Xăng sinh học còn... xa lạ

Nếu không áp dụng biện pháp hành chính hoặc có cơ chế ưu đãi về giá thì xăng sinh học có thể bị người tiêu dùng từ chối.

Theo Quyết định 53 của Chính phủ về lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1-12, xăng E5 Ron 92 (xăng sinh học) sẽ được triển khai bán đại trà ở 7 địa phương: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Đến nay, các doanh nghiệp (DN) đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc phối trộn, tiêu thụ loại xăng này.

Người tiêu dùng chưa hiểu đầy đủ

Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết DN đã triển khai bán xăng sinh học từ năm 2010 nhưng sản lượng bán ra không đáng kể, chỉ khoảng 200.000 lít/tháng. Theo đánh giá, sắp tới lượng khách hàng chuyển đổi thói quen sang sử dụng xăng sinh học sẽ không nhiều do chưa chuyển đổi được nhận thức.

Xăng sinh học còn... xa lạ - 1

Xăng sinh học được bán rộng rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC

“Tôi có nghe nói xăng sinh học không gây ô nhiễm môi trường nhưng không rõ có an toàn cho động cơ xe và giá bán có rẻ không” - chị Hồng Vân (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn. Ghi nhận tại một số cây xăng có bán xăng sinh học trên đường Thái Thịnh, Hoàng Quốc Việt… ở Hà Nội cho thấy không có nhiều khách lựa chọn xăng sinh học tại thời điểm sát ngày bán đại trà mặt hàng này.

Nguyên nhân được các chuyên gia và DN chỉ ra là do khâu tuyên truyền không hiệu quả. “Người dân e ngại vì hiểu biết chưa đầy đủ về loại xăng này. Ngành công thương nhiều địa phương cho biết sẽ tổ chức tuyên truyền, kêu gọi DN hỗ trợ quảng bá sản phẩm nhưng mới dừng ở bước chuẩn bị” - đại diện Saigon Petro nói.

Theo ông Bùi Văn, nguyên giám đốc tài chính Công ty Nhiên liệu sinh học Phương Đông, hình thức tuyên truyền về xăng sinh học như đang làm là thiếu tính thực tế nên không tác động được đến người tiêu dùng.

“Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phải có chương trình truyền thông hiệu quả, hiện đại hơn bằng những kinh nghiệm, bằng chứng thực tế từ các công ty xăng dầu nước ngoài đã làm thay vì chỉ tổ chức tuyên truyền bề nổi” - ông Văn nêu.

Cần chính sách trợ giá

Theo đại diện Saigon Petro, việc triển khai bán đại trà xăng sinh học sẽ không hiệu quả nếu vẫn duy trì bán song song 2 loại xăng.

Ông Bùi Văn cho rằng có 2 bài học từ các nước láng giềng mà Việt Nam có thể học để triển khai bán xăng sinh học là trợ giá và áp dụng mệnh lệnh hành chính.

“Hoàn toàn có thể áp dụng mệnh lệnh hành chính về việc sử dụng xăng sinh học như chúng ta đã từng làm để xóa bỏ xăng pha chì trước đây. Nếu không áp dụng biện pháp trên thì phải có ưu đãi về giá trong thời gian đầu để người dân sử dụng xăng sinh học. Hai nước láng giềng đã làm được điều này là Thái Lan ưu đãi giá thông qua cơ chế quỹ, còn Philippines buộc người dân phải sử dụng xăng sinh học” - ông Văn chỉ ra.

Tuy nhiên, thực tế là Chính phủ không bắt buộc các địa phương, DN phải chuyển đổi hoàn toàn từ xăng truyền thống sang xăng sinh học. “Thời điểm áp dụng đại trà là từ ngày 1-12 nhưng phải đợi việc triển khai thực tế ra sao. Tuy Chính phủ không bắt buộc nhưng các địa phương có thể yêu cầu triển khai bán toàn bộ xăng sinh học như tỉnh Quảng Ngãi đang làm, DN sẽ dựa vào đề xuất này để triển khai” - ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho biết. 

Xăng sinh học là nguồn nhiên liệu được phối trộn từ 5% ethanol với 95% xăng A92 truyền thống. Loại xăng này đã được sử dụng rộng rãi từ lâu ở hơn 60 nước trên thế giới.

Còn dè dặt dù an toàn

Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên bán đại trà xăng sinh học theo lộ trình của Chính phủ. Triển khai từ ngày 31-7, đến nay, hầu hết các cửa hàng đều bán xăng E5 Ron 92 thay thế xăng truyền thống.

Ông Đặng Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiêu liệu sinh học dầu khí miền Trung (đơn vị phân phối xăng sinh học), cho biết: “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận có trường hợp nào gặp trục trặc về động cơ khi sử dụng xăng E5 Ron 92. Hiện DN đang tiếp tục phân phối loại xăng này ở các tỉnh lân cận theo lộ trình như Quảng Nam, Đà Nẵng...”.

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị sản xuất xăng sinh học), từ ngày 1-8-2011, BSR đã ngừng xuất bán xăng khoáng A92 truyền thống để tập trung xuất bán xăng sinh học và xăng A95.

Tính đến hết tháng 9-2014, BSR đã sản xuất 10,1 triệu lít xăng sinh học và xuất bán ra thị trường 10,02 triệu lít bảo đảm chất lượng theo quy định. Riêng CB-CNV của BSR đã sử dụng khoảng 450.000 lít xăng sinh học và đã chạy được khoảng hơn 2,8 triệu km an toàn, không ghi nhận bất kỳ sự cố nào”.

TP Đà Nẵng có 61 DN kinh doanh xăng dầu với 95 cửa hàng bán lẻ. Tất cả các điểm bán xăng hiện đã triển khai bán xăng sinh học (do BSR phân phối) theo đúng lộ trình của UBND TP Đà Nẵng.

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều cây xăng, khách hàng còn e dè khi mua xăng sinh học. Anh Nguyễn Văn Thanh, nhân viên bán xăng của Petrolimex Đà Nẵng, cho biết khi có người vào đổ xăng, nhân viên sẽ hỏi khách muốn đổ loại xăng gì thì phần lớn lựa chọn xăng A95.

Giải thích cho sự lựa chọn của mình, chị Trần Thị Thu (ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nói: “Theo thói quen và để an toàn cho xe máy, tôi chọn xăng A95 dù có đắt hơn vài trăm đồng/lít. Nếu xăng sinh học cũng bảo đảm cho hoạt động của xe và thân thiện với môi trường thì lần sau tôi sẽ đổ xăng này”.

Theo anh Phan Thanh Hải, nhân viên cây xăng trên đường Trần Phú, trước đây trung bình mỗi ngày lượng xăng A92 bán ra chiếm 60%, 40% còn lại là xăng A95. Từ khi triển khai bán xăng sinh học thay xăng A92 thì chỉ bán được 40%, số còn lại chuyển sang xăng A95.

“Do giá xăng sinh học rẻ hơn xăng A95 600 đồng/lít nên nhiều người dùng ô tô đời cũ, xe máy dưới 100 phân khối mới chọn đổ loại xăng này. Có thể do đây là thời gian đầu triển khai nên người tiêu dùng chưa hiểu rõ về xăng sinh học” - anh Hải lý giải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tử Trực - Bích Vân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN