Vụ doanh nghiệp sữa kêu oan: Theo đến cùng vụ việc

Doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp yêu cầu xác định tính pháp lý của các văn bản do cơ quan hải quan ban hành

Vô cớ bị điều chỉnh mã số phân loại hàng hóa nhập khẩu và truy thu thuế nhập khẩu mặt hàng Anhydorus milkfat (dùng trong sản xuất sữa; Báo Người Lao Động phản ánh ngày 2-12), các doanh nghiệp (DN) cho biết sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Vụ doanh nghiệp sữa kêu oan: Theo đến cùng vụ việc - 1

Mặt hàng sữa được bày bán nhiều trong các siêu thị Ảnh: TẤN THẠNH

Doanh nghiệp không sai!

Nghi vấn về sự bất nhất trong thực thi pháp luật của cơ quan hải quan cũng như tính pháp lý của các văn bản mà cơ quan này ban hành thời gian qua, các DN đặt vấn đề: Cùng một mặt hàng nhập khẩu từ năm 2000 đến 2014, qua nhiều lần kiểm tra phân tích phân loại trong và ngoài ngành hải quan đều được xác định mã số hàng hóa là 0405.90.10. Trong tháng 12-2014, dựa trên kết quả phân tích 1 lô hàng Anhydrous milkfat nhập khẩu vào Việt Nam của Trung tâm Phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu Chi nhánh TP HCM (chi nhánh này đã kiểm tra phân tích phân loại hàng chục mẫu Anhydrous milkfat trước đó và đều cho kết quả là 0405.90.10), Tổng cục Hải quan yêu cầu DN điều chỉnh mã số hàng hóa thành 0405.90.90, đồng thời đề nghị truy thu thuế đối với tất cả các tờ khai nhập khẩu trước đó (quyết định này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các DN, buộc cơ quan hải quan phải dừng việc thực hiện). Sau vụ việc này, những kết quả phân tích phân loại các mẫu Anhydrous milkfat nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2015 (trên 2 lô hàng của Công ty Đại Tân Việt nhập khẩu mở tờ khai ở cảng Hải Phòng trong tháng 3 và tháng 4-2015) đều cho kết quả là mã số phân loại 0405.90.10. Vì vậy, việc Tổng cục Hải quan ra văn bản chỉ đạo các cục hải quan sử dụng mã số thuế 0405.90.90 để tính thuế 15% và truy thu thuế nhập khẩu, thuế GTGT từ năm 2010 là hoàn toàn thiếu căn cứ.

Lãnh đạo một DN sữa cho biết New Zealand là nước xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa với sản lượng rất lớn, mặt hàng Anhydrous milkfat của New Zealand xuất khẩu sang nhiều nước và đều áp dụng mã số 0405.90.10. Các căn cứ khoa học cũng chứng minh sản phẩm này thuộc mã số 0405.90.10, cho thấy việc áp dụng mã số 0405.90.90 là chủ quan, áp đặt. Trong trường hợp việc điều chỉnh mã số tính thuế là đúng, cơ quan hải quan cũng không thể truy thu thuế của DN. “Khi đó, lỗi không phải ở DN mà thuộc về Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan vì các đơn vị này công bố mã số tính thuế, DN căn cứ vào thông tin công bố này để kê khai, nộp thuế. Bắt DN phải chịu trách nhiệm và thiệt hại nặng trong khi DN không sai phạm là đi ngược với kinh tế thị trường, không phù hợp với luật pháp quốc tế và tác động tiêu cực đến nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và muốn làm ăn tại Việt Nam” - vị lãnh đạo DN này nói.

Cơ quan hải quan làm sai?

