Vụ “sữa dê Danlait giả”: Quá nhiều sai phạm!
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương, Công ty TNHH Mạnh Cầm – đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm sữa dê Danlait (Pháp) tại Việt Nam, đã mắc phải rất nhiều sai phạm.
Thời gian vừa qua, trên thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh và đề cập đến câu chuyện sữa dê nhập khẩu mang nhãn hiệu Danlait xuất hiện trên thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Điều này đã khiến khá nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang và đặt câu hỏi về sự thực của vụ việc.
Câu chuyện được bắt nguồn từ hồi cuối tháng 2 vừa qua, sau khi có thông tin về nghi án sữa rởm gắn mác Danlait được lan truyên trên các phương tiện đại chúng, Đội quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã có buổi làm việc tại trụ sở của Công ty TNHH Mạnh Cầm - đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm này tại Việt Nam. Sau khi kết thúc buổi làm việc, quản lý thị trường đã quyết định thu giữ hơn 6.000 lon sản phẩm để xác minh, làm rõ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo mới đây của Bộ Công Thương , ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, sau một thời gian kiểm tra Cục đã phát hiện ra Công ty TNHH Mạnh Cầm, đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm sữa dê Danlait tại Việt Nam, đã mắc phải rất nhiều sai phạm.
Hàng loạt sai phạm được phát hiện tại vụ sữa dê Danlait phân phối tại Việt Nam
Theo đó, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã sai phạm về dán nhãn trên sản phẩm sữa. Ông Lam cho biết, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm có cấp một giấy phép cho Công ty TNHH Mạnh Cầm, nhưng đây là giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm “thực phẩm bổ sung - Sữa dê Danlait dành cho trẻ”, ở các mức tuổi khác nhau.
Thế nhưng trong nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm theo các hộp sữa, công ty này đã không ghi cụm từ “thực phẩm bổ sung” trước tên sản phẩm, mà chỉ ghi “sữa dê”. “Điều này không đúng theo Nghị định 89 của Chính phủ về nhãn mác hàng hoá”, ông Lam khẳng định.
Cũng theo giải thích của ông Lam, sai phạm mà Công ty TNHH Mạnh Cầm mắc phải là chỉ ghi “sữa dê Danlait", trong khi nhãn gốc của hàng hóa này là “sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait”.
Cụm từ “nguồn gốc từ sữa dê Danlaint” có phần bớt đi. Vì vậy, cách ghi này là không minh bạch, không rõ ràng và gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, tại điều 8 đã nêu rõ, đơn vị kinh doanh sữa bắt buộc phải ghi cụm từ: “Sữa mẹ là sữa tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác”.
Bên cạnh đó, quy định trên cũng đưa ra việc các đơn vị còn phải bắt buộc ghi chú thêm câu: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Pha chế theo đúng hướng dẫn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh”.
Tuy nhiên, theo ông Lam, sau khi kiểm tra sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm lại không có những ghi chú bắt buộc kể ở trên. Đặc biệt, không có câu “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ” . Đây lại là một điều rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Một vi phạm nữa mà ông Lam đưa ra khi trả lời báo chí, đó là Công ty TNHH Mạnh Cầm đã chưa thực hiện việc kê khai và niêm yết giá đúng quy định.
Liên quan tới câu chuyện thuế nhập khẩu, do Công ty TNHH Mạnh Cầm sai phạm trong cách gọi tên giữa sữa và thực phẩm chức năng nên đã làm ảnh hưởng đến việc nộp thuế Nhà nước. Bởi, theo quy định hiện nay, thuế sữa nhập khẩu chỉ là 10% nhưng nếu là thực phẩm chức năng, sản phẩm sẽ bị áp thuế 15%.
Với tất cả những sai phạm trên, để có thể làm rõ hơn và đưa ra kết luận cụ thể về vụ việc này, ông Lam cho hay, Cục quản lý thị trường đã mời Tổng cục Hải quan, Cục An toàn thực phẩm họp trong tuần này và sẽ trả lời chính thức kết quả giám định sữa của Công ty Mạnh Cầm.