“Xài sang” máy tính bảng, gậy “tự sướng”: Vẫn ghi sai số điện

Tình trạng những hóa đơn tiền điện ghi sai mà người dân liên tiếp phản ánh thời gian gần đây dẫn đến một câu hỏi được đặt ra: Liệu máy tính bảng, gậy “tự sướng” góp công đến đâu trong việc cải tiến, giảm chi phí cho công tác ghi chỉ số công tơ hàng tháng của ngành điện?

Sử dụng công nghệ vẫn… sai!

Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) chiều 15.7 đã có phản hồi chính thức về các hóa đơn tiền điện ghi sai mà người dân phản ánh trên báo chí những ngày qua. Theo đó, EVN HANOI cho biết, Công ty Điện lực Đống Đa đã rà soát và xác minh trường hợp của khách hàng Lê Quang Hưng (địa chỉ: số 28 ngõ 20 Cát Linh).

Theo EVN HANOI, đây là “trường hợp cá biệt xảy ra sai sót trên tổng số hơn 120.000 khách hàng trên địa bàn”. Công nhân Công ty Điện lực Đống Đa chụp ảnh chỉ số đúng, tuy nhiên do thao tác nhập chỉ số vào máy tính có sai số hàng trăm từ số“0” thành “1” và nhầm vị trí hàng đơn vị với hàng chục) dẫn đến nhầm chỉ số của khách hàng (chỉ số chụp ảnh là 9019, chỉ số nhập là 9191).

Như vậy, dù sử dụng “công nghệ hiện đại” là camera kết hợp máy tính bảng để ghi chỉ số điện của gia đình anh Hưng thì vẫn xảy ra việc ghi sai tới hàng trăm số điện, khiến tiền điện phải trả của anh Hưng tăng vọt. Thậm chí khi có sai sót, nhân viên nhà đèn lại “tự thỏa hiệp với dân” nhằm che giấu sự thật. Rõ ràng qua vụ việc này, người dân hoàn toàn có cơ sở để hoài nghi về các khuất tất trước các hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường.“Xài sang” máy tính bảng, gậy “tự sướng”: Vẫn ghi sai số điện - 1

EVN Hà Nội triển khai ghi chỉ số điện bằng thiết bị công nghệ từ tháng 7 (Ảnh minh họa)

Anh Ngô Trung Dũng (27 Vũ Thạnh (Hà Nội) than thở: “Tôi không hiểu ngành điện đã sử dụng công nghệ trong việc ghi chỉ số công tơ điện bằng camera kết hợp với máy tính bảng như thế nào mà vẫn có nhiều sai sót trong việc ghi hóa đơn điện nghiêm trọng đến thế!?”.

Trước đó, ngành điện đã lên tiếng khen ngợi thiết bị mới (camera kết hợp máy tính bảng) có khả năng chụp ảnh chỉ số công tơ và tính toán sản lượng ngay tại hiện trường sau khi nhập chỉ số mới, cảnh báo các sản lượng bất thường. Trong máy tính bảng có cài sẵn phần mềm tính toán chỉ số điện của khách hàng dùng trong tháng và kết quả được hiển thị trên màn hình ngay lập tức.

Ngành điện còn khẳng định, việc ứng dụng giải pháp ghi chỉ số công tơ bằng camera kết hợp máy tính bảng sẽ giúp cải tiến, hiện đại hoá công tác ghi chỉ số công tơ hàng tháng, cùng với đó cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động. Trong quá trình ghi chỉ số, khách hàng có thể xem hình ảnh chụp chỉ số điện khách hàng sử dụng trong tháng, giám sát việc ghi chỉ số của công nhân điện… Tuy nhiên, thực tế là dù có máy tính bảng, gậy “tự sướng” thì số điện dùng của người dân vẫn bị ghi sai.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh các hóa đơn điện tăng vọt, khó hiểu gây bức xúc cho người dân thì ngành điện luôn lý giải do thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng điện nhiều... Tuy nhiên, các sai sót về việc ghi chỉ số điện như nêu trên đã khẳng định thực tế là không chỉ có các lý do nêu trên.

Còn khổ vì… gậy “tự sướng”

Không chỉ người tiêu dùng bị ghi sai số điện mà chính công nhân ngành điện cũng bày tỏ “chẳng sung sướng gì” với các thiết bị camera, máy tính bảng, gậy “tự sướng” này. Không khó để bắt gặp các công nhân ngành điện lỉnh kỉnh vừa gậy vừa thang vừa máy ảnh để đi ghi chỉ số điện trên các tuyến phố của Hà Nội những ngày này. Với những hộp công tơ để trên cột điện cao ngất, dây dợ chằng chịt thì công nhân vẫn phải bắc thang trèo lên để đưa gậy vào mới chụp được công tơ.

Có công nhân thì phản ánh, nhiều hộp công tơ bị bụi mờ quá, đưa gậy lên chụp cũng không rõ, lại phải leo thang lên để lau chùi, nhìn ngó kỹ rồi mới chụp nổi. Một số ít công tơ nằm ở vị trí quá khó, không thể đưa camera vào chụp, cũng buộc nhân viên điện lực phải trèo lên tận nơi. “Chúng tôi có máy móc nhưng đã thoát cảnh phải leo thang đâu”, một công nhân ghi số điện bày tỏ.

Chưa thoát cảnh leo cột điện dù có thiết bị mới, nhiều công nhân ngành điện còn chưa thạo các thao tác về chụp ảnh công tơ bằng camera và sử dụng máy tính bảng còn chưa thành thục để ghi-nhập chỉ số điện… Những sai sót, nhầm lẫn về chỉ số điện của người dân cũng từ đây mà ra, như trường hợp của khách hàng Lê Quang Hưng nêu trên.

Đại diện ngành điện cũng thừa nhận: Việc áp dụng công nghệ mới nào ban đầu cũng có những khó khăn nhất định. Công nhân điện đang quen với việc ghi chỉ số điện thủ công - leo lên đọc số công tơ cho người ở dưới ghi là xong - vừa đỡ lỉnh kỉnh máy móc, vừa đỡ mệt, đỡ mất thời gian. Nay với những công tơ treo khó khăn, thì vừa leo lên, vừa chụp ảnh công tơ, leo xuống lại phải nhập vào máy tính bảng… Nhiều công nhân điện còn chưa tiếp thu ngay lập tức các quy trình, công nghệ mới nên cũng phải đào tạo thì họ mới có thể thành thục trong công việc và không phải “đánh vật” với máy móc, thiết bị…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN