấy. Nếu phòng nào đóng cửa cả buổi, hàng xóm phải sang kiểm tra ngay. Tuần qua, 3 người đã “ra đi”. Trước dịch, xóm có hơn 140 bệnh nhân, chắc giờ còn hơn 110 người. Chạy thận thời gian dài, gia đình kiệt quệ hết rồi, nhà chẳng còn gì để bán. Ở quê, bán cả vụ lúa không đủ tiền sinh hoạt vài tháng trên này”. Chị Nguyễn Thị Oanh (13 năm chạy thận trọ tại xóm nghèo) |
Bà Hứa Thị Dinh (72 tuổi, bệnh nhân chạy thận) có bữa trưa “tươi” hơn chút, với 2 lạng thịt mới mua, giá 24.000 đồng, ăn dè cả ngày. Một số bệnh nhân khác thì có lạc, cà muối trong bữa cơm,… - những thực phẩm rẻ nhất có thể mua được hiện nay. Gần giờ cơm trưa, bệnh nhân trong xóm trọ lọ mọ nấu ăn trong căn phòng chật hẹp, tối om để tiết kiệm điện. Nhiều bệnh nhân tại đây cho biết, tháng cao điểm hè, nhiều nhất chỉ dùng 60 - 70 số điện. Chiếc điều hoà cũ cả năm chỉ dám bật trong ít ngày nắng nóng kỷ lục.
Cuộc sống ngày khó khăn
Chị Thuỷ, người đã chạy thận 7 năm tại đây cho biết, cuộc sống của bệnh nhân ngày càng khó khăn, gia đình kiệt quệ chu cấp cũng không thấm vào đâu so với giá cả đắt đỏ ở thành phố.
“Ngày khoẻ, tôi cố gắng bán chui nước gần bệnh viện, kiếm đồng ra đồng vào. Ở quê, bán cả vụ lúa chả đủ tiền thuốc vài tháng. Người chạy thận đều có thêm bệnh khác, mua thuốc huyết áp nửa tháng 1,8 triệu đồng. Thuốc bỏ là chết, nên đành giảm tiền ăn. Đi chợ, cái gì cũng tăng giá, người bán nói do giá xăng tăng. Cứ đà này, có lẽ xóm này chỉ còn tiền mua mắm”, chị Thuỷ run run nói.
Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, bệnh nhân nghèo hạn chế tối đa mua sắm tại thành phố, sống nhờ thực phẩm, vật dụng từ quê gửi lên. Một bệnh nhân cho hay: “Muối vừng ở quê gửi lên, điều hoà, tủ lạnh cũ là đồ người bà con thải ra lúc thay mới, gửi cho mình dùng đỡ, phải tiết kiệm tối đa vì không chịu được mức giá hàng hóa đã tăng cao”.
Trong cơn bão giá, sống xa gia đình, bệnh nhân xóm trọ này vẫn đang nương tựa nhau để vượt khó.
Nguồn: [Link nguồn]
15h ngày 1/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu.