Vừa qua ngày lễ tình nhân, thị trường hàng thời trang lại rục rịch giảm giá sâu đón 8/3
Theo các chủ cửa hàng thời trang, tháng 2 và tháng 3 là thời điểm "đẹp" để triển khai các chương trình giảm giá để vừa hút khách, vừa "giải quyết" mẫu cũ và chuẩn bị "tung" ra các bộ sưu tập mới dịp xuân hè.
Vừa kết thúc chương trình khuyến mãi nhân ngày Lễ tình nhân 14/2, chị Nguyễn Thị Ánh Hương (35 tuổi) chủ một cửa hàng thời trang trên phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) đã rục rịch chuẩn bị lên "kịch bản" cho một chương trình khuyến mại mới.
Chị Ánh Hương cho biết, tháng 2 có ngày Lễ tình nhân và tháng 3 có ngày Quốc tế phụ nữ (8/3). Đây là thời điểm đẹp để các nhãn hàng, các chủ cửa hàng thời trang "tung" ra các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Theo chị Hương: "Cả năm có được vài dịp để áp dụng chương trình khuyến mại nên là người làm kinh doanh, chúng tôi sẽ áp dụng nhiều chương trình khuyến mại khác nhau. Như những năm trước, chúng tôi vừa giảm giá trực tiếp đến 30% trên từng sản phẩm, vừa tặng thêm cho mỗi hóa đơn trên 2 triệu đồng một sản phẩm áo giữ nhiệt trị giá 300.000 đồng".
Vừa qua ngày lễ tình nhân, các cửa hàng thời trang lại rục rịch giảm giá sâu đón 8/3.
"Năm nay, chúng tôi thay đổi hình thức khuyến mại là vừa giảm giá trực tiếp trên sản phẩm lên đến 50%, vừa tích điểm cộng cho khách hàng và tặng cho mỗi hóa đơn trên 3 triệu đồng là một phiếu giảm giá trị giá 400.000 đồng cho lần mua tiếp theo", chị Hương cho biết.
Theo chị Hương, những năm trước đó, khi Việt Nam chưa có dịch COVID-19, lượng khách mua hàng tăng lên thấy rõ sau khi áp dụng các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, từ khi có dịch COVID-19, đặc biệt là thời điểm vài tháng trở lại đây, dịch tại Hà Nội luôn diễn biến phức tạp, lượng khách mua hàng giảm hơn và chủ yếu giao dịch qua "online".
"Tức là, khách đặt đơn qua fanpage và chúng tôi vận chuyển tới tận nhà. Khách được phép xem trước khi nhận hàng, nếu không ưng ý về chất lượng có thể hoàn trả", chị Hương cho hay.
Cửa hàng thời trang của chị Trương Thị Hồng, tại phố Nguyễn Trãi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tương tự.
Nhờ giảm giá trực tiếp trên từng sản phẩm nên ngày lễ tình nhân vừa qua, nhân viên đóng gói các đơn hàng "online" để giao đến tận tay khách cũng tất bật hơn.
Để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, chị Hồng đã kéo dài chương trình khuyến mại đến hết ngày 8/3.
Chị Hồng cho biết: "Tâm lý người tiêu dùng là thích khuyến mại, thích hàng hóa có sự giảm giá, nên chương trình khuyến mại của chúng tôi cũng phải tính toán kỹ trên cơ sở hàng mốt cũ hay là rất cũ và số lượng sản phẩm còn lại của một mẫu. Ví dụ mẫu áo măng tô phổ thông, còn số lượng ít và không đủ kích thước, chúng tôi sẽ giảm từ 50 – 70%, tùy sản phẩm. Với mẫu áo sơ mi phổ thông không lỗi mốt, chúng tôi sẽ giảm từ 30 – 45% để phục vụ nhu cầu chị em mặc sơ mi dịp xuân hè tới".
Theo chị Hồng, không chỉ các cửa hàng thời trang nhỏ lẻ, mà các nhãn hàng có tiếng trong ngành thời trang, thời điểm tháng 2 và tháng 3 là dịp để áp dụng các chương trình giảm giá để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa để tiến tới "trình làng" những bộ sưu tập, mẫu hàng xuân hè.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, dù mức giảm thuế không nhiều nhưng cũng tạo sự kích cầu tiêu dùng ngay từ tâm lý mỗi khách mua hàng.
Liên quan đến vấn đề kích thích tiêu dùng, trao đổi với PV, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Không những kích thích, kích cầu tiêu dùng mà còn góp phần kích cầu sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.
Ngoài ra, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với người tiêu dùng, dù mức giảm thuế không nhiều nhưng cũng tạo sự kích cầu tiêu dùng ngay từ tâm lý mỗi khách mua hàng.
Nhiều cửa hàng thời trang ở Hà Nội đang "đua" giảm giá "khủng" nhằm kích cầu mua sắm trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Nguồn: [Link nguồn]