Phân tích dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng Ban Pháp lý Cục Thuế TP HCM, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn - cho rằng quyết định thay đổi mã số, ấn định và truy thu thuế là không phù hợp. Từ năm 2010 đến nay, mặt hàng Anhydrous milkfat đã được cơ quan hải quan nhiều lần kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế theo 3 cấp độ kiểm tra: kiểm tra trên hồ sơ, chứng từ; kiểm tra trên thực tế; kiểm tra có lấy mẫu để thực hiện phân tích, giám định theo quy định của Bộ Tài chính về phân loại hàng hóa. Các cuộc kiểm tra đều không xác định được DN có vi phạm về tên hàng, mã số, mức thuế. Do đó, trường hợp cơ quan hải quan có chứng cứ dựa trên cơ sở kết quả phân tích, giám định tên hàng, mã số hàng hóa của một lô hàng mẫu (hàng hóa đã thông quan) thì phải xử lý theo quy định tại khoản 3, điều 24 Thông tư 38/2015/TT-BTC: “Trên cơ sở kết quả phân tích, giám định để xác định tên hàng, mã số hàng hóa thì cơ quan hải quan có thể sử dụng kết quả phân tích, giám định của lô hàng này để thực hiện thủ tục hải quan cho các lô hàng tiếp theo của chính người khai hải quan có cùng tên hàng, xuất xứ, mã số hàng hóa khai báo, nhập khẩu từ cùng một nhà sản xuất (đối với hàng hóa nhập khẩu)”. Do đó, quyết định truy thu thuế là không phù hợp với Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Ông Sơn cũng chỉ ra rằng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH 13, các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan trung ương không thể quy định trách nhiệm pháp lý mới, có hiệu lực trở về trước. Vì vậy, văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan yêu cầu truy thu thuế từ năm 2010 là sai luật. Riêng với việc điều chỉnh mã số dẫn đến điều chỉnh thuế nhập khẩu từ 5% lên 15%, ông Sơn cho rằng đây là một hình thức ấn định thuế. Theo Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP, các DN không thuộc trường hợp bị cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Được biết, một trong 8 DN bị cơ quan hải quan ra quyết định truy thu thuế đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp yêu cầu xác định tính pháp lý của các văn bản cơ quan hải quan đã ban hành.

Số tiền khoảng 700 tỉ đồng

Tám doanh nghiệp bị Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện truy thu thuế với số tiền tổng cộng khoảng 700 tỉ đồng gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Đại Tân Việt, Công ty FrieslandCampina, Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), Công ty CP Hóa chất Á Châu, Công ty CP Thế Hệ Mới, Công ty CP Sữa Hà Nội và Công ty CP TM - Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm.

Cơ quan hải quan nói gì?

Liên quan đến việc 8 doanh nghiệp (DN) sữa có văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính để phản đối việc truy thu thuế, ngày 2-12, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã có ý kiến phản hồi.

Vị đại diện cho biết theo quy định thì Anhydrous Milkfat (dầu bơ khan) và Anhydrous Butterfat (chất béo khan của bơ) là 2 mặt hàng khác nhau, có mã số HS và thuế suất khác nhau. Đối với hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat thì mã số 0405.90.90 có mức thuế nhập khẩu là 15%, còn Anhydrous Butterfat thuộc mã số 0405.90.10 có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%. “Về việc này, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương. Tuy nhiên khi nhập khẩu, một số DN nhập mặt hàng dầu bơ khan vẫn khai là chất béo khan của bơ. Trường hợp này không phải là một mặt hàng mà biểu thuế là 2 dòng hàng. Ý kiến của Bộ Công Thương và kinh nghiệm tại Thái Lan đều xác định đây là 2 mặt hàng khác nhau với thuế suất khác nhau” - đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan khẳng định.

Ông này cũng cho rằng ở đây, các DN dù nhập 2 dòng hàng nhưng vẫn khai một dòng hàng là do lịch sử từ trước đến nay. Việc này tạo ra số tiền thuế lớn nên DN phản ứng. Tuy nhiên, việc kiểm tra sau thông quan là bình thường. Ngành hải quan cũng đã từng tiến hành kiểm tra sau thông quan và truy thu được tiền thuế đối với những dòng hàng khai chưa đúng.

Cũng theo vị đại diện này, việc kết luận DN nào khai sai hay khai đúng là chưa được khẳng định. Tuy nhiên, từ dấu hiệu nêu trên, ngành hải quan đã có chỉ đạo hải quan các địa phương kiểm tra sau thông quan. Nếu xác định đúng là dầu bơ khan thì phải áp thuế suất 15% và chất béo khan của bơ thì thuế là 5%.

Với phản ánh của DN về sự không nhất quán trong các văn bản điều hành thu ngân sách, cụ thể là sự bất nhất trong hướng dẫn kê khai mã số thuế đối với mặt hàng này, theo Tổng cục Hải quan, có thể do nhiều mặt hàng phức tạp mà cán bộ hải quan không thể kiểm tra hết. “Anh em cán bộ có thể không có nghiệp vụ nắm hết được những mặt hàng phức tạp trong bối cảnh thông quan nhanh, thông quan điện tử, do đó mới cần kiểm tra sau thông quan. Sau sự việc này, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sẽ làm việc vào ngày 3-12 và đưa ra kết luận cuối cùng” - vị đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung - Thanh Nhân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN