Xa rồi cảnh xe tải ùn ùn mua cam, các tỉnh đau đầu tìm nơi tiêu thụ
Làm gì để giúp bà con nâng cao chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm cây có múi là một vấn đề lớn, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Đó là đánh giá chung tại Diễn đàn khuyến nông & nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức, với chủ đề “Giải pháp phát triển cây có múi vùng Tây Bắc theo hướng sản xuất hàng hóa”.
Diện tích tăng chóng mặt
Trong những năm vừa qua, diện tích trồng cây có múi trên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc tăng theo cấp số nhân. Sản lượng cam, bưởi tăng cao, nhưng việc tìm thị trường tiêu thụ cho cây có múi vẫn là một vấn đề nan giải. Hơn bao giờ hết, chính người nông dân cũng cần phải chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không nên chạy theo phong trào.
Sản lượng cam ngày một nhiều, khiến đầu ra gặp khó. Ảnh: X.T
Cách đây 6 năm, vựa cam Cao Phong (Hòa Bình) bỗng dưng ăn nên làm ra vì giá cam tăng cao. Khi đó cam bán tại vườn lên đến 28.000 - 35.000 đồng/kg, thậm chí cam Valencia (cam V2) lên đến 50.000 đồng/kg. Người trồng cam trúng đậm, mỗi ha thu được hơn 1 đến 2 tỷ đồng là chuyện thường.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, trong 10 năm 2008 -2017 tổng diện tích cây ăn quả của cả nước có tốc độ tăng trưởng bình quân 2%/năm (16.500ha/năm). Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây từ 2013 - 2017 tăng trưởng ở mức gấp đôi là 4,3%/năm (tương đương 35,7 nghìn ha/năm). |
Cam được giá, tiêu thụ dễ dàng, nhà nhà bắt đầu lao vào trồng cam. Cả huyện Cao Phong khi đó có vài trăm ha cam, đến nay đã lên đến trên 3.000ha, cả tỉnh Hòa Bình là gần 10.000ha cây có múi. Diện tích gia tăng theo cấp số nhân, sản lượng tăng cao, nên giá cam bị đẩy xuống chưa bằng một nửa so với trước đây.
Giờ đây, đi đến bất cứ một xã nào của Cao Phong, nhà nhà đều nói về cây cam. Đồi cao được bà con thuê máy đánh đường đồng mức, ruộng thấp thì khơi rãnh để trồng cam.
Theo bà Nguyễn Thị Thi - một tư thương có tiếng ở đất Cao Phong, mọi năm xe tải kéo đến xếp hàng ùn ùn mua hàng. Năm nay, việc này gần như không thấy, xe có đến bốc hàng cũng chỉ vài tạ chứ không vài tấn một chuyến như trước. Hơn nữa, thương lái đều ép giá cam xuống, có thời điểm cam xuống rất thấp. Đây là một điều đáng lo ngại, bởi lẽ có những nhà vườn có sản lượng lên đến vài trăm tấn.
Hầu hết các nhà vườn ở Cao Phong năm nay đều phải tự bán lẻ, tức là các mối hàng ở các tỉnh khác về lấy, mỗi lần vài tạ đến đôi tấn, thậm chí là vài chục cân. Nhiều nhà vườn, không tìm được thị trường tiêu thụ thì bán cho các đầu mối cắt cam. Anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong chia sẻ, vườn cam mấy chục tấn mà ít người đến hỏi, không giống như mọi năm là họ tranh nhau vào vườn cắt cam.
Cam Cao Phong thơm ngon nổi tiếng đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện sức tiêu thụ cam vẫn rất lớn, tuy nhiên do trong thời gian vừa qua, các tỉnh khác cũng không ngừng mở rộng diện tích cây có múi như Yên Bái, Bắc Giang, Sơn La, Nghệ An… trung bình mỗi tỉnh cũng trên dưới 10.000ha, cam chín đồng loạt từ tháng 10 đến tháng 12 nên việc bị dồn ứ sản lượng là vô cùng lớn.
Trong khi đó, hầu như việc tiêu thụ cam là ở thị trường trong nước, chưa nơi nào xuất khẩu được mặt hàng này. Khi cung vượt quá cầu, giá bị đẩy xuống và bà con gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ cam là điều dễ hiểu.
Làm gì để “cứu” các vùng cây có múi
Tại diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt đã đưa ra cảnh báo, sản xuất cây có múi của nước ta đứng trước nhiều hạn chế và thách thức. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm ô nhiễm môi trường đất, nước khiến dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi chủ yếu là thị trường nội địa, giá trị xuất khẩu không đáng kể. Quả cam thường có nhiều hạt, vỏ dày nên khó đưa vào chế biến sâu, trong khi công nghiệp chế biến các sản phẩm cam, bưởi nước ta chưa phát triển.
Quả cam thường có nhiều hạt, vỏ dày nên khó đưa vào chế biến sâu. Ảnh minh họa
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng đưa ra giải pháp thiết thực hiện nay là tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung. Tại các vùng có điều kiện cần đầu tư thâm canh. Đối với diện tích trồng phân tán, tại các vùng không phù hợp, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con nên trồng cam, bưởi chính vụ với cơ cấu 30-40%, trái vụ nên chiếm 2/3 diện tích, khoảng 70%.
Tại diễn đàn, có nhiều ý kiến của bà con nông dân cũng như các nhà khoa học tranh luận và phản biện. Hơn bao giờ hết, bà con nông dân mong muốn sản phẩm của mình làm ra sạch bệnh, bán được giá cao.
Trước vấn đề này. TS Cao Văn Chí - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi thuộc Viện Nghiên cứu rau quả chia sẻ, bà con không nên sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn cây có múi, chỉ làm sạch cỏ gốc thường xuyên. Bón phân hữu cơ và vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ sinh học... Đây là những việc cần làm ngay đối với các vùng cây trồng cây có múi.
Ngoài ra, TS Cao Văn Chí cũng đưa ra một giải pháp rất hữu hiệu, khi thu hoạch cây có múi là sử dụng chế phẩm tạo màng phủ trực tiếp lên bề mặt quả. Chế phẩm có tác dụng làm giảm tổn thất khối lượng và giảm biến dạng hình thức do mất nước, đồng thời, làm giảm quá trình trao đổi khí dẫn tới làm chậm quá trình chín hay già hóa của quả.