Vụ 3.500 tỷ đồng: Hai bộ đều phải chịu trách nhiệm

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ, liên quan việc người tiêu dùng phải mua xăng dầu đắt hơn 3.500 tỷ đồng do cơ quan quản lý áp thuế nhập khẩu cao hơn cam kết quốc tế, hai bộ được giao quản lý là Công Thương và Tài chính đều phải chịu trách nhiệm.

Vụ 3.500 tỷ đồng: Hai bộ đều phải chịu trách nhiệm - 1

Sai về thuế nhập khẩu xăng dầu làm thiệt hại người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Phản pháo”

Những tranh cãi về trách nhiệm trong việc cùng quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua khiến người tiêu dùng phải chi 3.500 tỷ đồng mua xăng dầu cao hơn quy định tiếp tục gây chú ý của dư luận khi ngày 23/3, Bộ Công Thương có văn bản “phản pháo” những ý kiến của Bộ Tài chính xung quanh trách nhiệm điều hành giữa hai cơ quan.

Trong văn bản dài 3 trang, đại diện Bộ Công Thương dẫn hàng loạt các quy định trong Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu để khẳng định trách nhiệm là của các cơ quan điều hành. Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì quy định mức thuế xuất nhập khẩu xăng dầu và hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng khẳng định trong văn bản về việc nhiều lần cùng các doanh nghiệp, hiệp hội xăng dầu có công văn kiến nghị Bộ Tài chính xử lý vấn đề chênh lệch trong áp thuế nhập khẩu xăng dầu từ những nước có hiệp định thương mại với Việt Nam. (Vấn đề này, thậm chí được nêu rõ trong các công văn số 153 ngày 31/3/2015; công văn số 270 ngày 18/5/2015 về kiến nghị xử lý thuế của Lọc hóa dầu Bình Sơn cùng nhiều công văn khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Lọc dầu Dung Quất cũng như của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam xung quanh các vấn đề về thuế nhập khẩu xăng dầu). Bộ Công Thương cho rằng, việc đại diện Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính “đổ lỗi” khi trả lời báo chí về chậm đưa ra mức thuế xuất nhập khẩu mới là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai bộ.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước,  quan điểm của Bộ Công Thương khá rõ: đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng. “Năm 2015, chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đóng dấu đầy đủ gửi sang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu. Từ đầu năm 2016, chúng tôi tiếp tục đề cập vấn đề thuế nhập khẩu trong 3 văn bản nhưng họ (Bộ Tài chính-PV) không hề có văn bản trả lời. Bộ Tài chính nắm về thuế, đổ trách nhiệm như vậy không được”, một quan chức Bộ Công Thương đề nghị giấu tên nói với PV Tiền Phong.

Áp dụng sai cần sửa sai luôn

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 24/3, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, vấn đề áp thuế nhập khẩu sai cam kết khiến người tiêu dùng phải mua xăng cao hơn thực tế 3.500 tỷ đồng cần nhìn ở nhiều khía cạnh.

Với phần chênh lệch đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý và đưa vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu đưa số tiền 3.500 tỷ đồng chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu mà doanh nghiệp đang được hưởng vào Quỹ bình ổn cũng là cách để điều hòa giá xăng dầu trong thời gian tới. Ở đây, người dân thiệt  giai đoạn trước nhưng vẫn sẽ được hưởng giai đoạn sau. Còn việc trả lại tiền trực tiếp cho người dân là việc không thể.

“Bây giờ có nhiều người hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Thì trách nhiệm thuộc về người ban hành. Ai ban hành người đó chịu trách nhiệm. Ở đây là lỗi trước tiên thuộc về hai bộ quản lý là Công Thương và Tài chính. Còn các bộ cứ đùn đẩy nhau thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm”, ông Thụ nói.

Ông Thụ cũng cho rằng, cần rà lại Nghị định 83 cùng các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu để xác định ngoài việc xác định giá cơ sở chưa phù hợp thì còn cái gì không phù hợp, để sửa luôn cho hoàn thiện cơ chế. Mục tiêu cuối trong giai đoạn tới làm sao việc quản lý thị trường nói chung, quản lý giá xăng dầu nói riêng đừng để những trục trặc, đừng tạo ra việc các tổ chức cá nhân thu lợi mà không dựa vào đóng góp, công sức đầu tư cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính tổ chức, cá nhân đó.

“Các bộ nên rà soát lại, kiểm điểm rõ trách nhiệm để rút kinh nghiệm, đừng để sơ suất lại xuất hiện trong thời gian tới. Còn việc cá thể hóa trách nhiệm tôi cho rằng khó bởi ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên nguyên tắc là chế độ tập thể làm quy trình tương đối phức tạp. Quan trọng nhất là phát hiện sai ta sửa sai luôn”, ông Thụ nói.

Không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý

Liên quan đến việc trách nhiệm điều hành của cơ quan quản lý trước những vấn đề dư luận quan tâm, một Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần có sự sòng phẳng trong nhận trách nhiệm đối với cơ quan quản lý. Theo vị này, dù gì thì sự việc đã xảy ra vì vậy trách nhiệm đối với cơ quan quản lý là không thể chối bỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên - Nguyễn Hạnh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN