Xăng giảm, lại “giục” giảm giá cước vận tải
Trước việc giá xăng liên tục được điều chỉnh giảm, song giá cước vận tải vẫn chưa có nhiều chuyển biến, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhằm yêu cầu các đơn vị kinh doanh kê khai giảm giá cước vận tải cho phù hợp với diễn biến của giá nhiên liệu.
Ngày 21.12, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc tăng cường quản lý giá cước vận tải tại các địa phương. Trong công văn, Bộ Tài chính cho biết, từ giữa tháng 9.2015 đến nay, giá xăng, dầu đã liên tục có xu hướng giảm. Đáng chú ý, trong đợt điều chỉnh ngày 18.12 vừa qua, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm đáng kể. Cụ thể, xăng Ron 92 đã giảm 390 đồng/lít, dầu diezen giảm 1.250 đồng/lít.
Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc tăng cường quản lý giá cước vận tải tại các địa phương (Ảnh: Phan Diệu)
Tính từ thời điểm giữa tháng 9.2015 đến nay, giá xăng Ron 92 đã tăng 2 lần với tổng mức tăng là 800 đồng/lít. Trong khi đó, xăng đã giảm 5 lần với tổng mức giảm là 1.730 đồng/lít. Dầu diezel 0,05S đã tăng 2 lần với mức tăng là 790 đồng/lít, giảm 4 lần với tổng mức giảm 2.120 đồng/lít.
Như vậy, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải trên địa bàn và bình ổn giá cả thị trường chung, các địa phương phải chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhằm yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải kê khai giảm giá phù hợp với diễn biến của giá nhiên liệu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Hiệp hội vận tải ô tô tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ theo quy luật thị trường và phù hợp mức giảm giá nhiên liệu đầu vào.
Trước đó, vào đầu tháng 9, khi giá xăng liên tục được điều chỉnh giảm, song giá cước vận tải vẫn “chây ì” không chịu giảm giá, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký ban hành Quyết định số 3210/QĐ-BGTVT yêu cầu kiểm tra đối với công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Tuy nhiên, sau quyết định này, số lượng doanh nghiệp vận tải giảm giá cước vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do đó, việc công văn này được ban hành trước thềm Tết Dương lịch cùng các dịp lễ lớn, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh thì việc lo ngại các doanh nghiệp vận tải “chây ì” giảm giá cước là điều hoàn toàn có thể.