Vụ kiện tôm: Nhà nước sẽ có trách nhiệm
Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ phối hợp với các cơ quan nhà nước liên quan cùng chính quyền địa phương của từng DN để chung sức chống lại vụ kiện.
Đại diện Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam không hề có sự trợ cấp nào từ Chính phủ. Và đối với vụ kiện chống trợ cấp này (còn gọi là vụ kiện chống thuế trợ giá), vai trò của Nhà nước, cơ quan chính quyền rất quan trọng. Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương).
Nhà nước sẽ có trách nhiệm
Phóng viên: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vụ kiện trên?
+ Ông Bạch Văn Mừng: Liên minh các nhà chế biến tôm của Mỹ (nguyên đơn) đã đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) yêu cầu điều tra áp thuế chống trợ giá, đệ đơn lên Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) yêu cầu điều tra về thiệt hại liên quan đến mặt hàng “tôm nước ấm đông lạnh” nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phía Mỹ đưa ra 14 điểm trợ cấp của Chính phủ Việt Nam với ngành tôm, tập trung vào bốn nhóm chính gồm chương trình phát triển nuôi tôm, hỗ trợ vốn, hỗ trợ tiền thuê đất nuôi tôm và các loại thuế, phí khác.
Vụ kiện chống trợ cấp thường được nước nhập khẩu tiến hành đối với một loại hàng hóa nhập khẩu khi có nghi ngờ loại hàng đó được nhận những khoản trợ cấp từ nước xuất khẩu trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gây thiệt hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu. Đây là vụ việc cáo buộc trợ cấp thứ tư của các doanh nghiệp (DN) Mỹ nhằm vào sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam kể từ năm 2009 (sau túi nhựa P.E, ống thép hàn carbon và mắc áo thép). Tuy nhiên, đây là vụ việc cáo buộc trợ cấp đầu tiên đối với sản phẩm nông nghiệp.
. VASEP và cộng đồng DN xuất khẩu tôm đều khẳng định không hề được trợ cấp từ Nhà nước, là đại diện cơ quan nhà nước, ông ý kiến thế nào về vấn đề này?
+ Trong vụ kiện chống trợ cấp, bên cạnh các bị đơn là DN thì Chính phủ nước bị điều tra cũng là một bên của vụ việc, cũng phải trả lời bảng câu hỏi điều tra do cơ quan điều tra gửi và tham gia trong giai đoạn thẩm tra tại chỗ.
Vụ kiện chống trợ cấp tôm là lần cáo buộc trợ cấp đầu tiên của phía Mỹ đối với sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Cục Quản lý Cạnh tranh là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ đại diện cho Nhà nước thu thập các chứng cứ, tài liệu phản bác lại thông tin phía Mỹ đưa ra. Lúc này, chúng tôi đang thu thập chứng cứ, tài liệu tiến hành theo đúng trình tự thủ tục và luật pháp, khi nào đầy đủ mới có thể công bố kết luận.
Cần gắn chặt Nhà nước với DN
. DN xuất khẩu tôm cho biết đối với vụ kiện chống trợ cấp thì vai trò của cơ quan chính quyền quyết định đến sự thành - bại. Là đơn vị “nhạc trưởng” trong vấn đề này, Cục đã chuẩn bị như thế nào?
+ Theo pháp luật chống trợ cấp của Mỹ, DOC và ITC là hai cơ quan điều tra vụ việc với vai trò khác nhau. DOC điều tra xác định biên độ trợ cấp còn ITC điều tra xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa. Nếu một trong hai cơ quan ra quyết định phủ nhận tồn tại trợ cấp hoặc thiệt hại, cuộc điều tra sẽ được hủy bỏ.
Vấn đề trợ cấp gắn liền với các chính sách của nhiều bộ ngành liên quan tới DN như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… Vì vậy, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan nhà nước liên quan, nhất là VASEP và DN xuất khẩu tôm để thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh không hề có việc trợ cấp cho mặt hàng tôm xuất khẩu. Cục cũng liên kết với từng chính quyền địa phương để chung sức chống lại vụ kiện.
. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc khởi kiện chống trợ cấp, phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của DN Việt Nam ngày càng nhiều?
+ Nguyên nhân được xác định khá rõ ràng là có sự di chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam nhằm tránh mức thuế suất chống bán phá giá cao bị áp ở nước họ. Do đó, các nhà sản xuất tại Mỹ tiếp tục kiện các loại hàng hóa này từ Việt Nam để ngăn chặn việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng đó vào thị trường Mỹ. Mặt khác, khi khởi kiện chống bán phá giá, các nguyên đơn có xu hướng khởi kiện luôn chống trợ cấp vì họ có thể dựa vào các cáo buộc liên quan đến trợ cấp đã từng được điều tra. Để tránh rơi vào tầm ngắm kiện trợ cấp, phá giá, các cơ quan nhà nước có liên quan và hiệp hội ngành hàng phải liên kết thật chặt với nhau.
. Xin cảm ơn ông.
Việc khởi kiện là vô lý!
Chính phủ Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Từ lâu, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chưa có bất cứ nghiên cứu, phân tích toàn diện nào về thực trạng nền kinh tế Việt Nam. Việc một số DN Mỹ khởi kiện chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là vô lý, ngược với quan điểm truyền thống của DOC là không áp dụng luật chống trợ cấp đối với các nước vẫn bị Mỹ coi là có nền kinh tế phi thị trường. Có thể giống như những vụ kiện chống bán phá giá hay trợ giá khác, chúng ta có thể thắng kiện nhưng Mỹ vẫn tiếp tục đổi các chiêu nhằm bảo hộ thị trường trong nước. Và chúng ta lại tốn nhiều chi phí kiện tụng. Trong tháng 1-2013, Bộ sẽ họp tổng kết và có kế hoạch chống vụ kiện trợ giá cụ thể, rõ ràng nhất. Ông VŨ XUÂN MỪNG, Phó Vụ trưởng - Bộ Công Thương |