Xi măng - “Khủng hoảng” vì quy hoạch

Khi nói về nguyên nhân cái chết của ngành xi măng, không ít chuyên gia đã thẳng thắn bày tỏ, căn nguyên sâu xa tạo nên cuộc khủng hoảng thừa của ngành xi măng là do hệ lụy từ quy hoạch.

Quý I/2012, cả nước tiêu thụ được 10 triệu tấn xi măng, bình quân mỗi tháng khoảng 3,3 triệu tấn, trong khi sản xuất 12,7 triệu tấn, lượng tồn kho của các nhà máy lên gần 3 triệu tấn, chiếm khoảng 25%, vượt xa ngưỡng an toàn là 10%.

Tồn kho vượt ngưỡng

Ông Đỗ Đức Oanh - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng VN cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành xi măng hiện nay là lượng tồn kho lớn. Dự kiến năm 2012, toàn ngành chỉ tiêu thụ được khoảng 46 - 47 triệu tấn, cộng với XK được khoảng 7 triệu tấn, nghĩa là vẫn còn dư trên 10 triệu tấn không tiêu thụ được.

Trong khi đó, xi măng là mặt hàng có giá trị thấp trong khi trọng lượng và thể tích lớn dẫn đến chi phí vận tải cao. Bên cạnh đó, do thiếu cảng, phương tiện bốc xếp chuyên dùng cùng với kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm không có, tính chuyên nghiệp thấp cũng khiến cho việc xuất khẩu xi măng không đơn giản. Chính bởi đặc thù như vậy, nên khi sức tiêu thụ trong thị trường nội địa suy giảm, nhiều DN tìm hướng “xuất ngoại” nhưng đầu ra này cũng khó khăn không kém- ông Oanh chia sẻ.

Khi công suất dư, tồn kho tăng cao và tiêu thụ giảm trên thị trường xi măng đã diễn ra một làn sóng cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay, các DN sản xuất xi măng cả lớn lẫn nhỏ đang ồ ạt khuyến mãi để giải phóng lượng hàng tồn. Không chỉ đua nhau giảm giá bán, mà còn tung khuyến mãi khủng như bán 100 bao tặng thêm 10 -13 bao. Không những thế, trên cùng một địa bàn, giá bán xi măng của các DN chênh lệch nhau từ 80.000 - 180.000 đồng/tấn.

Nhiều DN than thở, họ đang "trầy trật" bởi chính sách giá thấp và khuyến mãi "khủng" giữa các nhà máy xi măng với nhau thế nhưng vẫn không thể giải quyết được bài toán tồn kho.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, đầu ra thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh khiến nhiều DN điêu đứng. Thời gian qua chi phí xăng dầu tăng 32- 43%, điện tăng 15,28%, tỉ giá ngoại tệ 9%, vỏ bao tăng 25% và than tăng gần 90% nhưng chẳng DN nào dám nghĩ đến việc tăng giá, bởi làm như vậy sẽ... chết ngay. Chấp nhận bán dưới giá thành, chịu lỗ, dù sao cũng còn có thể “sống” lay lắt - ông Tuyển khẳng định.

Hệ lụy từ quy hoạch

Những năm trước, theo tính toán, VN cần tiêu thụ một lượng lớn xi măng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở vốn còn đang rất thiếu. Vì vậy, phát triển công nghiệp xi măng là cần thiết. Nhưng nếu phát triển đến dư để có thể dành một phần cho xuất khẩu như tinh thần của quy hoạch ngành xi măng thì phải xem lại.

Ông Oanh cũng cho rằng, trong quy hoạch phát triển ngành xi măng có nhiều điểm bất ổn: thứ nhất là về mảng dự báo tăng trưởng chưa chuẩn xác và chưa lường cả những yếu tố bất lợi (như lạm phát, kinh tế sụt giảm) nên dẫn đến tiêu thụ khó, cung vượt cầu. Trong khi đó, theo quy hoạch, đến năm 2015, sản lượng xi măng sẽ tăng lên 94 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ lên tới 129 triệu tấn.

Thứ hai là việc đầu tư theo phong trào của nhiều DN và địa phương. Hầu như địa phương nào có đá vôi là có dự án đầu tư nhà máy xi măng. Trong bối cảnh đó, DN nào "nhanh chân" thì sang nhượng, nhưng có DN đến muốn thoái vốn cơ cấu lại nợ cũng đành bó tay - ông Oanh nói.

Hơn thế, hiện nay, việc thúc đẩy XK chỉ mang tính tình thế, vì với giá 38 - 40 USD/tấn xuất FOB sẽ không mang lại hiệu quả cho DN. Và cũng từ trước đến nay, chưa DN nào đặt vấn đề XK xi măng.

Vì vậy, về lâu dài để phát triển ngành xi măng bền vững, chúng ta cần phải rà soát lại quy hoạch xi măng để thu hẹp khoảng cách giữa cung - cầu. Xóa nhà máy xi măng lò đứng (tổng công suất khoảng 3 triệu tấn) vì đây là công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp và ô nhiễm môi trường. Dừng hẳn những dự án chưa đầu tư, không thu xếp được vốn - đó được coi là “để đau một lần”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN