Xăng dầu tăng giá liên tục, DN sốc

Ba lần tăng, xăng “đội” thêm 1.200 đồng/lít, Anh Nguyễn Sơn, chủ xe khách chuyên tuyến Hà Nội - Viên Chăn (Lào) cho biết, bị sốc trước việc tăng giá dầu liên tục.

Theo anh Sơn, mỗi chuyến đi và về từ Hà Nội sang Viên Chăn, xe anh đổ khoảng 600 lít dầu, với giá khoảng hơn 13 triệu đồng. “Với giá dầu tăng hai lần trong tháng 6, với hai ngày/chuyến, sẽ mất thêm 180 nghìn đồng. Mỗi tháng xe chạy 15 chuyến, nhân với 3 xe sẽ phải chi thêm khoảng hơn 8 triệu tiền dầu. Trong khi giá vé Hà Nội-Viên Chăn (500 nghìn đồng/vé) không được tăng suốt từ 2 năm nay”, anh Sơn nói.

Cũng theo anh Sơn, để duy trì một xe hoạt động, ngoài tiền dầu, tiền vé, tiền nhân công, còn mất thêm nhiều khoản tiền khác, nếu giá xăng dầu liên tiếp tăng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Đinh Viết Thành, chủ một doanh nghiệp tại TP Vinh (Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp của ông đã phải điều chỉnh giá cho thuê xe (xe con, xe tải) vì giá xăng tăng. “Nếu tăng giá thuê xe, sẽ làm số lượng khách hàng giảm, doanh thu cũng giảm theo”, ông nói.

Thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn barem quy định. Quỹ bình ổn giá đến hết ngày 10/7 chỉ còn khoảng 61 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đang bị âm quỹ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, trong các đợt tăng giá vừa qua, vận tải taxi chịu nhiều tác động nhất vì giá xăng tăng nhiều hơn dầu.

Tuy nhiên, hiện chưa có thành viên nào của Hiệp hội thông báo tăng giá cước do các doanh nghiệp (DN) taxi phải thực hiện nhiều thủ tục như đăng ký giá với Sở Tài chính, làm thủ tục điều chỉnh đồng hồ... Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Đỗ Tất Bình cũng lưu ý dù các lần tăng giá xăng vừa qua đều tăng nhỏ giọt, nhưng cộng cả ba lần, mỗi lít xăng đã bị đội lên đến 1.200 đồng.

Hiện chưa có doanh nghiệp taxi nào ở Hà Nội điều chỉnh giá cước do phải “nhìn ngó nhau”. Tuy nhiên, lần tăng cuối cùng này có thể sẽ là giọt nước tràn ly.

Xăng dầu tăng giá liên tục, DN sốc - 1

Giá xăng tăng khiến doanh nghiệp khó. ẢNh: Ngọc Châu.

Vẫn tù mù điều hành?

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bất bình về việc điều hành giá xăng dầu theo kiểu “tù mù” hiện nay. “Cần phải có một trang thông tin riêng để cung cấp cho chúng tôi biết giá xăng đang được tính thế nào; xu hướng sắp tới có tăng hay không để doanh nghiệp còn lường trước. Nếu tăng cước vài hôm, xăng giảm giá, lại phải thay đổi, bất cập vô cùng”, ông Bình nói.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi nào xăng dầu trong nước chưa phá thế độc quyền và kinh doanh theo hướng thị trường thì điệp khúc tăng giá vẫn tiếp tục diễn ra.

“Cơ chế điều hành hiện nay có thể dẫn đến sự lạm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, dựa vào cơ chế điều hành bằng mệnh lệnh hành chính xin - cho cả về thời điểm cũng như mức trích lập và sử dụng quỹ. Minh bạch ở thị trường xăng dầu không chỉ là thông tin về cách tính giá, điều hành giá, các quy định về những yếu tố cấu thành giá, quỹ bình ổn giá như cách nói của cơ quan điều hành giá xăng dầu, mà còn cần phải công khai giá mua theo hợp đồng gốc, minh bạch lỗ lãi của doanh nghiệp”, TS Phong cho biết.

“Khi doanh nghiệp bị lỗ từ 726 đồng đến 988 đồng/lít xăng dầu, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức, từ 300 đồng xuống còn 100 đồng và cho doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá. “Bộ Tài chính cho rằng tăng giá xăng dầu ngày 17/7 sẽ khiến CPI của tháng 7 tăng thêm khoảng 0,15%”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm - Sỹ Lực (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN