Vốn ngoại đổ vào giày dép
Chỉ trong 3 năm, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất giày dép tăng từ 0,5 tỉ USD lên xấp xỉ 2 tỉ USD. Hiện hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), đưa ra tại hội thảo “Nâng cao năng lực ngành da giày Việt Nam” do LEFASO và Hiệp hội Bán buôn - Bán lẻ giày dép Hoa Kỳ (FDRA) tổ chức vào ngày 10-11 ở TP HCM. Đứng thứ năm thế giới về sản xuất và đứng thứ hai về xuất khẩu các mặt hàng giày dép sang Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản (chỉ sau Trung Quốc), ngành da giày Việt Nam có rất nhiều cơ hội khi hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang đàm phán song thách thức cũng rất lớn.
Điểm đến thay “ông lớn” Trung Quốc
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho biết với ngành da giày, dệt may, thị trường Nhật, EU, Mỹ chủ yếu dùng hàng rào thuế quan nên khi các FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… được ký kết sẽ đem lại cơ hội rất lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và thị phần của ngành da giày trong nước. Thuế nhập khẩu từ các thị trường này sẽ giảm dần về 0% thay vì mức rất cao như hiện nay (một số dòng giày dép xuất khẩu vào Mỹ đang phải chịu thuế suất lên đến 50% - PV).
Kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI trong ngành da giày hiện chiếm khoảng 70% và sẽ gia tăng thời gian tới. Ảnh: Vĩnh Tùng
“80% giày dép cung cấp cho thị trường Mỹ đến từ Trung Quốc nhưng quốc gia này không còn là nơi đặt nguồn cung hiệu quả vì chi phí cao. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) đang rời khỏi Trung Quốc để tìm thị trường hấp dẫn hơn, trong đó có Việt Nam” - ông Matt Priest, đại diện FDRA, cho biết. Hơn nữa, nếu TPP được ký kết, sẽ có thêm 364 triệu USD nhập khẩu giày dép vào Mỹ đến từ các nước thành viên TPP, trong đó 360 triệu USD đến từ Việt Nam.
Điều này lý giải sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam khi hàng loạt thương hiệu, tập đoàn sản xuất giày dép hàng đầu thế giới đã và đang dời nhà máy từ Trung Quốc sang như Nike, Adidas, Puma, các tập đoàn Target Sourcing Services, Dansu Group…
Hãng sản xuất giày dép Wolverine Worldwide là DN Mỹ đầu tiên đến Việt Nam lập nhà máy cách đây 20 năm và đang không ngừng mở rộng thị phần. Ông Scott Thomas, đại diện Wolverine Worldwide, cho biết ban đầu công ty có chiến lược tập trung nhà máy ở Trung Quốc đến năm 2020 với 75% lượng đơn đặt hàng của tập đoàn đến từ nước này.
“Tuy nhiên, nhiều vấn đề tại Trung Quốc như lạm phát tăng cao, lương tối thiểu tăng mạnh và những bất ổn trong xã hội khiến DN cảm thấy không yên tâm. Dân số nước này đang già đi và trong 10-20 năm tới, áp lực phải chi trả phúc lợi cho người lao động nghỉ hưu là rất lớn. Chúng tôi muốn dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và phần lớn đơn hàng sẽ dời sang Việt Nam” - ông Scott Thomas nói.
Tương tự, Tập đoàn Ever Rite International (Mỹ) đã chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Ông Oliver Ng, đại diện tập đoàn này, cho biết nếu năm 1993, hãng có nhà máy đầu tiên tại TP HCM thì đến tháng 9-2013, Ever Rite International đã chuyển nhà máy sản xuất cuối cùng ở Trung Quốc sang Việt Nam. Tại Việt Nam, DN này có 52 dây chuyền sản xuất giày dép và dự kiến sẽ tăng hơn nữa.
“Dân số trẻ, tỉ giá ổn định, lương tối thiểu thấp hơn Trung Quốc và năng suất lao động hoàn toàn có thể so sánh được so với các nước trong khu vực…” - ông Oliver Ng giải thích lý do chọn Việt Nam để đầu tư.
Doanh nghiệp nội: Tồn tại hoặc rời cuộc chơi
Mười tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt 10,2 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và mục tiêu cả năm xuất khẩu khoảng 12 tỉ USD hoàn toàn có thể đạt được. Xuất khẩu da giày liên tục tăng trưởng mạnh, chiếm 10% tổng kim ngạch và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba sau dệt may, điện thoại các loại và linh kiện. Trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 70%.
Tại hội thảo, các DN da giày lo lắng thị trường Việt Nam nhỏ nhưng đang có quá nhiều “ông lớn” nhảy vào để chia phần khi Việt Nam gia nhập các FTA. Cơ hội cho ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng thị phần trên bản đồ thế giới là rất lớn nhưng DN nội địa đang phải đối mặt với sự cạnh tranh về đơn hàng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, ngành công nghiệp phụ trợ yếu kém…
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO, ví von khi làm thịt một con ếch, nếu bỏ vào nước lạnh và đun lửa từ từ, nó sẽ bị ru ngủ bởi nước ấm dần và đến lúc sôi thì không xoay trở kịp. Còn nếu thả con ếch ngay vào nước nóng, buộc nó phải quyết định nhảy ra khỏi nồi hoặc chết. Câu chuyện này cho thấy nếu ngành nào phát triển từ từ rất dễ bị ru ngủ bởi những cái mình làm được.
“Nay với các FTA Việt Nam đàm phán, dự kiến sẽ có hiệu lực dồn dập trong khoảng 5 năm tới giống như chuyện làm nồi nước sôi lên. DN chỉ có 2 lựa chọn: nhảy ra khỏi nồi nước - tự phát triển hoặc chết trong đó, bản thân mỗi DN phải tự đánh giá” - ông Kiệt nói.
Không thể trông chờ nhà nước Hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ cho DN da giày không còn phù hợp mà chỉ có thể hỗ trợ thông qua đào tạo nguồn nhân lực, chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có rất nhiều ưu đãi về thuế, lãi suất để khuyến khích DN đầu tư xây dựng vùng nguyên phụ liệu, nâng tỉ lệ nội địa hóa nhằm đáp ứng các quy định về xuất xứ. “Chưa bao giờ các DN ngành da giày lại đứng trước cơ hội tốt như lúc này, vấn đề còn lại là DN có quyết tâm “nhảy” vào để tìm chỗ đứng cho mình, chen chân vào các mắt xích trong chuỗi sản xuất giày dép toàn cầu hay không?” - ông Nguyễn Đức Thuấn nhận xét. |