Xăng dầu trong nước giá cao, lo ế

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh sự lo ngại dư thừa nguồn cung sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất.

Theo tính toán của PVN, khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018 thì nguồn cung xăng dầu nội địa cho thị trường Việt Nam tại thời điểm đó đạt khoảng 17.589 nghìn m3 bao gồm: Cung xăng dầu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất khoảng 7.274 nghìn m3/năm. Cung xăng dầu từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 9.625 nghìn m3/năm. Bốn cơ sở pha chế xăng từ Condensate có tổng công suất 690 nghìn m3/năm (chưa kể các dự án khác nếu đi vào hoạt động).

Xăng dầu trong nước giá cao, lo ế - 1

Trong khi đó nếu tính toán nhu cầu thị trường nội địa cả nước (các sản phẩm xăng+ Diesel+ Jet A1) tính tại thời điểm năm 2018 là khoảng 17.329 nghìn m3 (với tốc độ tăng trưởng nhu cầu nội địa dự kiến khoảng 3%/năm).

Như vậy tổng cung từ 2 nhà máy lọc dầu và các nguồn chế biến xăng dầu từ Condensate đã đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường nội địa. Bên cạnh đó mặt hàng Diesel sẽ dư thừa. Cụ thể, theo cơ cấu sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn vận hành 100% công suất thì dự kiến tại thời điểm 2018 tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821 nghìn m3, riêng sản phẩm dầu Diesel sẽ dư thừa khoảng 849 nghìn m3, sản phẩm xăng các loại và Jet A1 đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.

Với cơ cấu như trên PVN cho rằng đang có khó khăn lớn trong tiêu thụ hết sản phẩm từ hai nhà máy lọc hóa dầu, nhất là khi giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ cao hơn đối với xăng dầu nhập khẩu nếu áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do.

Do đó, “nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro lớn” - PVN trần tình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN