Vốn đóng tàu vẫn ùn ứ

Mặc dù triển khai đã được gần 1 năm (từ ngày 7.7.2014), song đến nay, việc giải ngân nguồn vốn để đóng mới vỏ tàu Nghị định 67 của Chính phủ vẫn còn rất hạn chế, nhiều khó khăn, vướng mắc đã phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Tranh cãi về nhập tàu cũ

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, đến nay đã có 23/28 tỉnh, thành phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện tham gia vay vốn đóng tàu với số tàu đăng ký đóng mới là 628 chiếc, chỉ chiếm gần 28% số tàu được phân bổ. Còn theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ đến thời điểm này đạt gần 72 tỷ đồng. Có hai hồ sơ (2 tàu) đề nghị vay vốn bị từ chối do chủ tàu sử dụng máy cũ để nâng cấp tàu.

Vốn đóng tàu vẫn ùn ứ - 1
Ngại những quy định từ ngân hàng, ông Cao Huy Xuyên ở xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An vừa vay 100 triệu từ Hội CCB để sửa chữa tàu. Ảnh: Lê Hữu Thọ

Tại cuộc họp, một số ý kiến có cho rằng, quy định nâng cấp tàu cá phải thay máy mới có công suất 400CV trở lên mới được hỗ trợ lãi suất vay, trong khi đó nhiều ngư dân đã có tàu công suất từ 400CV trở lên chỉ muốn vay vốn để gia cố vỏ tàu. Về vấn đề này, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: “Nếu khuyến khích sử dụng máy cũ sẽ không chỉ gây khó cho ngư dân, mà còn có nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi rác”.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thống nhất với nhận định này và cho rằng, không nên sử dụng máy cũ, dù người dân có nhu cầu thật sự. Trong khi đó các tỉnh khác lại cho rằng nên nhập. Ông Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện tỉnh đã công nhận 79 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, trong đó 73 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng, 8 hồ sơ hoàn chỉnh thủ tục, nộp tới các ngân hàng thương mại để xem xét cho vay.

“Người dân cho biết, với tàu vỏ thép, họ đóng máy mới, còn tàu gỗ thì xin cho lắp máy đã qua sử dụng vì hiện ở Quảng Ngãi 99% tàu vỏ gỗ đã có máy qua sử dụng. Máy của Nhật trên thân máy có ghi số giờ chạy còn rất tốt. Trong khi máy mới có giá trên 2 tỷ đồng, thì tàu sử dụng máy cũ chỉ dưới 1 tỷ đồng, nếu lắp máy cũ đỡ tốn tiền cho nhà nước”, ông Thọ cho biết.

Về lo ngại này, đại diện Bộ KHCN cho biết, hiện Bộ đã xây dựng Thông tư quy định máy móc, thiết bị, công nghệ, dây chuyền cũ được nhập về Việt Nam, theo đó, thời gian dưới 10 năm và chất lượng trên 70%.

Tăng vốn đầu tư bằng mọi giá

Theo ý kiến của các địa phương, “nút thắt” lớn nhất trong Nghị định 67 hiện này là chỉ quy định mức vay tối đa, nên nhiều ngư dân vẫn phải vay ở hạn mức thấp; một số ngân hàng thương mại cho rằng ngư dân vẫn phải cần thế chấp bổ sung thêm tài sản khác làm tài sản bảo đảm cho khoản vay ngoài tài sản con tàu; một số ngư dân thiếu vốn đối ứng do quy định ban đầu phải nộp đủ cả thuế giá trị gia tăng 10% (1 con tàu vỏ thép trị giá 18 tỷ, phải nộp 1,8 tỷ ngay từ đầu là quá lớn- PV)…

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh có 6.820 tàu thuyền, tổng công suất 1,2 triệu CV, hiện tại tỉnh đang đóng mới 60 tàu, bình quân công suất 650CV, có tàu trên 1.000CV. “Ban đầu, dự kiến giá trị tàu sắt dưới 10 tỷ đồng, khi làm việc với các đơn vị đóng tàu đã lên tới 18 tỷ đồng. Băn khoăn của người dân là sau này phải trả nợ như thế nào, nếu chia bình quân, 1 năm phải mất hơn 1 tỷ trả ngân hàng là rất lớn. Do đó ngư dân đề xuất kéo dài thời gian cho vay từ 11 năm lên 16 năm”, bà Hà nói. Cũng theo bà Hà, nhu cầu của ngư dân rất là lớn, nếu được hỗ trợ một lần luôn số tiền lãi suất, người dân sẽ đóng rất nhanh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Chính phủ ban hành Nghị định 67 với mục tiêu xuyên suốt là khuyến khích ngư dân bám biển, khuyến khích đóng tàu lớn nhưng phải vững chắc để có thể khai thác xa bờ đúng với lợi thế từng địa phương. Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng đề nghị 3 Bộ: Tài chính, KHĐT, NNPTNT tìm kiếm nguồn vốn, tăng cường đầu tư cho chính sách này mới hiệu quả được. “Bất cứ một cái gì có trong danh mục đều được hưởng hỗ trợ, không nhất thiết phải đóng mới, mà khi nâng cấp, sửa chữa vỏ tàu, thay thế các thiết bị có trong danh mục đều được hưởng chính sách này. Tôi khẳng định là như vậy, các địa phương cần hướng dẫn lại cho cụ thể”- Phó Thủ tướng khẳng định.

 Sáng 24.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tình hình triển khai về một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Đây là chính sách nằm trong Chiến lược biển Việt Nam được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư có Nghị quyết thông qua, khẳng định việc khai thác các nguồn lợi thuỷ sản trên biển để xây dựng đất nước ta mạnh về biển, giàu về biển. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN