Xi măng: Bán rẻ, đối tác nhập khẩu vẫn chê

Đầu tư xi măng tràn lan, sản xuất dư thừa phải xuất khẩu với giá rẻ hơn nhiều giá bán trong nước. Đã thế, đối tác mua được rẻ, còn trách cứ.

Tuy Bộ Xây dựng khẳng định quy hoạch đúng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tiếp nhưng các chuyên gia lại có cái nhìn khác.

Không ai chịu trách nhiệm

Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Chi Lan cho rằng, những năm trước, khi muốn phát triển nhà máy xi măng, các bộ, ngành và doanh nghiệp thường đưa số liệu cao để chứng minh. “Đấy là cách tính rất sai lầm, tạo trào lưu đầu tư xi măng, tỉnh nào cũng đua nhau làm nhà máy”, bà Lan nói.

Theo bà, thêm nhà máy xi măng ngoài động lực thị trường, còn vì thành tích góp tăng trưởng GDP cho địa phương, nên hễ có đá vôi là có nhà máy, tương tự phong trào làm nhà máy đường, sắt thép… trước đây. Kết quả, kinh tế đi xuống, xi măng cũng chết theo.

“Xét cho cùng, những quy hoạch, chiến lược sai có ai phải chịu trách nhiệm bao giờ”.

TS Phạm Chi Lan

Theo bà Lan, có nhiều quy hoạch ngành do chính các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước thực hiện “hộ” các bộ ngành, với nhiều điểm lợi cho doanh nghiệp. Còn cơ quan nhà nước do quan liêu, không tự nghiên cứu, hoặc “móc ngoặc” với các doanh nghiệp phê duyệt quy hoạch.

“Xét cho cùng, những quy hoạch, chiến lược sai có ai phải chịu trách nhiệm bao giờ. Ở nước ta, việc quy trách nhiệm rất khó, dù mọi người đều biết quy hoạch do ai thực hiện…”, bà Lan nói. Theo luật, người quyết định sai phải chịu trách nhiệm, nhưng trước nay chưa ai phải bồi thường hay chịu trách nhiệm do quy hoạch không đúng.

Xi măng: Bán rẻ, đối tác nhập khẩu vẫn chê - 1

Dù bán giá rẻ, xi măng vẫn được định hướng xuất khẩu.
(Ảnh bốc dỡ xi măng tại nhà máy Hoàng Thạch). Ảnh: Như Ý

Ngoài ra, theo bà Lan, lâu nay xi măng luôn được nhà nước bảo hộ, đánh thuế mạnh xi măng nhập khẩu, nên giá bán trong nước ở mức cao, người mua phải chịu.

Xuất khẩu thấp vì giá thành cùng các chi phí liên quan đều tính lên giá bán trong nước; được miễn các loại thuế, phí xuất khẩu; nếu lỗ đã có nhà nước gánh hộ (nhiều doanh nghiệp xi măng là của nhà nước, năm 2011, Bộ Tài chính ứng ngân sách trả nợ cho 4 nhà máy hàng trăm triệu USD)… “Những chi phí đó người tiêu dùng trong nước và người đóng thuế phải gánh chịu hết, rất vô lý”, bà Lan nói.

Giá thấp vẫn đẩy mạnh xuất khẩu

Trao đổi với Tiền Phong, một nguyên lãnh đạo Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) kể, khi gặp các đối tác nước ngoài, họ trách Việt Nam xuất khẩu xi măng quá rẻ, rẻ nhất thế giới. Đối với họ không thể có được giá đó vì chi phí cao. “Họ đã được mua của mình giá rẻ lại còn được trách móc mình làm ăn thiếu chuyên nghiệp, đấy là thực tế các doanh nghiệp Việt đang tự giết nhau”, ông nói.

Theo vị này, suất đầu tư cho xi măng rất lớn (khoảng 280 triệu USD cho nhà máy công suất 2 triệu tấn/năm), vốn vay chủ yếu của nước ngoài và được Chính phủ bảo lãnh; lợi nhuận xi măng không cao, chỉ khoảng 8-12%.

“Các doanh nghiệp thường nâng khống vốn đầu tư lên gấp đôi, từ 200 lên 400 triệu USD (khi được vay sẽ chiếm dụng 200 triệu USD để dùng vào việc khác). Còn trả được nợ hay không là chuyện khác. Do đó tư nhân chủ yếu mua công nghệ Trung Quốc, giá rẻ, chạy 5-7 năm có hỏng cũng hết nhiệm kỳ lãnh đạo”, nguyên lãnh đạo Vicem tiết lộ.

Trả lời PV chiều 12/2, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, sản xuất xi măng hiện không dư thừa, quy hoạch cũng không sai. “Quy hoạch xi măng trước đây căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng không ai lường được khủng hoảng kinh tế, cả nền kinh tế đi xuống, không riêng gì xi măng, bất động sản, sắt thép…”, ông Nam nói.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, giá xuất khẩu rẻ vì được miễn thuế xuất khẩu, VAT và phí khác. “Sản xuất xi măng không nhằm thị trường trong nước, nếu có điều kiện sẽ tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu. Thời gian tới vẫn làm vậy”, ông Nam khẳng định. Cũng không có nhà máy nào bị loại bỏ, việc dãn, hoãn tiến độ một số nhà máy do chủ đầu tư không đủ năng lực. Về giá xuất khẩu, ông Nam nói, các doanh nghiệp phải tự tính toán.

Một thôn “cõng” 4 nhà máy

Tình trạng đầu tư nhà máy xi măng tràn lan có thể dễ dàng nhận thấy nhất tại khu vực tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, khi có xã tới 4 nhà máy.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 12/2, bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương Ninh Bình) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 5 nhà máy xi măng lớn (The Vissai, Hệ Dưỡng, Tam Điệp, Phú Sơn, Duyên Hà, Hướng Dương), tổng công suất thiết kế gần 12 triệu tấn/năm. Ngoài ra, nhà máy xi măng Phú Sơn (huyện Nho Quan) đang xây dựng. Chưa kể 2 cơ sở sản xuất xi măng nhỏ: Nhà máy 207 và Trạm nghiền xi măng Tam Điệp.

Tại Hà Nam, riêng thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) có tới 4 dự án nhà máy xi măng, gồm: Hoàng Long, Thanh Liêm, Tràng An, Xuân Thành. Nhà máy xi măng dày đặc gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại địa phương, đường làng hư hỏng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt - Minh Đức (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN