Vườn nhãn trăm triệu của lão nông Mười Sử giữa xứ rừng U Minh
“Nhãn trồng vùng đất phèn U Minh không to, bóng, đẹp mã như vùng khác nhưng được cái chất lượng tuyệt hảo. Quả nhỏ hơn, nhưng cùi dày hơn, trái ngọt hơn, thương lái mê như điếu đổ. Kinh tế gia đình tui phất lên cũng nhờ đó”, lão nông Mười Sử tự hào.
Không ngại khó khăn
Trao đổi với PV, ông Quách Thanh Sử (Mười Sử, SN 1951, ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, sau khi xuất ngũ, ông trở về quê lập nghiệp. Với ý định nuôi các con được ăn học thành tài, nhưng nhìn những dải đất “thẳng cánh cò bay” của gia đình mà điều kiện tự nhiên khắc nghiệt không sinh lợi khiến Mười Sử không khỏi băn khoăn.
Nhiều đêm thao thức không ngủ được, ông Sử quyết tâm tìm ra giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với vùng đất phèn của xứ rừng để trang trải kinh tế gia đình.
Một lần, lão nông Mười Sử thổ lộ với những bạn trà chí cốt rằng: “Muốn chuyển đổi qua làm vườn, trồng cây ăn trái”. Mới nghe, nhiều bạn bè đã can ngăn, bởi thời đó, ở xứ rừng U Minh chưa ai dám bỏ ruộng chuyển lên vườn.
Bỏ mặc ngoài tai tất cả, ngày ngày lão nông vẫn lúi húi làm đất. Khu vực hơn 2ha đất của gia đình chủ yếu là vườn tạp, ông Sử quyết tâm phá bỏ hết đầu tư hẳn một vườn nhãn quy mô 600 gốc. Với bản tính kiên định, không ngại khó khăn, ông Sử như con thiêu thân lao vào khổ cực, bắt tay thực hiện ý định của mình.
Vườn nhãn quy mô hàng trăm gốc cho hiệu quả cao.
Nhớ lại lúc đó, ông Sử nói: “Hồi đó máy móc không có, muốn lên liếp trồng cây ăn trái thì “chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ra sức làm thủ công. Với lại vùng đất này lại là vùng trũng nên phèn nặng dữ lắm. Do vậy, đào kênh mương phải xuống 4 – 5 lớp đất mới có bờ liếp”.
Ấy vậy mà lão nông Mười Sử cũng chẳng ngại ngần, làm ngày không xong ông còn làm đêm. Cứ thế tháng tháng, ngày ngày ông lúi húi, rồi cũng đến lúc các kênh mương, ao đìa thành hình.
Ông Sử cho biết, những giọt mồ hôi đổ xuống ao đìa, thấm vào đất, như hiểu được cái khổ, cái quyết tâm của người nông dân giàu nghị lực. Hết bờ nọ cây xanh lá, đến liếp kia cho hoa lợi. Tới khoảng năm 2003, vườn cây được thu hoạch rộ, sức cây nhãn tơ cho trái nặng trĩu ngoài cả sức tưởng tượng của chú Mười.
“Chiến tích” chống mặn
Trong khi vườn nhãn của gia đình ông đang thời thịnh, bà con thi nhau học hỏi làm theo. Năm 2006, bà con trong vùng thi nhau lấy nước mặn vào để chuyển sang mô hình tôm - lúa. Những người bạn làm vườn với ông cũng đành ngậm ngùi chuyển đổi, do vùng nước ngọt bị mặn xâm nhập, cây ăn trái không thể phát triển, sinh lợi như xưa. Thành quả khổ cực ngày nào đang thu lợi của chú Mười, bỗng chốc đứng trước nguy cơ tan biến.
Không đi theo số đông, “người lính chiến” trên mặt trận sản xuất không chịu thua, nhất quyết tìm cách giữ vườn cây ngọt. Ông Sử dồn tâm sức tìm cách chống “giặc mặn” đang tấn công vườn cây của mình. Cuối cùng thành quả của lão nông đã khiến mọi người phải thán phục.
Khi bà con chặt cây ăn trái, bán đất làm lúa tôm thì ông Sử cũng thuê người đào hệ thống kênh mương xung quanh vườn nhà, kê liếp lớn. Hệ thống ao đó được ông gọi là “ao cách mặn”. Trong những mương bao quanh, ông để mực nước thấp cho phép mặn xung quanh thấm qua và được xổ ra sông.
Riêng, những ao nước ngọt ở trong được chú bơm nước (giếng khoan) xuống để đảm bảo mực nước cao hơn những mương cách mặn. “Làm gì có chuyện nước mặn ở nơi thấp hơn xâm nhập vào ao cao hơn”, ông nói với vẻ của người sành nghề.
Thu nhập của gia đình ông Mười Sử khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục.
Hiện nay, với hơn 2 ha vườn, ao của gia đình, ông Sử đang có rất nhiều mô hình. Trong đó, vườn nhãn quy mô khoảng 240 gốc mà ở cả vùng U Minh này không ai có, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Những gốc nhãn đã già cỗi được ông thay bằng hơn 50 gốc cây vú sữa sum suê trái cho thu hoạch ước khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.
Để tận dụng tối đa đất trống, “người lính chiến” đầu tư trồng dây thiên lý, trồng bồn bồn, thả nuôi cá phi, cá bống tượng khắp mảnh vườn, mỗi năm “lấy thêm trăm triệu đồng khỏe ru”. Tính sơ sơ, ông thu mỗi năm không dưới 400 triệu đồng, trừ chi phí ông còn khoảng 300 triệu đồng, một số tiền đáng mơ ước với những người bạn làm tôm - lúa.
Nói về bí quyết để có sự thành công như ngày hôm nay, chú Mười Sử khẳng định, ông học theo câu nói của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Lời Bác dạy, ông không bao giờ quên vì vậy mà ông chẳng ngại khó khăn.